Mới tờ mờ sáng, khắp các bãi biển Tuy Phong đã rậm rịch bước chân người. Tiếng người gọi nhau í ới, tiếng ô tô, xe máy tới lui náo nhiệt…Làng biển vào mùa “ăn đùm” vui như hội.
Chúng tôi hòa theo dòng người và những chiếc xe ba gác máy chất cao ngất những đóng lưới đùm ầm ầm đổ về vùng biển Hòa Thắng (xã Hòa Phú), nơi được coi là “đại bản doanh” của tôm hùm giống. Bãi biển cong hình chữ C kéo dài hơn chục km trở nên náo nhiệt khác thường, nhìn đâu cũng thấy phao xốp giăng mắc cởi. Già, trẻ, gái trai tất bật, hối hả... cho mùa thả đùm.
"Niềm vui chiến thắng"
So với các nghề câu, lặn, lưới rê, mành, vây…thì nghề đùm chỉ “ăn” một mùa duy nhất trong năm, thường bắt đầu vào khoảng giữa tháng 10 al và kết thúc vào khoảng tháng 4 al của năm sau. Xong vụ, ngư dân phải gom lưới dưới biển lên đem về cất giữ, chờ đến mùa sau mang ra thả lại. Lưới đùm khá đơn giản, chỉ cần tận dụng những tấm lưới cũ, rách màu xanh nước biển kết gấp lại hai, ba lần thành búi dài, mắc cách nhau chừng một mét và được cột vào một sợi dây triên gắn phao xốp thả trên mặt biển. Gần 10 năm qua, nghề lưới đùm mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nhiều hộ ngư dân vùng ven biển ở Tuy Phong.
Cựu lão ngư Hai Tĩnh ở xã Chí Công cho biết: Chi phí đầu tư loại “bẫy” này cao lắm vài chục triệu đồng bằng khoảng 1/10 so với sắm ghe, đóng tàu. Nghề lưới đùm chỉ cực khi bơi thúng chai giở thăm hàng ngàn búi lưới để bắt tôm, bắt cá, nhưng được cái là không phải đau đầu vì chuyện xăng dầu tăng giá hay mất ăn mất ngủ khi tàu không “trúng” cá hoặc gặp sự cố rủi ro. Lưới đùm thả xuống biển rồi, về nhà yên tâm ăn ngủ thẳng giấc, sáng ra kéo lưới lên là ít nhiều có tiền bỏ túi. Hôm nào gặp “hên” trúng đậm có khi cầm chắc trong tay cả chục triệu đồng. Vốn ít lại thu về lợi nhuận cao nên thời gian gần đây lượng người khai thác nghề lưới đùm cứ vùn vụt tăng lên. Người ít cũng trên dưới 1.000 đùm, nhiều từ 1.500-2.000 đùm. Ngư dân hưởng lợi, nhưng “tội” cho đại dương xinh đẹp đã bị lưới găng mắc cởi, phao xốp và chai nhựa nổi lềnh bềnh như những trận đồ thủy quái. Chả trách những chú tôm hùm con bé xíu như cọng tăm, những con cá mú con ngây thơ không chạy thoát khỏi…lưới người.
Hì hục chất hàng trăm búi lưới lên chiếc thúng chai chuẩn bị chèo ra biển, ngư phủ Lê Mười ở thị trấn Phan Rí Cửa vui vẻ nói: “Biển giã thất bát, chỉ có dịp này cuối năm, phải cố lên để ăn “lộc” biển”. Nghề này, “vô mánh” chừng 50-60 chục con mỗi ngày thì cũng rủng rỉnh tiền trong túi”. Hỏi chuyện, anh Mười cho biết đã hơn 20 năm gắn bó với nghề, cứ đến mùa “ăn đùm” vợ chồng anh lại dầm mình ngoài biển. Anh Mười đưa tay chỉ những vết chai sần, vết trầy xước chằng chịt trên tay của mình nói vui đó là “kỷ niệm” của những cuộc mưu sinh lưới đùm. Anh tự hào bảo rằng cực thì có cực nhưng cũng nhờ “ăn đùm” mà nuôi được đàn con ăn học nên người.
Năm nào cũng vậy, từ tháng 10 al đến tết nguyên đán, giá tôm hùm giống dao động ở mức từ 50.000 đồng trở lên/con tôm xanh, 220.000 đồng/con tôm sen, giá cá mú con từ 4.000-5.000 đồng/con. Hai món “lộc” biển này đem về cho ngư dân những khoảng tiền khấm khá lo cái tết và cho con cái ăn học. Mùa “ăn đùm” cũng là cơ hội cho những ngư dân vùng biển vớt vát sau một mùa biển trầy trật./.
MINH CHIẾN