“Chung sức, chung lòng xây dựng nôn thôn mới”
Trên cơ sở Nghị quyết số 11/NQ-HU ngày 16/4/2012 của Huyện ủy về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020, Ủy ban nhân dân huyện đã có Kế hoạch tổ chức thực hiện. Đảng bộ các địa phương có Nghị quyết và chương trình hành động thực hiện; hàng năm, cấp huyện và xã tổ chức hội nghị tổng kết; xây dựng kế hoạch. Trên cơ sở chỉ tiêu tỉnh giao hàng năm, UBND huyện có quyết định giao chỉ tiêu thực hiện tiêu chí nông thôn mới cho các địa phương và ngành của huyện.
Từ năm 2011-2015, trên địa bàn 10 xã đã triển khai 51 mô hình phát triển sản xuất, với tổng kinh phí ngân sách hỗ trợ 3.839 triệu đồng; tổ chức trên 65 buổi hội thảo tổng kết mô hình, tập huấn kỹ thuật với 2.278 lượt người tham gia; Tiếp tục củng cố, duy trì và phát triển các hình thức kinh tế tập thể, tổ chức sản xuất và liên kết trong sản xuất trên địa bàn huyện, xã; đến nay có 07 Hợp tác xã, 14 Tổ hợp tác; từ 2011-2014 đã đào tạo nghề cho lao động nông thôn được 168 lớp/4.797 lao động.
Các tiêu chí về phát triển giáo dục, y tế, văn hoá và bảo vệ môi trường được tập trung thực hiện. Cơ sở vật chất (trường, lớp, trang thiết bị dạy học được đầu tư giúp cho công tác giảng dạy thuận tiện; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) đạt tỷ lệ cao. Đến cuối năm 2014 có 6/10 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia (gồm Vĩnh Hảo, Chí Công, Phong Phú, Phú Lạc, Bình Thạnh, Phước Thể); tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế ngày càng tăng; có 02 xã đạt chuẩn tiêu chí y tế (Bình Thạnh, Vĩnh Hảo). Các hoạt động văn hóa, văn nghệ luôn được quan tâm và tạo điều kiện hoạt động sôi nổi, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân. Các hoạt động bảo vệ và phát triển môi trường xanh - sạch - đẹp và xây dựng người nông dân văn minh theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bước đầu đạt được kết quả khả quan; hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh có phương án, đề án đánh giá tác động môi trường; có 9/10 xã có xe thu gom rác thải cho các hộ dân ( trừ xã Phan Dũng); xây dựng 1 bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn về môi trường; có 6/10 xã đạt tiêu chí về môi trường.
Hệ thống tổ chính trị xã hội vững mạnh, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững. Kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng phát triển, tạo diện mạo khang trang cho bộ mặt nông thôn. Từ năm 2011 - 2014, đã đầu tư và đưa vào sử dụng 72,887 km/141.801 triệu đồng (trong đó thực hiện theo Đề án giao thông nông thôn: 20,642 km/19.889 triệu đồng (vốn ngân sách: 13.115 triệu đồng, vốn dân: 6.784 triệu đồng); xây mới 198 phòng học, phòng chức năng trường học các cấp, kinh phí trên 59 tỷ đồng); đầu tư và đưa vào sử dụng 21 phòng chức năng (trạm y tế xã Chí Công, Bình Thạnh và Hòa Phú)/4.710 triệu đồng). Lũy kế đến cuối năm 2014, toàn huyện đạt 116 tiêu chí, tăng 67 tiêu chí so với năm 2011, cụ thể: Xã Vĩnh Hảo đạt 14 tiêu chí, xã Chí Công đạt 11 tiêu chí, xã Bình Thạnh đạt 16 tiêu chí, xã Hòa Phú đạt 12 tiêu chí; các xã còn lại đạt bình quân 10,5 tiêu chí/xã đạt. Ước thực hiện đến cuối năm 2015, toàn huyện đạt chuẩn thêm 25 tiêu chí, nâng tổng số tiêu chí đạt chuẩn toàn huyện lên 141/190 tiêu chí và xã Bình Thạnh đạt xã nông thôn mới. Kết quả huy động, lồng ghép các nguồn lực thực hiện Chương trình từ năm 2011-2014 trên 616 tỷ đồng, trong đó vốn trực tiếp từ chương trình là 17,340 tỷ đồng (vốn tam nông 8 tỷ đồng, vốn TPCP: 4,95 tỷ đồng,….
Giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới
Với mục tiêu, nhiệm vụ đến năm 2020, toàn huyện phấn đấu có 6/10 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Theo đó, Tuy Phong xác định các nhóm giải pháp sau
1. Nhóm tiêu chí về quy hoạch, đó là tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung Đồ án quy hoạch và Đề án xây dựng nông thôn mới của các xã cho phù hợp với tình hình thực tế; triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết và cắm mốc quy hoạch cho các xã.
2. Nhóm tiêu chí về cơ sở hạ tầng thiết yếu, đó là các xã tổ chức họp và lấy ý kiến nhân dân để chọn đầu tư xây dựng một số công trình thiết yếu, bức xúc nhất nhằm đảm bảo đạt các tiêu chí đề ra. Cần phải xác định thật cụ thể công trình nào đầu tư từ ngân sách nhà nước, công trình nào huy động từ các tổ chức, cá nhân và nhân dân đóng góp; phải công khai, dân chủ từ khâu triển khai đến tổ chức thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án...theo quy định và phải chú ý đến sự giám sát cộng đồng dân cư tại địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội.
3. Nhóm tiêu chí về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đó là tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp hiện có; tổng kết và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, mô hình liên kết sản xuất, triển khai có chất lượng, hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất hàng năm trên địa bàn huyện; đẩy mạnh công tác dạy nghề cho người lao động theo nhu cầu của thị trường lao động.
4. Nhóm tiêu chí về Văn hoá, Xã hội, Giáo dục, Y tế và Môi trường, đó là tiếp tục giữ vững, nâng chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; đầu tư cơ sở vật chất trường học, trong đó chú ý đến chất lượng dạy học, hoạt động của nhà trường; triển khai có hiệu quả các chiến dịch về y tế, trong đó tập trung cho kế hoạch hóa dân số và chuẩn về chuyên môn cho cán bộ y tế cấp xã. Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nhằm giữ chuẩn và nâng cao chất lượng đối với các xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế; thực hiện nhiều giải pháp có hiệu quả để đẩy nhanh tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch nhằm nâng cao số lượng, chất lượng thôn văn hóa, gia đình văn hóa, nếp sống văn minh, đưa phong trào đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực, trở thành phong trào của toàn xã hội; huy động mọi nguồn lực nhằm hỗ trợ xây dựng nhà cho các hộ nghèo, hộ chính sách; có các giải pháp cụ thể để giảm tỷ lệ hộ nghèo một các bền vững; tăng cường công tác quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn toàn huyện;
5. Nhóm tiêu chí về xây dựng hệ thống chính trị, giữ gìn an ninh trật tự, đó là đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cấp cơ sở, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở đạt chuẩn nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; tăng cường quản lý nhà nước về an ninh trật tự, xây dựng các biện pháp, giải pháp, vận động nhằm hạn chế khiếu kiện đông người, vượt cấp, không tạo điểm nóng; xây dựng kế hoạch “Giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn”; xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp hoạt động giữa lực lượng Công an - Quân sự tăng cường kiểm tra, để bảo đảm ANTT tại cơ sở; tổ chức thực hiện xây dựng Ban chỉ huy quân sự xã vững mạnh toàn diện.