Năm 2008, đội ngũ trí thức của huyện có 1.823 người, đến nay đã có 2.111 người, tăng 288 người. Trình độ của đội ngũ trí thức được nâng lên; trong đó đại học 1.503 người, tăng 334 người so với năm 2008. Có 917 trí thức là nữ, chiếm 43% (năm 2008 là 608/1.823 người, chiếm 33%). Đội ngũ trí thức phần lớn ở độ tuổi trẻ: Dưới 35 tuổi có 761 người, chiếm 36%; từ 35-45 tuổi có 634 người, chiếm 30%; trên 45 tuổi có 716 người, chiếm 34%. Có 205 trí thức là người dân tộc thiểu số, chiếm 9,7%. Trí thức đang công tác tại các cơ quan hành chính huyện là 445 người, chiếm 21%; trong đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện là 1.666 người, chiếm 79% (trong đó: sự nghiệp giáo dục 1.627/1.666 người, chiếm 97,7% và sự nghiệp khác 39/1.666 người, chiếm 2,3%). Đội ngũ trí thức phát huy tốt vai trò trên các lĩnh vực công tác và đời sống xã hội; nhiều đề tài, sáng kiến hữu ích của đội ngũ trí thức đã được nghiên cứu, ứng dụng trong thực tiễn, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập và mức sống của các tầng lớp nhân dân trong huyện.
Đội ngũ trí thức tham gia công tác lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị, địa phương nhìn chung được đào tạo cơ bản, có trình độ, năng lực và kinh nghiệm, phát huy tốt vai trò và khả năng của mình, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành, góp phần quan trọng vào sự đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm lãnh đạo, triển khai thực hiện, nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức phát huy tài năng, trí tuệ cống hiến cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của huyện.
Chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức được huyện quan tâm. Từ năm 2008 đến nay, huyện đã thu hút được 01 thạc sỹ; tuyển dụng được 276 người có trình độ đại học vào công tác tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong huyện. Huyện đã đưa vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý đối với những trí thức có trình độ đại học, có ý thức rèn luyện phấn đấu vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời tạo điều kiện để cán bộ, trí thức được đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị, quản lý nhà nước.
Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách về trọng dụng, đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức; công tác tôn vinh cán bộ, công chức, viên chức trí thức được các cấp uỷ, chính quyền quan tâm thực hiện. Hàng năm đã làm tốt công tác thi đua - khen thưởng, tôn vinh đối với các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích cống hiến, đóng góp trong quá trình công tác; đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng kịp thời đối với các đồng chí đủ tiêu chuẩn theo quy định. Qua 10 năm, toàn huyện có hơn 3.093 lượt trí thức, cán bộ, công chức được các cấp công nhận danh hiệu và khen thưởng. Trong đó, có 10 người được tặng Huân chương Lao động hạng Ba trở lên; 11 người được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 256 lượt người được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; 1.759 lượt người được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen; 1.057 lượt người được Chủ tịch UBND huyện công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở.
Tuy nhiên, phần lớn đội ngũ trí thức chỉ đơn thuần hoạt động chuyên môn, ít gắn kết với tình hình thực tế ở địa phương nên khi tham mưu các chương trình, kế hoạch mang tính dài hạn, thể hiện sự gắn kết giữa chuyên môn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thì lúng túng, bị động. Một bộ phận đội ngũ trí thức bản lĩnh về chính trị còn hạn chế, tư tưởng có lúc còn dao động; tinh thần tự học nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị chưa thật chủ động, chưa thường xuyên tích luỹ kinh nghiệm từ thực tiễn cuộc sống; cá biệt có một số ít còn thờ ơ với xã hội, chưa gắn bó với quê hương, nghề nghiệp và thiếu yên tâm công tác.
Thiết nghĩ, để Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Chương trình hành động số 19-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XI) tiếp tục đi vào cuộc sống; bên cạnh những giải pháp đồng bộ, lâu dài thì giải pháp trước mắt là huyện cần bố trí, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ hiện có; tăng cường cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ kinh tế cho cơ sở (xã, thị trấn), nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng cao. Mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số có phẩm chất chính trị tốt để thay thế dần số cán bộ lớn tuổi; tạo môi trường thuận lợi để đội ngũ trí thức phát huy năng lực, trí tuệ, cống hiến và đóng góp xứng đáng trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của huyện.
Coi trọng việc phát triển đội ngũ trí thức có trình độ cao, chuyên môn giỏi theo phương châm “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, xem đây là một trong những nội dung lãnh đạo chủ yếu, là nhiệm vụ then chốt của tất cả các cấp ủy Đảng, chính quyền. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, trí thức để họ nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân trong quá trình phát triển của huyện. Kịp thời nắm bắt và giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng và động viên đội ngũ trí thức của huyện vượt qua khó khăn thi đua học tập, công tác hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tiếp tục đóng góp sức mình để xây dựng quê hương Tuy Phong ngày càng giàu đẹp ./.