Ngay sau khi Ban Bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 229-KH/HU ngày 12/6/2015 về thực hiện Chương trình hành động số 33-NQ/TU ngày 24/2/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) về thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Công văn số 2596-CV/HU ngày 18/11/2019 về lãnh đạo triển khai thực hiện Thông báo kết luận số 841-TB/VPTU ngày 27/9/2019 của Thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI); Công văn số 42-CV/HU ngày 16/9/2020 về triển khai các nhiệm vụ liên quan tín dụng chính sách xã hội; Kế hoạch số 34-KH/HU ngày 22/11/2021 về triển khai Kế hoạch số 41-KH/TU ngày 30/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 và gần 4 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/06/2021 của Ban Bí thư khóa XI “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, huyện Tuy Phong đã chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tích cực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội. UBND huyện đã quan tâm, hỗ trợ kinh phí, điều kiện làm việc cho Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện gồm: cấp đất xây dựng trụ sở Phòng giao dịch tổng diện tích 2.601m2, với trị giá 15.621 triệu đồng, hỗ trợ 500 triệu đồng để xây nhà công vụ; UBND các xã, thị trấn đã bố trí hội trường, phòng làm việc để làm điểm giao dịch giữa Ngân hàng CSXH với người dân; hàng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn cố gắng ưu tiên dành một phần ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn ủy thác tại địa phương đến ngày 30/4/2024 đạt 14.171 triệu đồng, chiếm 2,62% tổng nguồn vốn hoạt động của PGD NHCSXH huyện, tăng 13.371 triệu đồng (tăng 16,71 lần) so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW (trong đó nguồn lãi nhập vốn là 1.071 triệu đồng).
Cùng với mô hình, Tổ TK&VV, phương thức cho vay ủy thác đã gắn kết 04 nhà (Ngân hàng, Chính quyền, tổ chức CTXH và Tổ TK&VV chung tay giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác; đồng thời tạo thuận lợi cho các tổ chức CTXH có thêm điều kiện củng cố tổ chức của mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn, năng lực của cán bộ được nâng cao; tổ chức CTXH tham gia và giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch trong sử dụng nguồn lực của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo.
Với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”; “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”; Đến 30/4/2024 tổng dư nợ của NHCSXH huyện đạt trên 541 tỷ đồng; Nguồn vốn tín dụng chính sách từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, hàng năm tăng bình quân trên 15% đã và đang góp phần hỗ trợ cho hơn 59 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH; hơn 4 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo điều kiện cho hơn 8 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; hơn 3 nghìn lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; xây dựng 18 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường...
Có thể thấy, hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội cũng đã khắc phục các hạn chế của chính sách cho không, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức của người nghèo, từ mặc cảm tự ti, ỷ lại, sợ vay vốn, không biết cách sử dụng vốn đến quyết tâm thoát nghèo, ý chí vươn lên làm giàu chính đáng. Nguồn vốn cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng CSXH đã khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đời sống Nhân dân được nâng lên. Từ đó tác động tích cực, nâng cao đời sống văn hóa, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Chính phủ.
Trong thời gian tới, để thực hiện thành công hơn nữa Chỉ thị 40-CT/TW; Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai một số giải pháp trọng tâm như sau:
- Thường trực HĐND&UBND huyện quan tâm cân đối ngân sách bổ sung nguồn vốn uỷ thác cho PGD NHCSXH huyện hàng năm đảm bảo năm sau cao hơn năm trước; chỉ đạo Văn phòng Huyện uỷ, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, phòng, ban huyện tăng cường mở tài khoản, chuyển các nguồn vốn quỹ, chương trình, dự án và các nguồn vốn hợp pháp khác…. gửi vào NHCSXH huyện, để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH.
- Chỉ đạo tổ chức rà soát, bổ sung đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi vào danh sách hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác (như các trường hợp tái nghèo). Đảm bảo không còn trường hợp nào thuộc đối tượng vay vốn có nhu cầu vay vốn mà không được rà soát, xác nhận và không được vay vốn.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân. Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình tín dụng chính sách xã hội.
- Tăng cường công tác chỉ đạo đối với hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, đặc biệt đối với thành viên là Chủ tịch UBND cấp xã. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của Ban Giảm nghèo, Trưởng thôn, khu phố, Tổ Tiết kiệm và vay vốn, duy trì hoạt động của Tổ đôn đốc thu hồi nợ, thực hiện tốt công tác tuyên truyền để các hộ vay hiểu khi vay vốn phải có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng hạn, nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn…
- Lồng ghép có hiệu quả việc đầu tư vốn tín dụng chính sách với việc đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn, hướng dẫn cách làm ăn giúp người nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn đạt hiệu quả, hạn chế rủi ro.
Nhìn lại những kết quả trong hoạt động tín dụng chính sách sau 10 năm, Chỉ thị 40-CT/TW đã mang đến luồng sinh khí mới, trở thành điểm tựa giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên trong cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội của địa phương; khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, phù hợp, thiết thực, mang tính đột phá để tổ chức triển khai thực hiện tín dụng CSXH, cùng với sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành và đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân, xây dựng và gặt hái những thành tựu trên các lĩnh vực. Đây là nền tảng vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tuy Phong đoàn kết, đồng lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển, từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Bình Thuận trở thành tỉnh kiểu mẫu.