Tuy Phong hôm nay đã đổi da thắm thịt, đang vươn lên mạnh mẽ. Đi qua miền nắng gió bây giờ, nhiều người sẽ cảm nhận được những đổi thay, sự hối hả và niềm vui khó tả trên gương mặt mỗi người dân. Kế thừa những chiến công hiển hách trong chiến đấu của quân và dân, của những người anh hùng kiên trung mà bình dị của quê hương, ngày nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tuy Phong không ngừng nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đến nay, các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII (2010-2020), cơ bản đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII (2010-2015) đã đề ra nghị quyết và được Huyện ủy, UBND huyện và các cấp, các ngành cụ thể hoá thành các kế hoạch, chương trình với những nhiệm vụ, giải pháp và bước đi cụ thể nhằm huy động mọi nguồn lực, tập trung sức khai thác tiềm năng, lợi thế, phấn đấu đưa huyện nhà phát triển toàn diện, bền vững. Huyện ủy đã có những định hướng đúng đắn, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nhanh gắn với đảm bảo tính hiệu quả và bền vững trên cơ sở xác định khâu đột phá, vùng kinh tế động lực, ngành kinh tế mũi nhọn; đầu tư phát triển kinh tế gắn với xóa đói giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tạo tiền đề cho bước phát triển nhanh thời kỳ sau năm 2015. Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, diện mạo nông thôn, thành thị đã có bước phát triển đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực. Miền nắng gió đã từng hứng chịu nỗi đau chiến tranh năm xưa, với khó khăn, thiên tai khắc nghiệt giờ đây bắt đầu lật sang những trang mới đầy tươi sáng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng, tốc độ tăng trưởng đạt khá; tiềm năng, lợi thế của huyện được khai thác tốt hơn. Những tín hiệu đầu tiên mang lại niềm hân hoan lớn cho nhân dân, đó là các công trình điện gió Bình Thạnh, Nhiệt điện Vĩnh Tân, xí nghiệp may Tuy Phong…đã góp phần nâng tỷ trọng công nghiệp- xây dựng chiếm 44,75%; giá trị tăng thêm đạt 1.621,6 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 14.000 lao động địa phương. Giấc mơ về một vùng kinh tế năng động đang trở nên thật gần, nhất là khi Cảng biển tổng hợp Vĩnh Tân, dự án điện mặt trời, điện gió Phú Lạc...kết nối cùng các công trình hiện có, sẽ mở ra nhiều triển vọng cho vùng đất nắng và gió.
Thời điểm kinh tế Tuy Phong gặp muôn vàn khó khăn, sản xuất thuần nông, cơ sở vật chất hạ tầng thấp kém. Trong hoàn cảnh đó, Đảng bộ huyện vẫn kiên định bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, phân tích đánh giá đúng tình hình, nhìn nhận đúng thực trạng yếu kém, kịp thời đề ra những chủ trương năng động, sáng tạo; chỉ đạo đẩy mạnh các ngành kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên, thế mạnh của huyện; phát huy tích cực các thành phần kinh tế; từng bước huy động và khai thác tiềm năng về vốn, sức lao động...vào quá trình phát triển kinh tế chung của huyện. Đến nay, tổng nguồn vốn huy động tại địa phương 935,5 tỷ đồng; toàn huyện có 9 hợp tác xã về nông nghiệp, vận tải, tín dụng; 214 công ty, doanh nghiệp có tổng vốn đầu tư 1.742,5 tỷ đồng, trong đó, có 06 doanh nghiệp nước ngoài; 4.428 hộ kinh doanh cá thể với tổng vốn đăng ký là 520,5 tỷ đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước từ 2011- 2015 đạt 958.027 triệu đồng, tăng 118,6% so với giai đoạn 2006- 2010, tốc độ tăng bình quân hàng năm tăng 7,7%.
Tuy Phong sở hữu một lực lượng tàu thuyền khá hùng hậu, tạo nên sự sung túc của một vùng biển. Với 1.729 thuyền, tổng công suất 167.448 CV được trang bị hiện đại, vươn khơi bám biển, gắn kết khai thác với chế biến, dịch vụ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nhiệm vụ bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo Tổ quốc, sản lượng khai thác 53.855 tấn, đạt 108,7% kế hoạch. Con tôm ở Tuy Phong nổi tiếng cả nước, sản lượng tôm giống tăng từ 12,48 tỷ post lên 27 tỷ post, đạt 337,5% kế hoạch; tôm thịt bình quân hàng năm 4.375 tấn, đạt 109,3% so với kế hoạch.
Với hệ thống giao thông thuận lợi, thị trường phát triển, có nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư...đã tạo nên một sức hút khá lớn về thương mại, dịch vụ. Đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.593,4 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân ngành dịch vụ- du lịch ở mức 10,87%; tỷ trọng ngành dịch vụ- du lịch chiếm 31,43% trong cơ cấu kinh tế chung của huyện. Được sự hào phóng của thiên nhiên ban tặng, du lịch Tuy Phong ngày càng được cải thiện hơn về môi trường, chất lượng và giá cả dịch vụ, lượng khách tham quan du lịch hàng năm tăng cao.
Đi qua thời chiến đến thời bình, sức mạnh nhân dân luôn được phát huy trong việc xây dựng quê hương ngày một phát triển. Đến nay, toàn huyện đạt 113 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có 10 xã đạt chuẩn 14/19 tiêu chí, đạt 73,68% kế hoạch tỉnh giao. Cũng đã có 73,2 km đường và 01 cầu đường bộ với tổng vốn đầu tư 140,46 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn lồng ghép và đóng góp của nhân dân. Và, cái được nhất trong xây dựng nông thôn mới đó chính là ý thức của người dân trong xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Cùng với đó là các Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện được triển khai khá tích cực, trong đó tập trung cao nhất cho quy hoạch sử dụng đất đai, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng kinh tế hàng hóa; đưa cơ khí hóa và áp dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu trong quá trình sản xuất. Hệ thống các công trình thuỷ lợi đã phát huy tác dụng, phục vụ sản xuất nông nghiệp với diện tích gieo trồng bình quân 5.500 ha/năm và sản lượng 37.355 tấn, hơn gấp 2 lần so chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Từ việc chuyển nhận thức, nông dân tích cực chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, nhiều cây trồng lợi thế như cây trôm có 337 ha; cây thanh long có 141 ha; cây nho có 120 ha và nhiều trang trại chăn nuôi đang đầu tư theo chiều sâu...mang lại thu nhập khấm khá cho nhân dân. Trồng mới là 100 ha rừng, nâng độ che phủ khoảng 64,5%, đạt 100% kế hoạch.
Nguồn nhân lực được đào tạo, bồi dưỡng nâng dần chất lượng; cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp- xây dựng là 35,5%, đạt 100% kế hoạch; tỷ lệ lao động trong ngành dịch vụ là 29%, đạt 94,5% kế hoạch; tỷ trọng lao động trong ngành nông- lâm- thủy sản giảm còn 35,5%. Trong 5 năm đã đào tạo nghề cho 8.659 lao động, đạt 240,5% so với kế hoạch, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 55%. Giải quyết việc làm cho 14.246 lao động (chỉ tiêu 13.000 lao động), đạt 109,6%.
Cùng với tập trung cho tăng trưởng kinh tế, lĩnh vực văn hóa- xã hội cũng được quan tâm đầu tư phát triển. Giáo dục - đào tạo có bước phát triển nhanh về quy mô, chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến và tiến bộ, trình độ dân trí được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ huy động học sinh vào các lớp đầu cấp hàng năm đều đạt cao, đã có 9/63 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 14,28%. Mạng lưới y tế được đầu tư từ huyện đến cơ sở góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,95%, dự ước năm 2015, toàn huyện có 33.805 hộ với 154.954 khẩu; số lượng người khám, chữa bệnh có bảo hiểm y tế ngày càng tăng, có 69.125 người dân tham gia, chiếm 47,5% dân số trong toàn huyện; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (theo cân nặng) giảm còn 9,3% (kế hoạch dưới 11%). Vùng đất Tuy Phong là nơi chung sống hoà thuận, đoàn kết của các dân tộc anh em và hội tụ nhiều sắc thái văn hoá độc đáo. Các thiết chế văn hoá, thể thao từng bước xây dựng, bảo tồn làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào thực chất hơn. Chính sách an sinh xã hội thực hiện khá tốt; công tác xóa đói, giảm nghèo được đẩy mạnh; đời sống của đại bộ phận nhân dân được cải thiện hơn. Đáng mừng là từ năm 2010 đến nay đã giảm được 4.410 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,11%; cơ bản không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách; đã có 843 căn nhà ở cho người nghèo, 206 cho nhà ở cho đối tượng chính sách, trị giá trên 20 tỷ đồng được dựng lên từ các nguồn vốn và từ tấm lòng thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ; đã đầu tư các công trình thiết yếu 278 tỷ đồng, cấp 411,77 ha đất sản xuất, giao khoán bảo vệ 7.039 ha rừng và thu nhập bình quân nhận khoán bảo vệ rừng từ 7 - 8 triệu đồng/hộ/năm.
Tuy Phong có vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh, nằm trong chiến lược phòng thủ chung của tỉnh và Quân khu 7. Nắm rõ điều này, người dân Tuy Phong tích cực tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần làm trong sạch địa bàn, tạo môi trường lành mạnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Những thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong 5 năm qua và chặng đường hơn 30 năm tái lập huyện đã khẳng định đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, khẳng định ý chí tự lực, tự cường, bản lĩnh và sức sống của Đảng bộ và nhân dân Tuy Phong. Theo đó, hệ thống chính trị chuyển biến tích cực, với trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, tăng cường đoàn kết, huy động mọi nguồn lực, quyết tâm xây dựng Tuy Phong thành huyện phát triển. Hoạt động cùa Hội đồng nhân dân 2 cấp được đổi mới cả về nội dung và phương thức thực hiện theo hướng ngày càng phát huy dân chủ, phát huy rõ nét hơn vị trí, vai trò trong hệ thống chính trị. Vai trò quản lý, điều hành của UBND các cấp được tăng cường; cải cách hành chính đạt kết quả tốt; kỷ luật, kỷ cương hành chính và ý thức trách nhiệm của công chức trong giải quyết công việc được nâng lên. Công tác chính trị, tư tưởng được quan tâm thường xuyên hơn, nhất là thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trên địa bàn huyện Tuy Phong trong tình hình mới”, nắm bắt, xử lý, định hướng tâm trạng và dư luận xã hội. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chuyển biến rõ hơn từ nhận thức sang hành động “làm theo” và trở thành công việc thường xuyên gắn với các phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn; đội ngũ cán bộ được bổ sung, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm, đã kết nạp 634/450 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ lên 2.299, vượt 40,89% so với chỉ tiêu Nghị quyết và tăng 28,30% so với nhiệm kỳ trước (553/431 đảng viên). Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh năm 2014 đạt 42,42% và bình quân trong 05 năm (2010- 2014) chiếm 45,94% (so với Nghị quyết Đại hội đề ra đến năm 2015 là trên 40%). Chất lượng đội ngũ đảng viên tiếp tục được nâng lên; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên nhìn chung tăng đều qua các năm và bình quân trong 05 năm đạt cao hơn so chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra (82,81%/70%). Công tác kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm nguyên tắc, đúng quy định, thủ tục và quy trình, vừa coi trọng việc phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra vi phạm, vừa kịp thời xem xét xử lý kiên quyết, nghiêm minh khi có vi phạm, góp phần xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên trong sạch vững mạnh. Công tác “dân vận khéo”, “dân vận chính quyền” được các cấp uỷ, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả tích cực. Mặt trận, các đoàn thể huyện vận động nhân dân tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh.
Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tuy Phong càng tự hào với quá khứ hào hùng mà các thế hệ cha anh đã dày công đấu tranh xây dựng, càng ra sức đoàn kết, đồng tâm nhất trí vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu hết sức mình làm rạng rỡ thêm truyền thống cách mạng của quê hương, xây dựng Tuy Phong ngày phát triển giàu mạnh, đi lên.