Phát huy quyền dân chủ trực tiếp của CNVCLĐ…
Nhận thức rõ được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân là động lực to lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN tại địa phương; trong năm 2014 các tổ chức công đoàn tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ cơ sở trong cơ quan, đơn vị; đưa nội dung thực hiện quy chế dân chủ trở thành một trong những tiêu chí đánh giá thi đua.., góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban ngành, mặt trận, đoàn thể, tạo chuyển biến tích cực và có sức lan tỏa sâu rộng trong đội ngũ cán bộ công chức, NLĐ.
Nội dung chủ yếu của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được các tổ chức công đoàn phối hợp với thủ trưởng cơ quan, giám đốc doanh nghiệp cụ thể hóa một cách phù hợp với từng loại hình, bám sát tinh thần Kết luận số 65-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị, Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định 71/1998/NĐ-CP, ngày 08/9/1998; Nghị định 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ, Nghị điịnh số 87/2007/NĐ-CP ngày 08/7/2007, gắn việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, mô hình "Dân vận khéo", thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cải cách hành chính; xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Trên cơ sở hướng dẫn của LĐLĐ huyện, các tổ chức công đoàn cơ sở đã chủ động phối hợp với thủ trưởng cơ quan, chủ doanh nghiệp tổ chức Hội nghị CBCC, Hội nghị NLĐ đảm bảo nội dung, thời gian quy định và phù hợp với từng loại hình cơ sở. Nội dung hội nghị được chuẩn bị khá chu đáo, trong đó các cơ quan đơn vị và doanh nghiệp đánh giá tình hình, kết quả đạt được, rút kinh nghiệm những việc còn hạn chế, tồn tại trong năm qua, đồng thời phát động phong trào thi đua thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm tới. Ở các cơ quan hành chính sự nghiệp, quyền dân chủ trực tiếp của CNVCLĐ được phát huy, nhất là bàn bạc, thảo luận và quyết định các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng; được công khai "tài chính, quản lý và sử dụng tài sản cơ quan"; "khoán chi, thực hành tiết kiệm xăng, xe, điện, nước"; "đề bạt, bổ nhiệm, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật"... Thông qua hội nghị CBCC, nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo và CC,VC,LĐ được nâng lên, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở trong từng cơ quan, đơn vị ngày càng được nâng cao, trách nhiệm của người đứng đầu, quyền và trách nhiệm của đoàn viên công đoàn được nâng lên, củng cố niềm tin với cấp ủy, cơ quan. Ở một số doanh nghiệp thực hiện việc công khai, dân chủ về kế hoạch sản xuất, kinh doanh, chế độ, chính sách có liên quan đến người lao động; nội quy, quy chế của doanh nghiệp; công khai tài chính, tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi xã hội; xây dựng quy chế phối hợp giữa công đoàn với lãnh đạo doanh nghiệp...Định kỳ 6 tháng, một năm tổ chức kiểm điểm đánh giá tình hình và đề ra các giải pháp kịp thời để thực hiện Quy chế dân chủ đạt kết quả tốt; khơi dậy tinh thần làm chủ của CB, CNVCLĐ, ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống và lao động. Và, CB, CNVCLĐ hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình trong việc tham gia, bàn bạc, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp.
Thực hiện quy chế dân chủ đã đi vào nề nếp và tự chủ hơn. Điều đáng mừng đối với CNVCLĐ thì thông qua việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở đã khơi dậy nguồn lực và phát huy sức sáng tạo của CNVCLĐ tập trung trong các mặt công tác, điển hình là các phong trào thi đua do công đoàn phát động như "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; phong trào xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức "Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu"; cải cách hành chính, vận hành theo cơ chế một cửa, nâng cao chất lượng phục vụ, phong trào thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, chống lãng phí; phong trào "giỏi việc nước, đảm việc nhà" trong nữ CNVCLĐ …đã mang lại hiệu quả tích cực; sự đoàn kết, mối quan hệ hài hòa và tiến bộ giữa người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp ngày càng bền chặt hơn. Các yếu tố đó đã có sự tác động tích cực góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát triển vững mạnh.
Góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị
Sau một năm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhận thức, tư tưởng của CNVC-LĐ, quyền đại diện của tổ chức Công đoàn tiếp tục được nâng cao; hạn chế được tiêu cực, mất dân chủ... CNVC-LĐ đã tích cực tham gia phòng trào thi đua trong công tác, trong sản xuất, kinh doanh tạo sự ổn định và phát triển của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Với sự nổ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ công đoàn, công nhân viên chức lao động, huyện Tuy Phong hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế- xã hội đều đạt và vượt mức kế hoạch năm 2014, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống nhân dân nhìn chung ổn định, có mặt cải thiện.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Ngọc Linh, Chủ tịch LĐLĐ huyện cho biết “Việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở luôn có vai trò quan trọng, có tác động tích cực, đã trở thành mục tiêu và động lực để tiếp tục phát triển phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động công đoàn, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương”.
Có thể khẳng định, tổ chức Công đoàn đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc tham gia và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, tạo nền tảng cho sự ổn định và phát triển của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trở thành chỗ dựa tin cậy cho CC,VC,LĐ, củng cố sự gắn kết giữa Công đoàn và người lao động./.