Vật thiêng mẫu truyền…
Sáng sớm, nắng xuân còn đang e ấp trên những ngọn cây cổ thụ đại ngàn, chúng tôi đã có mặt tại gia đình bà Hoàng Thị Song, 55 tuổi, một người phụ nữ dân tộc Raglai xã Phan Dũng háo hức chờ đợi cách chế biến rượu cần. Căn nhà nhỏ nơi gốc rừng của bà Song hôm nay ríu tít tiếng cười, tiếng nói của những sơn nữ. Mọi người nhanh tay nhóm bếp, vo gạo, rửa ché…Ngọn gió đại ngàn thổi bùng lên bếp lửa, gương mặt của những sơn nữ hây hây má đỏ.
Ảnh: Quy trình trộn trấu với cơm trước khi lên men
Hạ ngọn lửa riu riu cho nồi cơm rượu chín đều không cháy xém, bà Song bảo được Đảng, Nhà nước quan tâm nên bây giờ đời sống của đồng bào khá nhiều rồi, đường đi thuận lợi, nhà cửa khang trang, ai cũng tivi, xe máy, trẻ em học hành đàng hoàng. Năm nay mùa màng tươi tốt, cây ngô ra nhiều trái, cây lúa trổ nhiều bông; nuôi con gà, con heo, con dê…đều béo tốt, nên bà con no cái bụng, phấn khởi lắm. Tết đến nơi rồi, nhà nào cũng phải có ché rượu cần đãi khách mới vui. Bà Song cho biết, các chất liệu làm nên rượu cần không phải là những thứ cao sang cầu kỳ mà tất cả đều là sản vật của núi rừng. Từ hạt gạo, hạt bắp cho đến chất men…đều có từ đất, từ nước của rừng già, tạo thành hương vị tinh khuyết đậm đà. Xưa nay rượu cần được xem là thức uống truyền thống của đồng bào Raglai. Trong làng, họ tộc, gia chủ có việc lớn nhỏ gì, rượu cần sẽ là chia sẻ niềm vui hay khó khăn, mất mát, đau thương. Các dịp sinh hoạt cộng đồng hay lễ gã chồng, cưới vợ cho trai gái trong làng, rượu cần luôn là thứ quan trọng nhất để... mở đầu câu chuyện.
Ảnh: Bịt miệng ché.
Tiếng đàn chim Ta leo chao liệng, hót véo von những điệu vũ núi rừng cũng là lúc nồi cơn chín tới. Tải cơm ra chiếc mẹt nứa trãi giữa gian nhà cho nguội, bà Song bảo: “Gạo của đồng bào mình đấy. Phải giã bằng cối để còn lớp cám bên ngoài, nấu với nước suối đầu nguồn thì hạt cơm mới nở đều, mới thấm vào men rượu”. Mỗi công đoạn chế biến đều có một nguyên tắc riêng, tất cả dụng cụ nấu rượu cần đều ngâm rửa bằng nước suối nguồn trong trẻo, tinh khuyết của rừng già; vỏ trấu trộn lẫn vào cơm để cơm rượu thoáng, tơi đều và có độ giản nở, khi uống không bít lỗ cần hút. Cách cho cơm rượu vào ché cũng hết sức kỹ lưỡng, bà Song trãi một lớp trấu dưới đáy ché, rồi lèn cơm rượu vào ché thật chặt và khi ché gần đầy thì tiếp tục bỏ thêm lớp trấu dày nữa, sau đó lót lớp lá chuối khô ở bên trên, đậy kín miệng ché không cho gió lọt vào. Khác với rượu cần Hoà Bình của đồng bào Mường hay rượu cần Tây Nguyên khi lấy đủ các vị lá cây, đem giã nhỏ trộn với nước gừng tạo thành bánh men, rượu cần của đồng bào Raglai Phan Dũng sử dụng chất men đặc chế từ củ riềng, một loại thảo mộc thân mềm, cao chừng 1 mét sống tận rừng sâu, mỗi bụi có nhiều củ, mỗi củ nặng gần nữa kg. Để có được những ché rượu cần thơm ngon, người Raglay phải bỏ hàng giờ để vào rừng kiếm củ riềng đem về giã nhỏ trộn với bột bắp, vo tròn lại thành những viên như quả trứng phơi khô, rồi cất lên chái bếp, đến khi nấu rượu đem xuống mà dùng. Rượu cần ủ sau 15 ngày là uống được, khi uống chỉ cần đổ thêm nước lã chứ không cần chưng cất như rượu đế, nhưng cái độc đáo của rượu cần là càng để lâu rượu cần càng nồng nàn, nếu công phu hơn, chôn xuống đất, rượu càng ngon. Rượu cần có loại nồng độ nặng dành cho đàn ông, loại ngọt (nồng độ nhẹ) dành cho đàn bà, nhưng tất cả đều đem lại cho con người sự thăng hoa, khỏe mạnh, sung mãn và hạnh phúc hòa quyện. Hỏi ra mới biết, rượu cần là văn hoá vật chất, uống sao cho đẹp phải có cái “tâm” mới thực sự thưởng thức cái tinh tuý men rừng. Dân làng có thói quen trước khi uống phải mời Giàng, sau đó mới tới khách, chủ. Nếu có khách đến nhà thì vấn đề “uống” là cả một nghi thức rườm rà nhưng thể hiện sự tôn quý món quà của thần linh. Chủ nhà mang ché rượu bày ra giữa nhà, mở miệng ché đổ đầy nước suối ban mai trong suốt như ngọc, để chừng nữa giờ đồng hồ cho rượu ngấm, cắm cây cần trúc vào. Sau đó, chủ nhà thay mặt cả gia đình chúc khách sức khỏe, sống lâu và gặp nhiều may mắn, rồi mời khách uống trước, gia chủ uống sau.
Làm cán bộ xã Phan Dũng từ năm 1976 đến năm 2011 nghỉ hưu, bà Hoàng Thị Song không chỉ giỏi việc nước mà còn là người có nhiều tâm huyết bảo tồn “men rừng” được truyền qua bao thế hệ. Bà Song khoe: “Lần nào dự lễ hội, rượu cần của đồng bào mình cũng đạt giải nhất đấy”. Trong các lần dự lễ hội văn hóa các dân tộc của tỉnh Bình Thuận hay khu vực miền trung-Tây nguyên, đồng bào Phan Dũng không chỉ giới thiệu những bài tấu mã la say đắm, những giai điệu trường ca Raglay mượt mà sâu lắng mà còn đem đến cho lễ hội một sản phẩm núi rừng độc đáo, đó là rượu cần. Trước khi mang rượu cần đi “đấm” xứ người, bà con Phan Dũng rục rịch chuẩn bị cả tháng trời. Đích thân bà Song “chỉ huy” chị em phụ nữ trong xã thực hiện từng công đoạn chế biến rượu cần một cách cần mẫn, công phu và tỷ mĩ. Người được cắt cử vào rừng đào củ riềng về làm men, người lên non chắt lọc nước suối đầu nguồn nấu cơm làm rượu, người chọn gạo, bắp to tròn...Các khâu quan trọng như nấu cơm, vào men, lèn cơm rượu vào ché...cũng được bà Song “bày” rất chi tiết. Tất cả con gái đến các cụ già xúm xít lại vừa xem, vừa học...Mọi người không chỉ góp của, góp công mà còn gửi gấm cả tâm hồn, nét văn hóa nơi đại ngàn sâu thẳm vào trong ché rượu cần tinh khiết, làm nức lòng người thưởng thức. Hỏi sao con gái làm rượu cần mới ngon, bà Song cười bảo rằng đó là bí mật truyền từ người mẹ sang con gái, suốt bao thế hệ, với tư cách là vật thiêng mẫu truyền, chỉ con gái của mẹ được biết, chứ con trai thì không bao giờ.
Xưa nay nhắc tới Phan Dũng, tôi cứ liên tưởng tới một không gian văn hoá tâm linh, văn hoá lễ hội xoay quanh bếp lửa, rượu cần cùng với tiếng mã la mênh mang, vòng xoay uyển chuyển của sơn nữ làm nên nét văn hoá đặc sắc người Raglai. Giờ nhìn những người phụ nữ Raylay chế biến rượu cần, mới hiểu rượu cần là một thức uống chứa đựng trong đó những gì tinh túy nhất của đại ngàn, nhờ bàn tay khéo léo của người phụ nữ Raglay mà trở nên ngọt ngào, say đắm. Rượu cần Phan Dũng giống như một đóa lan rừng nở tự nhiên trong cánh rừng đại ngàn, mỗi bình rượu cần là sự kết tinh quá trình lao động của người Raglai, không chỉ đơn thuần là rượu mà ẩn hiện đâu đó trong men rượu là cái hùng vĩ của đại ngàn. Rượu cần chính là lòng người Raglai, hồn người Raglai.
Cái “tâm” trong ché rượu cần.
Phan Dũng không chỉ tuyệt đẹp trong cảnh sắc thiên nhiên, hòa cùng giai điệu nhạc rừng yên ả thanh bình của đại ngàn hùng vĩ, mà còn ấn tượng với ché rượu cần nồng say ngất ngây và ấm áp tình người của đồng bào dân tộc nơi đây. Ông Mang Nhu, Bí thư xã Phan Dũng bảo không biết rượu cần có tự bao giờ, nhưng tích xưa kể lại rằng rượu là do Trời (Giàng) sai thần linh xuống trần dạy cho đồng bào cách làm rượu đủ loại: từ gạo, bắp...để tế lễ các đấng tối cao, cầu mùa màng tốt tươi, dân làng no đủ. Do đó rượu cần như một thức uống “tâm linh” vừa có thần thánh lại vừa có con người hiện hữu trong cuộc vui bên ché rượu. Ở Phan Dũng, mỗi lần có lễ lớn như lễ cúng thần linh, cúng Giàng, mừng lúa mới hay những ngày hội làng, tiếp đãi khách…, đồng bào đánh mã la, nhảy múa, ca hát rồi uống rượu cần say túy lúy. Các trai làng, gái làng ăn mặc nhiều loại trang phục có nhiều hoa văn sặc sỡ và hát cho nhau nghe những bài ca chan chứa ân tình. Uống rượu cần vào con người mới thăng hoa, âm nhạc mới bốc đến độ cao trào, mọi khả năng nghệ thuật mới được biểu hiện đến mức tuôn chảy tự nhiên. Đặc biệt, rượu cần là sợi dây gắn kết từng cá nhân với cộng đồng, mọi người hiểu biết nhau hơn, xích lại gần nhau, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn thử thách.
Gặp chúng tôi, già làng Mang Thanh Hoa bảo “Dân làng quý rượu cần như quý hạt lúa, hạt bắp trên nương, con cá, con cua dưới suối. Có rượu cần thì lễ mới vui, mới thiêng”. Kệ nệ rinh ché rượu cần đặt giữa nhà, già làng bảo rượu cần là một bài thuốc gia truyền trị đau bụng, bị phát ngứa, giải cảm. Vin chiếc cần trúc từ ché rượu, tôi lấy hơi rít mạnh và kỳ lạ thay, vị men rừng quyện trong hạt gạo đồng rừng…thấm đẫm vào trong da thịt, cảm giác chợt say, chợt tỉnh.
Cái say của rượu cần không giống cái say của bất cứ loại rượu bia nào. Chất men thơm nồng làm cho lòng người lâng lâng ngây ngất, và kỳ lạ là dẫu say nhưng vẫn muốn được uống thêm, uống mãi. Và khi ấy, cảm giác nghe réo rắt tiếng suối chảy róc rách, rộn vang tiếng chim hót líu lo, dồn dập âm thanh trầm hùng tiếng mã la, dịu êm bản trường ca Raglai bất tận…
MINH CHIẾN