Huyện Tuy Phong nằm ở phía bắc của tỉnh Bình Thuận, gồm 11 đơn vị hành chính (02 thị trấn và 09 xã); với tổng dân số 147.736 người, trong đó có 8.888 người đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 6,14%, có 613 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,61% và 2.832 hộ cận nghèo, chiếm 7,43% dân số toàn huyện. Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, huyện tập trung huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án gắn với các nguồn lực xã hội hỗ trợ người nghèo, cận nghèo cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt và sản xuất, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các xã, thị trấn trên địa bàn.
Tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo
Trong thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bố trí ngân sách, nguồn vốn vay, huy động nguồn xã hội hóa, bảo đảm người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước theo quy định; được tiếp cận tốt các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin và tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên thoát nghèo. Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo với tổng kinh phí phân khai trong 03 năm (từ năm 2022 đến 2024) hơn 11,898 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 2,229 tỷ đồng để thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình. Từ ngân sách Nhà nước, đã giải quyết, hỗ trợ kịp thời, đầy đủ về chi phí học nghề, bảo hiểm y tế, viện phí, học phí, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ sản xuất... cho người thuộc học nghèo, cận nghèo. Trong đó, đã cấp 5.250 lượt thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, 27.606 lượt thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh là 235,4 triệu đồng; tổ chức các lớp đào tạo nghề cho 383 lao động địa phương; cung cấp 2.000 sim Vinaphone miễn phí gọi điện, truy cập Internet hằng tháng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo...
Trong 02 năm (2022, 2023), hơn 1.700 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được tiếp cận các nguồn vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển kinh tế, với tổng vốn vay là 63,174 tỷ đồng. Ngoài ra, từ chương trình tín dụng khác, đã giải quyết cho 51 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vay 2,066 tỷ đồng.
Phong trào “lá lành đùm lá rách”, các hoạt động trong “Tháng cao điểm vì người nghèo” được cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng tích cực với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Vận động quỹ “Vì người nghèo” đạt kết quả tích cực, từ năm 2021 đến nay vận động được hơn 3,557 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này đã hỗ trợ chăm lo Tết cho 2.434 lượt người nghèo với số tiền gần 1,292 tỷ đồng; hỗ trợ kịp thời cho 317 hộ nghèo và 1.360 hộ cận nghèo gặp khó khăn do ảnh hưởng Đại dịch Covid-19, số tiền 861 triệu đồng; hỗ trợ vốn sản xuất cho 114 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, số tiền 770 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 03 căn nhà Đại đoàn kết với tổng số tiền trị giá 90 triệu đồng. Bên cạnh đó, từ các nguồn vận động trong xã hội, đã hỗ trợ xây dựng 20 căn nhà Đại đoàn kết với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng, hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Đa dạng các mô hình phát triển kinh tế hỗ trợ giảm nghèo
Để làm tốt công tác giảm nghèo bền vững, những năm qua, ngoài thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách dành cho hộ nghèo, cấp ủy, chính quyền huyện Tuy Phong còn chú trọng đến công tác phát triển kinh tế hỗ trợ giảm nghèo. Đến nay, huyện đã thành lập và duy trì hoạt động của 13 hợp tác xã nông nghiệp, 42 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 18 Tổ hợp tác nông nghiệp. Song song đó, huyện quan tâm xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo như 03 mô hình tại xã Phong Phú với quy mô 62 ha có 179 hộ tham gia với số tiền 498 triệu đồng; tại xã Phú Lạc với 03 mô hình quy mô 82 ha có 143 hộ tham gia với tổng số tiền là 632 triệu đồng góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động phổ thông, trong đó có người nghèo, cận nghèo.
Những năm qua, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng về điện, đường, trường học, cơ sở y tế, nhà văn hoá… phục vụ dân sinh, trong đó có người nghèo được hưởng lợi. Mở rộng hệ thống nước sinh hoạt đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân, kiên cố hoá các tuyến kè, kiên cố hóa 12 tuyến kênh nương nội đồng với chiều dài 10,342 km từ nguồn kinh phí hỗ trợ đất lúa và nguồn Đề án kiên cố hóa hóa kênh mương nội đồng, khai hoang cải tạo đồng ruộng và hệ thống kênh khu A xã Phan Dũng thuộc Chương trình hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hệ thống trường lớp, trang thiết bị được đầu tư quy mô hơn, đáp ứng yêu cầu dạy - học; mạng lưới y tế cơ sở được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại theo hướng xã hội hóa.
Bên cạnh đó, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với triển khai xuyên suốt các phong trào thi đua, mô hình hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả như “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, “Thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, mô hình phụ nữ giúp nhau giảm nghèo phát triển kinh tế..., vận động đoàn viên, hội viên của tổ chức mình tham gia các dự án, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế gia đình gắn với xây dựng nông thôn mới góp phần làm chuyển biến nhận thức của đoàn viên, hội viên, một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn để phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo.
Nhờ đó, 2,5 năm qua, huyện Tuy Phong đã hỗ trợ 257 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 1,61%, bình quân mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 0,25-0,27%. Dự kiến cuối năm 2024 sẽ hỗ trợ cho 103 hộ thoát nghèo. Kết quả từ công tác giảm nghèo đã góp phần tích cực cho việc thực hiện các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới và xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2023, huyện Tuy Phong có thêm 01 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, nâng số lượng xã đạt chuẩn Nông thôn mới của huyện đến nay là 6/9 xã, đời sống của người dân có cải thiện, một bộ phận được nâng lên, bộ mặt nông thôn của huyện ngày càng khởi sắc và khang trang hơn.