Hà Bớ …“đất lành chim đậu”
Xã Hòa Phú tuy được thành lập sau ngày giải phóng, nhưng lịch sử vùng đất này đã được nhân dân khai phá, cư ngụ từ hơn 300 năm trước cùng với lịch sử hình thành vùng đất Phan Rí Cửa. Cư dân Hòa Phú có nguồn gốc từ đồng bào kinh do nhiều hoàn cảnh khác nhau, là những người lao động đói khổ vì nạn bốc lột của vua quan phong kiến, những người chống chiến tranh dưới thời Trịnh-Nguyễn, những người bị lưu đày, trốn sưu thuế, trốn lính (nữa đầu thế kỷ XVII) và những người thực hiện chính sách khẩn hoang, khai phá vùng đất mới của Chúa Nguyễn (thế kỷ XVIII)…từ các tỉnh miền trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa…vào lập nghiệp ở hai bên bờ con sông Lũy, dần dần hình thành làng xã.
Hòa Phú là nơi tụ nghĩa và nơi “đất lành chim đậu”. Khi những lưu dân từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào lập nghiệp ở hai bên bờ con sông Lũy, họ chưa biết đến địa danh vùng đất này, họ đặt tên vùng đất ở theo đặc tính của vùng đất đó bằng tiếng Hán Việt như Thanh Tu nghĩa là “bến đất bồi” (làng ven tả ngạn sông Lũy), Thủy Tựu là “vùng đất nước đọng” (làng ven hữu ngạn sông Lũy), Kỳ Xuyên là nơi có “khe nước nhỉ từ động cát” (nằm 2 bên sông Đồng), các tên làng khác có tên Giang là sông, Hải là biển, Lâm là rừng…Xưa Hòa Phú nằm bên hữu ngạn con sông Lũy, còn có tên gọi khác là Hà Bớ; còn thị trấn Phan Rí Cửa nằm bên tả ngạn con sông Lũy có tên gọi là làng Thanh Tu, có bài hát ru:
“Có ai sang sông bên kia Hà Bớ
Bậu ở bên này nhớ nẫu ngày đêm
Ghe về cập bến Tả Tân ([1])
Con cá chỉ đem bán, con cá ngân tặng nàng”
Ðộng lực cho Hòa Phú "cất cánh"
Tôi đã về Hòa Phú nhiều lần. Lần đầu tiên cách đây ngót 15 năm, khi theo đoàn công tác của Huyện ủy về xã làm việc. Bấy giờ, Hòa Phú được gọi với những cái tên đầy ma mị: "ốc đảo tự do", "U Minh cốc"...Phương tiện đi lại nơi này duy nhất là thuyền chèo, nhà nào "sang" lắm mới có ghe máy qua lại đôi bờ con sông Lũy…
Nếu phải nói đến điều đầu tiên làm thay đổi, mang đến cho Hòa Phú thoát khỏi nghèo khó chính là cây cầu Hòa Phú. Khởi công năm 2005, đưa vào sử dụng năm 2010, cầu Hòa Phú có chiều dài 444,5 m, rộng 10,5m, trọng tải 30 tấn và đây là chiếc cầu dài nhất tỉnh Bình Thuận, trị giá 101 tỷ đồng. Từ khi có cây cầu, xóa ngăn cách con sông Lũy, diện mạo xã Hòa Phú đã nhanh chóng đổi thay, đời sống của nhân dân nâng lên rõ rệt. Người dân đi đây đó bằng xe hơi, xe máy, học sinh đi học trường Hòa Đa (Phan Rí Cửa) không sợ bị đuối nước do chìm đò, còn thì đám cưới, đám tang cũng từ chiếc cầu này đưa đi qua bên kia sông…Người ở bên Phan Rí Cửa đi làm vườn, nuôi dông, nuôi tôm hoặc đi chơi Mũi Né, Phan Thiết,…chỉ mất vài phút là có mặt bên Hòa Phú, không phải lụy đò. Nhà thơ Trần Yên Thế (Trần Thế Mỹ) ở Tuy Phong đã viết:
“Anh về Phan Rí- Thanh Tu
Nhớ ơi Hà Bớ xa mù bờ xa!
Chiếc cầu nâng bước em qua
Đò anh đưa đón hóa là ngày xưa”
Làng biển Hòa Phú có nhiều cảnh đẹp, sự ồn ào của chợ phiên buổi sáng, cảnh thuyền về tấp nập, hương vị của biển và những cơ sở chế biến thủy sản là những gì tôi bắt gặp và khám phá ở làng biển này. Hòa vào nhịp sống nơi đây, tôi như tận hưởng sâu sắc nhịp sống của vùng biển. Khi đêm về, những ánh đèn soi cá vẫn sổ dài trên mặt biển, mang đến vẻ đẹp long lanh, huyền ảo. Những con tàu lớn ra khơi vào lộng, những ngư dân luôn bận bịu với công việc của mình nhưng sẵn sàng hồ hởi chia sẻ những câu chuyện cần lao trong đời họ. Nghe họ cười và kể lại về cuộc đời nổi trôi nhưng vô cùng thú vị trên biển, bỗng thấy tình yêu họ dành cho mảnh đất này thêm sâu đậm. Chỉ thế thôi cũng giúp tôi cảm nhận được sự kỳ diệu của thiên nhiên, của con người Hòa Phú.
Men theo cầu cảng, tôi đã nhìn thấy nụ cười trên gương mặt của lão ngư Bảy Tùng. Dù đã 70 tuổi đời, nhưng mỗi câu ông Tùng nói về làng quê của mình là mỗi lúc ánh lên niềm tự hào không che giấu. Ông bảo, vùng biển này xinh đẹp nhưng khắc nghiệt với nắng gió, bão tố quanh năm, người dân Hòa Phú chọn cách chống chọi với thiên nhiên bằng chính phẩm chất cần cù vốn có. Từ lúc tia nắng đầu tiên còn chưa ló dạng, cho tới khi những cánh chim hải âu cuối cùng bay về tổ, không khi nào người dân Hòa Phú ngơi nghỉ. Sáng sớm tinh mơ, cầu cảng Phan Rí Cửa đã tấp nập tàu bè xuôi ngược, mang về bao mẻ cá tươi óng ánh bạc - thành quả sau một đêm giong buồm ra khơi của những người con đất Hòa Phú.
Ông Tùng bảo giờ khác xưa lắm. Người dân đã sắm sửa nhiều tàu thuyền máy công suất lớn, khai thác xa bờ và Hòa Phú là địa phương thứ hai của Tuy Phong có tàu vỏ thép 823 mã lực với tổng kinh phí đầu tư 21 tỷ đồng theo Nghị định 67 của Chính phủ. Cùng với đó là nghề nuôi tôm thịt, chế biến hải sản, trồng trọt và chăn nuôi, thương mại và dịch vụ…tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp sức xây nên những ngôi nhà mới, những con đường bê tông trãi về khắp thôn, xóm…Nghe ông Tùng nói, tôi mới hiểu được phần sự nổ lực của người dân Hòa Phú để có sự đổi thay. Vốn sống bằng nghề biển, người dân quăng quật với con nước, tìm kiếm những đàn cá bằng kinh nghiệm dân gian. Chẳng máy móc định vị hiện đại, họ hoàn toàn được truyền thụ bởi “túi khôn” của cha ông qua truyền khẩu. Đối với họ, mỗi chuyến ra khơi thường mang theo nhiều hy vọng. Và mỗi chuyến tàu về luôn có sự mong đợi của người thân. Do vậy, bến ghe không chỉ là bến đậu, mà còn là bến đợi người thân từ mênh mông sóng biển trở về. Không chỉ là cuộc mưu sinh hàng ngày, nghề đi biển còn là tình cảm bền chặt của con người gắn liền với biển. Mẻ lưới ít hay nhiều với họ cũng bình thường trong cuộc mưu sinh vất vả. Mớ cá, mớ tôm nhỏ nhoi mỗi ngày nhưng tích cóp từng tháng, từng năm đã mang lại cho cư dân làng biển này cuộc sống ổn định hơn, nuôi bao con cái có chí vượt khó mà học thành tài…
Sau 4 năm cây cầu giấc mơ đã thành hiện thực, nhà nước lại tiếp tục đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông Hòa Phú –Hòa Thắng dài 23 km, khổ rộng từ 45m đến 50m, có 2 làn xe một chiều hai bên rộng 8m, giữa có dải phân cách có đèn chiếu sáng rộng 13m, hai lề đường mỗi bên rộng 8m có trồng cây xanh; có điểm bắt nguồn từ cầu sông Lũy ngang qua địa phận xã Hòa Phú đến Bàu Trắng, xã Hòa Thắng (Bắc Bình). Ai đã đi qua con đường này, không khỏi nao lòng bởi cảnh quan tuyệt đẹp. Biển thì cứ như rộng ra, lao xao con sóng, cát trắng, cát đỏ dọc dài như theo bước chân người. Từ đỉnh cao đường Hòa Phú-Hòa Thắng nhìn xuống, làng biển Hòa Phú khác hẳn xưa kia. Nhà cửa đàng hoàng, lô nhô ngói đỏ cao tầng nổi bật giữa trời xanh, biển xanh.
Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Vĩnh Hùng cho biết, toàn xã có 1.482 hộ với 6.952 nhân khẩu, hộ khá hộ giàu tăng, hộ nghèo giảm qua từng năm. Hòa Phú không chỉ sở hữu những điều kiện thuận lợi để phát triển lĩnh vực khai thác, sử dụng tài nguyên biển mà còn nhiều tiềm năng phát triển du lịch với bãi biển đẹp, nước trong xanh, những đồi cát kỳ vĩ, môi trường trong lành. Đến nay, có nhiều dự án du lịch, tín ngưỡng đang đi vào xây dựng, giá trị đầu tư hàng tỷ đồng.
Vùng quê thuần nông đang vươn mình, trở thành “đô thị” bên dòng sông Lũy. Chiều Hòa Phú nắng ngọt lành, tôi tản bộ theo con đường Hòa Phú-Hòa Thắng, thấy hàng quán san sát, tỏa ánh điện lung linh, mùi hương hải sản thoảng bay trong gió mà nghe bụng cồn cào. Mấy ai có được cái thú, khi mỗi buổi chiều ngồi vắt vẻo bên con đường, nhìn ngắm khung cảnh xanh mướt và bình yên, lai rai vài món đặc sản xứ biển…Trước khi “mắt thấy, tay sờ”, tôi cũng đã nghe rất nhiều “tiếng tăm” về không khí sôi động và nhộn nhịp của “phố đêm” bên cầu Hòa Phú, hiểu được cái nôn nao của bạn bè nhắn trên face book: Ốc giác, ghẹ nhàng, mực đất, sò điệp, cua Huỳnh đế...tươi roi rói. Món cá bồng bồng, chình um...thơm nức mũi. Nhớ về Hòa Phú nhé…
Thời mưa nắng dãi dầu đã phai nhòa trong ký ức. Không còn là một “ốc đảo” nghèo khó của nhiều năm trước. Giờ đây, bên dòng sông Lũy vẫn miệt mài chảy qua hai mùa mưa nắng, người dân Hòa Phú được hòa mình vào không khí “đô thị” mới trên vùng đất tiềm năng ở phía nam của huyện.
Với bao cảnh sắc mê ly và con người hiền hậu, dễ thương đến thế, có ai không muốn về Hà Bớ ?.
[1] Vạn Tả Tân của thị trấn Phan Rí Cửa