Kinh tế Tuy Phong từ mức độ thấp, cơ cấu lạc hậu đã chuyển dịch mạnh mẽ và phát triển theo hướng đa dạng với quy mô, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng. Tiềm năng, lợi thế của vùng đất Tuy Phong đã và đang được khai thác hiệu quả. Giờ đây, Tuy Phong đã trở thành “cửa ngõ” giao lưu kinh tế và đã hình thành vùng công nghiệp tiềm năng, rõ nhất là nhiệt điện, phong điện, điện mặt trời, khai khoáng, vật liệu xây dựng…Đặc biệt là Cảng biển tổng hợp Vĩnh Tân, cùng với nhiệt điện Vĩnh Tân sẽ ra một vùng kinh tế hết sức năng động trong tương lai.
Không chỉ là “trung tâm năng lượng”, Tuy Phong - với vẻ đẹp và những giá trị văn hóa vô giá, được biết đến là miền đất “vàng” cho phát triển “ngành công nghiệp không khói”. Du lịch Tuy Phong có bước phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành dịch vụ -du lịch ở mức 10,87%, tỷ trọng ngành chiếm 31,43% trong cơ cấu kinh tế chung của huyện. Lượng khách du lịch đạt 987.000 lượt người, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch.
Kết cấu hạ tầng có nhiều khởi sắc. Đường giao thông nông thôn từ chỗ gần như không có gì, đến nay, hệ thống giao thông hình thành rộng khắp từ miền núi đến ven biển. Hầu hết các tuyến đường huyện, đường liên xã đã nhựa hóa và cứng hóa, đã làm cho diện mạo của vùng đất Tuy Phong có nhiều khởi sắc từ đô thị cho đến nông thôn. Các công trình hồ chứa nước, góp phần tích cực cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt trên địa bàn. Nguồn đất đai màu mỡ, trù phú đem lại lợi ích kinh tế cao. Đáng kể là cây Trôm, cây Nho, thanh long “bén duyên” với vùng đất này, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phá thế độc canh các loại cây nông sản truyền thống.
Từ chỗ là vùng đất nghèo sau chiến tranh, đến nay Tuy Phong đã hoàn thành quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện đến năm 2020, trong đó nổi rõ diện mạo đầy tiềm năng của 4 đô thị lớn Liên Hương, Phan Rí Cửa và đô thị du lịch Bình Thạnh, đô thị Vĩnh Tân. Kinh tế phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực, tạo ra sức bật mới cho vùng đất năng động với khá nhiều dự án đầu tư có tầm cơ khu vực. Giai đoạn 2010-2015, tổng vốn đầu tư của huyện cho các công trình trên địa bàn 2.100 tỷ đồng; tổng thu ngân sách đạt 985,027 tỷ đồng, tăng 118,6%. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đã đạt mức 1.800 USD. Riêng lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, Tuy Phong đã huy động trên 103 tỷ đồng, tổng số 10 xã đạt 113 tiêu chí.
Đời sống người dân chuyển biến tích cực. Đặc biệt đời sống của người dân, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến rõ nét hơn nhờ sự quan tâm đầu tư chăm lo phát triển dân sinh, kinh tế xã hội. Giáo dục, chăm sóc sức khỏe có nhiều tiến bộ. Đến nay, Tuy Phong đã phát triển 63 trường học, trong đó 7 trường đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng cao, tỷ lệ học sinh đổ tốt nghiệp các cấp học đạt khá cao. Cơ sở vật chất ngành y tế cũng tăng đáng kể, mạng lưới y tế đã mở rộng đến khắp các xã, thị trấn, góp phần chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở được đầu tư phát triển, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Chất lượng lao động qua đào tạo được nâng lên, 5 năm qua đã giải quyết việc làm trên 14.000 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,11%. Chế độ, chính sách người có công với các mạng được thực hiện khá tốt.
Trong hành trình về thăm quê hương năm 2015, nhiều kiều bào khi về Tuy Phong đã hết sức ngỡ ngàng về sức sống mãnh liệt của mảnh đất này sau 40 năm giải phóng. Người ở xa về là thế, còn đối với những người dân sinh ra, lớn lên và chiến đấu vì mảnh đất này thì sự đổi thay của Tuy Phong hôm nay hết sức tự hào bởi những thành tựu đạt được là rất to lớn, toàn diện và có ý nghĩa rất quan trọng. Kinh tế từ mức độ tăng trưởng thấp, lạc hậu đã chuyển dịch mạnh mẽ và phát triển theo hướng đa dạng với quy mô, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.
“Sự thay da đổi thịt ở Tuy Phong rất có ý nghĩa. Điều này, xuất phát từ truyền thống cách mạng, đoàn kết cùng chung tay xây dựng quê hương Tuy Phong anh hùng”- ông Nguyễn Hoài Anh- Bí thư Huyện ủy nói.