Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai tích cực các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong đó quan tâm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về môi trường; tổ chức các đợt cao điểm ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, thu gom, xử lý rác thải tại các khu vực công cộng, khu dân cư, trụ sở làm việc, tuyến Quốc lộ 1A, các tuyến đường liên xã, khu vực kè biển… nhằm hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, Ngày Môi trường Thế giới, Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, các dịp Tết, Lễ… qua đó, đã huy động lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia. Chỉ đạo khảo sát và xử lý các “điểm đen”, khu vực thường xuyên xả rác thải bừa bải, gây ô nhiễm môi trường. Nhờ đó, môi trường trong các khu dân cư, tuyến đường nội thị, liên xã cơ bản ở một số địa phương được cải thiện, một số “điểm đen” về môi trường được thu gom và xử lý, không để phát sinh tình trạng tập kết rác, gây ô nhiễm môi trường, góp phần thực hiện tiêu chí 17 của Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Mỗi năm, hầu hết các cơ quan, đơn vị từ cấp huyện đến cấp xã đều có ít nhất 01 công trình hoặc phần việc về bảo vệ môi trường có sức lan tỏa cao.
Trong năm 2022, các cơ quan, đơn vị chủ yếu tổ chức các công trình, phần việc đơn giản như ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh cơ quan, đơn vị, khu vực dân cư sinh sống; tạo cảnh quan, môi trường xanh- sạch- đẹp. Năm 2023, gắn với hưởng ứng sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2023, Bình Thuận – Hội tụ xanh, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đăng ký 57 công trình, phần việc gắn với các hoạt động cụ thể (tạo khuôn cây xanh, xây dựng tuyến đường không có rác thải, tuyến đường hoa, huy động lực lượng ra quân tổng vệ sinh môi trường, hỗ trợ thùng chứa rác thải, lắp đặt ống dẫn nước thải; xử lý nước thải ứ đọng, trồng cây xanh...) góp phần cải tạo, xây dựng môi trường thêm xanh – sạch – đẹp trên địa bàn huyện.
Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, nhất là Luật Bảo vệ Môi trường, Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường; các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện uỷ; gương người tốt, việc tốt, mô hình về bảo vệ môi trường được Ủy ban nhân dân huyện, Mặt trận và các tổ chức chính trị- xã hội huyện, cấp ủy các xã, thị trấn quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trên đài truyền thanh xã, thị trấn; thường xuyên tiếp sóng truyền thanh của huyện, cấp phát hàng trăm tờ rơi, tờ bướm về bảo vệ môi trường; treo băng rôn, cắm bảng tuyên truyền ở những nơi công cộng, các tuyến đường thường xuyên xả rác thải, nước thải; Mặt trận, các tổ chức chính trị- xã hội xã, thị trấn, các chi bộ trực thuộc tổ chức tuyên truyền thông qua triển khai trực tiếp, trong các cuộc họp việc ký cam kết giao ước thi đua, sinh hoạt chuyên đề của các chi, tổ hội đoàn thể ở thôn, khu phố; lồng ghép vào việc tiếp xúc cử tri, tuyên truyền thông qua trang mạng xã hội của địa phương, nhóm zalo ban chấp hành từng tổ chức đoàn thể...; có địa phương huy động người dân phát huy tinh thần tố giác người vi phạm về môi trường như vứt rác bừa bãi không đúng nơi quy định đến cơ quan Nhà nước; các địa phương tổ chức các đợt phát động ra quân tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn xã gắn với tuyên truyền bảo vệ môi trường…
Ngoài ra, hàng năm, Huyện đoàn phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông bảo vệ môi trường gắn liền với các tuần lễ bảo vệ môi trường trong năm, cụ thể như: Tháng thanh niên, Ngày chủ nhật xanh, Ngày thứ 7 tình nguyện, Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường, Ngày môi trường thế giới, hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, ra quân các đội hình tuyên truyền bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa trong đoàn viên thanh niên tại các địa phương, đơn vị trong toàn huyện. Trong giai đoạn 2021 – 2023, các cấp bộ Đoàn đã đăng tải hơn 150 tin, bài tuyên truyền về các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trên các trang mạng xã hội do Đoàn thanh niên các cấp quản lý; phát trên 500 tờ rơi, 240 băng rôn tuyên truyền về bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn, tuyên truyền cho trên 5.000 lượt đoàn viên thanh niên và người dân. Tổ chức 03 chương trình Hãy làm sạch biển với sự tham gia của hơn 3.000 lượt đoàn viên thanh niên và nhân dân.
Chuyển từ nhận thức sang hành động.
Việc triển khai các mô hình quản lý, bảo vệ môi trường đối với Dự án “Kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương” được Ủy ban nhân dân huyện, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội huyện, cấp ủy các xã, thị trấn quan tâm; đến nay, tiếp tục duy trì các mô hình “Tàu cá và tàu du lịch tham gia thu gom rác thải” tại thị trấn Liên Hương, xã Phước Thể, xã Bình Thạnh; mô hình “Phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình và kết hợp làm phân compost” tại xã Bình Thạnh và mô hình “tiếp cận xây dựng kế hoạch quản lý tổng hợp rác thải và không rác thải nhựa đại dương”.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội huyện tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia các phong trào bảo vệ môi trường lồng ghép các mô hình, cuộc vận động, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Chương trình toàn dân tham gia công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, “Tổ nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn” và các nội dung chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh để triển khai, thực hiện đạt hiệu quả. Trong đó: Ban Thường vụ Huyện Đoàn đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả và có sức lan tỏa trong cộng đồng như mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa” tổ chức tập huấn phân loại rác thải sinh hoạt, triển khai cho đoàn viên thanh niên ký cam kết hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần; mô hình “Đội thanh niên tình nguyện thu gom rác thải trên địa bàn nông thôn của thanh niên” với 11 Đội thanh niên tình nguyện thu gom rác thải trên địa bàn nông thôn tại các xã, thị trấn trong toàn huyện; mô hình “Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình” với 50 hộ dân trên địa bàn xã Bình Thạnh; Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” với sự tham gia của 150 đoàn viên thanh niên của các địa phương có đường bờ biển (Liên Hương, Chí Công, Phước Thể, Vĩnh Tân, Bình Thạnh); thường xuyên duy trì các hoạt động bảo vệ bờ biển. Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện Đoàn tiếp tục tổ chức các hoạt động nhằm bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, nổi bật là việc thực hiện các công trình, phần việc thanh niên như “Tuyến đường hoa thanh niên”, “Tuyến đường Thanh niên sáng - xanh - sạch – đẹp - an toàn”, “Vườn cây Thanh niên”,.. thực hiện có hiệu quả Chương trình vì một Bình Thuận xanh trên địa bàn huyện.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện triển khai thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, mô hình “khu dân cư ven biển tham gia thu gom, phân loại rác thải và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”,… triển khai các công trình ánh sáng an ninh, tuyến đường hoa, trồng cây xanh, duy trì các tổ nhóm hội viên phụ nữ ra quân bảo vệ môi trường (Tổ thu gom ve chai, Tổ phụ nữ “Nói không với rác thải nhựa”, Tổ tuyên truyền hạn chế sử dụng đề nhựa một lần, Tổ giữ gìn vệ sinh môi trường…).
Liên đoàn Lao động huyện phát động, triển khai mô hình “Mỗi công đoàn cơ sở - một môi trường xanh”, tạo được khuôn viên xanh xung quanh nơi làm việc, có vườn tiểu cảnh nhỏ, góc xanh văn phòng làm cho không gian làm việc thêm phần sinh động, xanh tươi, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, nơi làm việc “Xanh - sạch -đẹp - an toàn”
Qua đó, thu hút sự hưởng ứng tham gia của lực lượng cán bộ, công chức, đoàn viên, thanh niên, lực lượng vũ trang, giáo viên, học sinh; ngày càng có nhiều mô hình, hoạt động ý nghĩa về bảo vệ môi trường được hình thành, đi vào hoạt động hiệu quả, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân như các mô hình“Bảo quản, chăm sóc và giữ gìn vệ sinh môi trường biển” của Nhóm Phước Thể xanh; “Khéo trong thực hiện, tuyên truyền, vận động giữ gìn vệ sinh môi trường”, “Bảo vệ môi trường” (ở xã Phước Thể), chương trình “Vì Gành Son thân yêu” (xã Chí Công)… góp phần thay đổi hành vi và nhận thức của cán bộ, đoàn viên, hội viên và người dân, qua đó chung tay bảo vệ môi trường, hướng tới xây dựng môi trường xanh- sạch- đẹp.
Triển khai thực hiện Đề án số 02-ĐA/HU của Huyện ủy, hàng năm, các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện triển khai thực hiện một công trình, phần việc về công tác bảo vệ môi trường, chủ yếu là triển khai dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom rác thải xung quanh cơ quan, đơn vị; các khu vực “điểm đen” về vệ sinh môi trường trong khu dân cư, trên tuyến Quốc lộ 1A, các tuyên đường liên xã…; xây dựng hệ thống thoát nước thải tại cac khu dân cư. Ngoài ra, cấp ủy các xã, thị trấn chỉ đạo Mặt trận, các đoàn thể xã, chi bộ trực thuộc xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình tổ, nhóm xung kích bảo vệ môi trường phù hợp với tình hình thực tế, ngành nghề, phong tục, tập quán của địa phương mình; triển khai xây dựng và mở rộng mô hình “camera an ninh”; định kỳ mỗi tháng trong năm tổ chức các đợt ra quân dọn dẹp, thu gom, phát quang bụi rậm và xử lý rác thải vào các dịp Lễ, Tết, ngày Môi trường thế giới và các sự kiện lớn…; đưa nội dung bảo vệ môi trường vào quy ước, hương ước thôn, khu phố.
Đẩy mạnh xã hội hóa, vận động, huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, người dân cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Ngoài nguồn kinh phí ngân sách do Ủy ban nhân dân huyện cấp hàng năm, nhiều địa phương chủ động, huy động sự đóng góp của các cơ quan, doanh nghiệp, người dân triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương, quan tâm bố trí, tranh thủ nguồn kinh phí thực hiện cải tạo, chỉnh trang, xây dựng cảnh quang môi trường xanh- sạch- đẹp và giải quyết các bức xúc về môi trường với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng. Trong đó, điển hình là: Xã Vĩnh Tân đã huy động các phương tiện của doanh nghiệp, người dân và Hợp tác xã vệ sinh môi trường Vĩnh Tân tiến hành thu gom rác thải và vận chuyển vào bãi rác của xã trong các đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường do xã phát động với số tiền cho phí trị giá gần 50 triệu đồng; xã Vĩnh Hảo vận động sự hỗ trợ của các công ty, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn xã về nhân lực, vật lực và kinh phí cùng chung tay, ra quân dọn vệ sinh tại các điểm thường xuyên tồn đọng rác như dọc tuyến Quốc lộ 1A, bờ kè nhằm tạo cảnh quan thông thoáng xanh-sạch-đẹp với kinh phí hàng năm khoảng 40 triệu đồng; xã Chí Công phối hợp với Hợp tác xã môi trường Vĩnh Hảo tổ chức khảo sát địa bàn để thực hiện kế hoạch lấy rác trên địa bàn 03 thôn Hà Thủy; vận động, bố trí thùng đựng rác ở một số khu vực quy định, nhằm giải quyết việc rác thải tồn đọng tại các tuyến đường hẻm nhỏ chưa tổ chức thu gom; huy động xã hội hóa được 200 triệu đồng chủ yếu là sử dụng vào việc nạo vét cửa sông Hiệp Đức và thuê phương tiện cơ giới dọn vệ sinh tại các điểm bức xúc trên địa bàn của xã; xã Bình Thạnh phối hợp với Ban quản lý Du lịch Bình Thạnh vận động doanh nghiệp tặng 15 thùng đựng rác (loại 150 lít) cho 15 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống tại khu vực từ Ban quản lý Du lịch Bình Thạnh đến nhà Nghỉ Đại Hiền nhằm bảo vệ Môi trường khu du lịch Bình Thạnh; Ban quản lý du lịch Bình Thạnh thường xuyên tổ chức dọn dẹp vệ sinh tại các điểm du lịch công cộng, nhằm tạo cảnh quan du lịch sáng - xanh - sạch - đẹp.
Xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân.
Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường được các nhà máy tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân quan tâm; đã triển khai thực hiện các giải pháp, phương án ứng phó, khắc phục ô nhiễm môi trường (bụi than, tro xỉ, khói, nước thải, khí thải, tiếng ồn; tiêu thụ tro xỉ...); đảm bảo môi trường của nhà máy và khu vực xung quanh luôn xanh - sạch - đẹp. Đã ban hành văn bản triển khai thực hiện các quy định về công khai minh bạch các vấn đề môi trường như báo cáo đánh giá tác động môi trường; kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; phương án phòng ngừa, ứng phó phát tán bụi trong những thời điểm có mùa gió Đông Bắc; truyền tín hiệu quan trắc tự động liên tục khí thải, nước thải về các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan và công khai dữ liệu quan trắc trên bảng điện tử trước cổng bảo vệ Công ty để các tổ chức xã hội, người dân kiểm tra, theo dõi, giám sát 24/24h; lắp đặt và truyền tín hiệu camera giám sát tại khu vực bãi xỉ, đường nội bộ vận chuyển tro xỉ, kho than về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát 24/24h.
Trong đó, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 xây dựng Phòng Quan hệ cộng đồng để đón tiếp các tổ chức, cá nhân, người dân tham quan, tìm hiểu công nghệ sản xuất, giám sát công tác bảo vệ môi trường; duy trì việc phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền cho các tổ chức, người dân tại địa phương nắm bắt những thông tin của nhà máy để kịp thời giải thích các thắc mắc, xử lý các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân người dân về các vấn đề môi trường phát sinh (nếu có) từ Nhà máy. Các công trình, hệ thống xử lý nước thải sản xuất, nước biển ven bờ, khí thải, xử lý bụi tại các nhà máy được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo thông số môi trường, nồng độ phát thải ra môi trường trong giới hạn cho phép theo các Quy chuẩn Việt Nam về môi trường hiện hành. Các nhà máy triển khai thu gom, phân loại các loại chất thải tại nguồn (chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, nguy hại), bố trí các thùng chứa chất thải nguy hại, thùng chứa rác thải sinh hoạt riêng biệt tại các kho chứa có mái che trong khu vực nhà máy; các chất thải nguy hại được thu gom tập trung về kho lưu chứa riêng chất thải nguy hại, phân loại, dán nhãn mác và hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý định kỳ; rác thải sinh hoạt được thu gom và hợp đồng Hợp tác xã dịch vụ vệ sinh môi trường Vĩnh Tân vận chuyển, xử lý. Chất thải công nghiệp thông thường như tro, xỉ than được kiểm soát, lưu chứa tại bãi xỉ và không còn tình trạng phát tán bụi như những năm trước, một phần được các đơn vị chức năng vận chuyển đi tiêu thụ bằng đường biển, đường bộ.
Thời gian qua (từ năm 2022 – 2023), các nhà máy nhiệt điện đã cung cấp tro, xỉ than cho các đơn vị có chức năng vận chuyển, tiêu thụ hàng năm từ 92 - 95%, phần nhỏ còn lại được vận chuyển đến bãi xỉ lưu chứa; triển khai thực hiện nghiêm các giải pháp pháp đảm bảo môi trường; bãi chứa tro, xỉ luôn được tưới giữ ẩm, lu lèn, phủ lưới, không để phát tán bụi ra môi trường kể cả trong các thời điểm gió lớn; tuân thủ chặt chẽ đúng quy trình lưu chứa được UBND tỉnh thông qua. Các công trình, hệ thống kiểm soát camera giám sát, thiết bị phun nước nhằm ngăn ngừa phát tán bụi tại các Silo tro bay, kho than, cảng nhập than, đường vận chuyển xo, xỉ, ... được các nhà máy vận hành, duy trì hoạt động thường xuyên.
Thực hiện trồng cây xanh trong khuôn viên nhà máy, tạo vành đai xanh với khu dân cư. Hầu hết, trong khuôn viên các Nhà máy nhiệt điện được bao phủ cây xanh, thảm cỏ giúp không khí được trong lành, sạch đẹp hơn. Trong đó, Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân đã trồng cây xanh, thảm cỏ đúng theo quy định của ĐTM (tiêu chí đánh giá tác động môi trường) để tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Ngoài ra, Công ty đã trồng bổ sung hơn 20.000 cây xanh. Tại bãi xỉ đã triển khai trồng 1.585 cây gồm: cây xoan chịu hạn, chiêu liu, sao đen; trên tuyến đường vận chuyển tro xỉ trồng thêm các loại cây bằng lăng, cây dương.
Nhìn chung, công tác bảo vệ môi trường tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, các nhà máy đã chuyển biến tích cực, ý thức, chấp hành thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng và hoạt động; khắc phục các tồn tại, thiếu sót qua kết quả giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là việc triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải, camera giám sát và thiết bị lấy mẫu tự động nước thải,...; cải tiến, nâng cấp các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường để giảm thiểu chất thải ra môi trường trong quá trình hoạt động. Với việc kiểm soát tốt chất lượng môi trường của các nhà máy nhiệt điện trong thời gian qua, san hô đang hình thành và phát triển mạnh tại khu vực cảng nhập than của Trung tâm điện lực Vĩnh Tân.
Qua 02 năm triển khai thực hiện Đề án số 02, tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện có chuyển biến, đạt một số kết quả tích cực; nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và một bộ phận Nhân dân, doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường có sự chuyển biến rõ nét hơn. Các giải pháp bảo vệ môi trường được lãnh đạo, triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực: thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải; xây dựng các mô hình, thực hiện các công trình, phần việc bảo vệ môi trường trường bước đầu đạt hiệu quả. Công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực môi trường được tập trung hơn; vệ sinh môi trường ở một số "điểm đen" trên địa bàn huyện từng bước được cải thiện; có địa phương quan tâm dành nguồn kinh phí hỗ trợ để doanh nghiệp ngoài nhà nước duy trì hoạt động trong thu, gom rác thải trong dân, doanh nghiệp và dành quỹ đất để bố trí nơi đổ rác thải rắn tập trung; bước đầu quan tâm xử lý một số trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường; sơ kết, tổng kết gắn với khen thưởng điển hình tiến tiến có đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ môi trường ở địa phương. Công tác phối hợp, hỗ trợ của Mặt trận, các đoàn thể huyện và xã, thị trấn với Uỷ ban nhân dân các cấp trong công tác bảo vệ môi trường khá tốt; đã tăng cường công tác vận động, tuyên truyền dưới nhiều hình thức, tạo sự chuyển biến tốt hơn trong nhận thức, ý thức, hành động của đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Công tác xã hội hoá được thực hiện tốt, đã huy động nguồn lực đóng góp của Nhân dân, doanh nghiệp tham gia các hoạt động bảo vệ mội trường trên địa bàn huyện. Nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của người dân ngày càng nâng lên, tự nguyện tham gia các hoạt động thu gom rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường trong nhà, ngoài ngõ, khu dân cư mình sinh sống… đã góp phần ổn định tình hình an ninh xã hội, xây dựng nông thôn mới, tạo cảnh quan, mỹ quan đô thị ngày càng khang trang, sạch, đẹp trong khu dân cư.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về môi trường trong Nhân dân chưa được quan tâm thường xuyên. Nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về công tác bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân, chủ doanh nghiệp chưa chuyển biến mạnh mẽ, vẫn còn tình trạng xả rác, nước thải ra đường, chưa tham gia đóng phí môi sinh thu, đổ rác, để rác không đúng nơi, thời gian quy định. Việc triển khai các mô hình quản lý, bảo vệ môi trường đối với Dự án “Kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương” chưa phát huy hiệu quả; một số chỉ tiêu thực hiện tiểu tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nâng cao chưa đạt (tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định). Rác thải, nước thải tại một số điểm, khu vực, nhất là vùng ven biển vẫn còn nhiều, gây mất mỹ quan đô thị; kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về môi trường chưa nhiều, thiếu quyết liệt và kịp thời. Việc thu gom rác thải tại các khu dân cư tự phát, các con hẻm ở thôn, xóm còn khó khăn; chưa có Nhà máy xử lý rác trên địa bàn huyện; bãi chôn lắp rác Núi Nhọn (xã Phong Phú) đang trong tình trạng quá tải. Tình hình ô nhiễm môi trường từ bụi than, tro xỉ của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân còn tiềm ẩn phức tạp, nhất là vào mùa khô, mùa gió Đông Bắc.
Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Đề án số 02-ĐA/HU ngày 17/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, các kế hoạch của Uỷ ban nhân dân huyện về giải quyết vấn đề rác thải trên địa bàn huyện; Chủ đề của Tỉnh uỷ về “Chỉnh trang đô thị, giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp” Tuy Phong đề ra một số nhiệm vụ trong tâm sau:
Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, về chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy về giải quyết vấn đề rác thải, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét hơn nữa về nhận thức và hành động, từng bước hình thành tính tự giác, thói quen, ý thức chấp hành pháp luật và sự chung tay hành động bảo vệ môi trường của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, học sinh, người dân và doanh nghiệp, trong đó cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phát huy vai trò của tiên phong, gương mẫu trong triển khai thực hiện.
Duy trì phát động thường xuyên các phong trào, cuộc vận động toàn dân tham gia tổng vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác tại các khu dân cư, khu vực ven biển, trụ sở làm việc cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp. Duy trì mỗi cơ quan, đơn vị triển khai đăng ký và tổ chức thực hiện ít nhất từ 01 công trình, phần việc hàng năm về bảo vệ môi trường để tạo sự lan tỏa, huy động sự chung tay tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp. Rà soát, tiếp tục khắc phục những “điểm đen” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện; Tiếp tục lãnh đạo thực hiện tốt phong trào trồng cây xanh theo Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tăng cường và thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường; quan tâm đầu tư phương tiện, trang thiết bị, lực lượng cho công tác thu gom rác thải, giải pháp đẩy mạnh thu phí môi sinh trong Nhân dân; bố trí kinh phí, đẩy mạnh xã hội hoá, vận động, huy động các nguồn lực đóng góp của người dân, doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường; kêu gọi, xúc tiến, đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác tại huyện. Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, xem đây là công việc thường xuyên, hằng ngày; phối hợp tốt với chính quyền cùng cấp tham gia các cuộc vận động, phong trào dọn dẹp vệ sinh môi trường; thành lập, duy trì hoạt động các tổ, nhóm xung kích của các tổ chức chính trị - xã hội của xã, của thôn và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường hoạt động hiệu quả. Tăng cường công tác phối hợp giữa cấp uỷ, chính quyền với các phòng, ban chuyên môn huyện trong giải quyết, tháo gỡ những khó khăn hiện hữu của từng địa phương trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải./.