NGƯỜI DÂN TỘC CHĂM LÀM KINH TẾ GIỎI

Ông Qua Mai Tuấn dân tộc Chăm thôn Lạc Trị, xã Phú lạc, huyện Tuy Phong là trong 12 cá nhân vừa được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện lần thứ IV năm 2024.  

Ông Tuấn sinh ra và lớn lên tại thôn Lạc trị xã Phú Lạc. Với bản tính cần cù chịu khó, quyết tâm vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu và trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện. Ông Tuấn cho biết: Bản thân ông khởi nghiệp làm kinh tế trong điều kiện khó khăn. Những năm về trước, chỉ chuyên sản xuất nông nghiệp độc canh tác cây lúa, năm nào được mùa, giá lúa tăng thì đời sống của gia đình tạm đủ ăn và có tích lũy một ít vốn, còn có năm mà lúa mất mùa và giá cả không ổn định thì đời sống gia đình gặp khó khăn. Để phá thế độc canh cây lúa, ông Tuấn quyết định thay đổi phương thức sản xuất theo các mô hình mới đã được tập huấn đó là “Sản xuất lúa kết hợp với chăn nuôi, trồng cây ăn quả và làm dịch vụ nông nghiệp”. Để có nguồn vốn đầu tư sản xuất theo mô hình trên, ông mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện, vốn Dự án 120 của Hội Nông dân huyện Tuy Phong và vay mượn thêm từ bạn bè, người thân .... để đầu tư vào mô hình. Ban đầu ông mua 01 chiếc máy cày và 02 chiếc máy xới làm đất. Trong quá trình sản xuất lúa, ông kết hợp với chăn nuôi bò, dê và làm dịch vụ nông nghiệp, bản thân ông luôn chịu khó học hỏi cách thức quản lý và bố trí lao động sao cho hợp lý, có kế hoạch tổ chức sản xuất cụ thể và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sau thời gian thực hiện mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cho nguồn thu nhập hàng năm của gia đình ngày một tăng. Hiện nay, ông đang trực tiếp sản xuất 6,8 ha lúa, trồng 5 sào cây dừa, chăn nuôi 30 con bò, 50 con dê, rồi tận dụng phân bò, phân dê để bón vào ruộng, có phân hữu cơ lúa phát triển tốt hơn. Ngoài trồng lúa, chăn nuôi ông kết hợp với làm dịch vụ nông nghiệp cung cấp phân bón, lúa giống, cày xới đất, vận chuyển nông sản cho bà con nông dân. Với mô hình này, sau khi đã trừ chi phí, hàng năm ông thu lãi khoảng 700 triệu đồng.

Là Ủy viên BCH Hội Nông dân xã Phú Lạc, ông Tuấn xác định vai trò và trách nhiệm của mình đối với hội viên, nông dân là phải cố gắng giúp đỡ nông dân xã nhà cùng phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình và xã hội. Do đó, ông đã ký hợp đồng với Công ty Trách nhiệm hữu hạn giống cây trồng Phương Nam, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang cung cấp 9 đến 10 tấn lúa giống các loại và tín chấp hơn 200 triệu đồng với HTX kinh doanh dịch vụ Lạc Trị bảo lãnh cho 83 hộ nông dân đang sản xuất lúa với hơn 50 ha lúa và còn ứng vốn sản xuất bằng phương thức đầu tư lúa giống, phân bón, cày xới làm đất, thu hoạch vận chuyển...giúp cho nhiều hội viên phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống gia đình.

Bản thân ông luôn gương mẫu thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Hàng năm, ông còn tham gia ủng hộ, đóng góp cho địa phương các nguồn quỹ như : Vì người nghèo, Tiếp bước cho em đến trường, Đền ơn đáp nghĩa....

Với sự cố gắng vươn lên không cam chịu đói nghèo, gia đình ông Tuấn luôn là hộ nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế được UBND huyện tặng Giấy khen. Có thể nói gia đình ông Qua Mai Tuấn là một trong những hội viên nông dân đã mạnh dạn đầu tư mô hình mới kết hợp sản xuất, chăn nuôi và làm dịch vụ nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy xuất phát điểm thấp, nhưng qua học hỏi kinh nghiệm tiếp thu cái hay, cái mới trong sản xuất và áp dụng thành công vào điều kiện thực tế của gia đình. Đến nay mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình của ông Qua Mai Tuấn đang mang lại hiệu quả thiết thực được địa phương quan tâm để nhân rộng.