Tháng 7/1920, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Từ đây, Người xác định “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Trong khoảng thời gian chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Người đã trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác Lênin cho những thanh niên ưu tú từ Việt Nam đưa sang Trung Quốc. Những tài liệu phục vụ cho công tác bồi dưỡng lý luận chính trị được biên tập thành cuốn sách “Đường kách mệnh” xuất bản năm 1927. Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh là giảng viên chính trị đầu tiên, tác phẩm “Đường kách mệnh” là tài liệu bồi dưỡng lý luận chính trị đầu tiên của Việt Nam. Trải qua 13 kỳ đại hội, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị luôn được quan tâm, xem là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ của Đảng. Và hơn ai hết, đội ngũ giảng viên chính trị là lực lượng được giao trọng trách truyền đạt Chủ nghĩa Mác-Lệnin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những quyết sách của Đảng, Nhà nước góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Hiện tại, tình hình thế giới và khu vực diễn ra phức tạp, khó lường. Trong nước, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng với nhu cầu của thời đại mới gặp không ít khó khăn, thách thức; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi; các thế lực thù địch vẫn ngày đêm thực hiện thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, lợi dụng những hạn chế yếu kém trong quản lý xã hội, đặc biệt lợi dụng tính năng của mạng xã hội đầu độc thế hệ trẻ bằng những thông tin xấu độc, luận điệu xuyên tạc, tạo tâm lý hoài nghi, tiến tới phá bỏ nền tảng tư tưởng, tẩy trắng những thành tựu của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi đa nguyên, đa đảng, hòng lật đổ chế độ. Đứng trước những thách thức, khó khăn nêu trên, đòi hỏi đội ngũ giảng viên chính trị phải thay đổi nhận thức về công tác giảng dạy, nhất là giảng viên ở cơ sở.
Qua thời gian tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; Quyết định số 208/QĐ-TW, ngày 08/11/2019 của Ban Bí thư “về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện”; Quy định số 883-QĐ/BTGTW, ngày 24/11/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương về “Ban hành quy chế đào tạo, bồi dưỡng của trung tâm chính trị cấp huyện” và chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, hoạt động của đội ngũ giảng viên ở Trung tâm Chính trị được nâng dần chất lượng. Với 01 giảng viên chuyên trách, 05 giảng viên kiêm nhiệm, 05 giảng viên thỉnh giảng. Từ năm 2020 đến năm 2023, Trung tâm Chính trị đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho 133 lớp với 10.521 học viên, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Nổi rõ hơn hết là đội ngũ giảng viên đã thể hiện ý thức trách nhiệm trong việc soạn giảng, đầu tư giáo án (100% giảng viên sử dụng giáo án điện tử), lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bài giảng một cách sinh động, phong phú, thiết thực với tình hình thực tế, định hướng, tạo dựng niềm tin của Đảng đối với học viên. Chất lượng truyền đạt kiến thức được nâng lên; đặc biệt đã biên tập được 5 chuyên đề (Chủ nghĩa Mác Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động; Chủ tịch Hồ Chí Minh – Chân dung một con người; Đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn đòi “phi chính trị hóa” quân đội; Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tìm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay; Mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc; Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc “chống tham nhũng làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế Việt Nam”) phục vụ cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, sử dụng lưu hành nội bộ trong đội ngũ giảng viên của Trung tâm.
Bên cạnh việc phát huy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giảng viên thì chất lượng học tập của học viên luôn được quan tâm đúng mức. Thông qua các buổi thảo luận, hỏi đáp tại lớp, học viên đã thể hiện được những chính kiến của mình về lý luận chính trị (nhất là lớp đảng viên mới, vì đã được bồi dưỡng từ lớp cảm tình Đảng), tạo được sự tương tác tốt giữa người dạy và người học, tạo dựng được môi trường gần gũi trong việc truyền đạt và tiếp nhận tri thức khoa học lý luận chính trị. Trong bài kiểm tra kết thúc khóa học, đa số học viên biết lồng ghép, liên hệ thực tế, thể hiện quyết tâm cao trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chất lượng bài giỏi, xuất sắc được nâng lên (năm 2020 tỷ lệ bình quân 15,9%, năm 2021 tỷ lệ bình quân đạt 19,3%, năm 2022 tỷ lệ bình quân 20,5 %, năm 2023 tỷ lệ bình quân đạt 25,8%).
Kết quả nêu trên đã giúp quần chúng ưu tú, đảng viên mới, cán bộ thôn, khu phố, đoàn viên, hội viên… vững tin con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ, Đảng và Nhân dân ta đã chọn; từ đó tạo được sức đề kháng để chống lại những luận điệu xuyên tạc, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến” , “tự chuyển hóa”, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở trong tình hình mới.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức, điều phối, thực hiện chương trình giảng dạy, Trung tâm Chính trị vẫn bộc lộ một số hạn chế, khó khăn như: biên chế phân giao chưa đảm bảo với quy định của Trung ương dẫn đến số lượng giảng viên chuyên trách thiếu (hiện tại chỉ có 01 giảng viên); một số giảng viên kiêm nhiệm, giảng viên thỉnh giảng kỹ năng nghiệp vụ sư phạm chưa được tinh thông, hạn chế trong việc sử dụng mạng xã hội nên cập nhật tình hình thời sự có lúc còn chậm; nhận thức của các cấp ủy cơ sở chưa được sâu sắc trong việc cử cán bộ tham các gia lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nhất là lớp sơ cấp lý luận chính trị và lớp cập nhật kiến thức; một số ít cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên hội viên,... còn lười học chính trị; cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy xuống cấp; … Những tồn tại, khó khăn trên đã tác động trực tiếp làm ảnh hưởng đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng từ phía đội ngũ giảng viên của Trung tâm Chính trị. Trước tình hình đó, đòi hỏi Trung tâm Chính trị cần phải nỗ lực nâng cao chất lượng giảng dạy, đây vừa là yêu cầu bức thiết, vừa có ý nghĩa lâu dài. Trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, phát huy tính chủ động của Trung tâm Chính trị trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục lý luận chính trị hằng năm. Theo đó, tập trung triển khai nội dung chương trình ở từng tháng, phân công soạn giảng phù hợp với sở trường của từng giảng viên.
Hai là, đổi mới phương pháp giáo dục lý luận chính trị khoa học, sáng tạo, hiệu quả gắn với thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 9/2/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng giảng dạy thông qua việc tổ chức cho giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm nhiệm, giảng viên thỉnh giảng tham gia các buổi tập huấn giảng dạy lý luận chính trị và trao đổi kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy lý luận chính trị với phương châm “đủ nội dung, đúng phương pháp, kịp tình hình”, hướng mục đích làm sao cho người học không còn quan niệm “học chính trị là khô khan, xơ cứng”. Bản thân mỗi giảng viên không ngừng đầu tư nội dung soạn giảng, cập nhật kiến thức, công nghệ thông tin để có những giáo án điện tử chất lượng, tạo hiệu ứng tốt cho người học. Đồng thời, thay đổi cách thức đánh giá bài thu hoạch, bài thi kết thúc khóa học. Nội dung đề bài thu hoạch, bài thi kết thúc khóa học ngoài việc yêu cầu đảm bảo về mặt lý luận, phải nêu tình huống có vấn đề để học viên trình bày nhận thức, nêu lên suy nghĩ, cảm nhận của mình, nhất là việc liên hệ thực tế, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ba là, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất Trung tâm Chính trị làm sao đáp ứng ngang tầm với một trường Trung học chuyên nghiệp trong hệ thống giáo dục công lập như tinh thần của Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW, ngày 19/5/2021 của Ban Tổ chức Trung ương về “một số nội dung thực hiện quy định số 208-QĐ/TW, ngày 08/11/2019 của Ban Bí thư (khóa XII) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm Chính trị cấp huyện”.
Bốn là, tiếp tục phối kết hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Chính trị với Ban chỉ đạo 35, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Ban Tổ chức Huyện ủy, Mặt trận, đoàn thể và các cấp ủy cơ sở trong việc mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Linh hoạt trong từng đối tượng để có chương trình giảng dạy phù hợp, hướng về địa bàn thôn, khu phố.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học”. Đối với mỗi giảng viên lý luận chính trị ở cơ sở, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là không bao giờ dừng nghỉ, bởi nó là trách nhiệm, là nghĩa vụ để khơi nguồn, tạo nền tảng lý luận vững chắc cho đội ngũ cán bộ tương lai của huyện nhà vững tin kế thừa, viết tiếp trang sử vẻ vang được tạo nên bằng trái tim, khối óc của những nhà cách mạng chân chính vì một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh./.