Theo đó, việc lấy phiếu tín nhiệm phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch trong việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm; tránh việc vận động, lôi kéo hoặc có những hành vi tác động làm sai lệch mức độ tín nhiệm, hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm mất uy tín tập thể và cá nhân, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. Phiếu tín nhiệm là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ được công khai theo quy định và báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý, quyết định đối với chức danh cán bộ đó.
Đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là các chức danh lãnh đạo cấp ủy gồm: Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy; Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã, thị trấn; các chức danh cán bộ do Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã bầu theo quy định của Quốc hội; cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện.
Đáng chú ý là việc sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm. Theo đó kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Những đồng chí có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp cần được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp. Những đồng chí có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.