Tại Đại hội các dân tộc thiểu số huyện Tuy Phong lần II năm 2014, đồng chí Phạm Thị Mỹ Loan, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định, trong những năm qua, cộng đồng các dân tộc thiểu số Tuy Phong vẫn luôn tô thắm tình đoàn kết, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Thật vậy, từ ngày giải phóng rồi tái lập huyện đến nay, thực hiện công cuộc đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong huyện nói chung, của đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bà con luôn phát huy tinh thần đại đoàn kết; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương. Toàn huyện có gần 145.502 người, trong đó đồng bào Chăm, Raglay, Hoa, Nùng, Tày chiếm 4,73%, sinh sống chủ yếu ở các xã Phan Dũng, Phú Lạc và các thôn xem ghép của xã Phong Phú, Vĩnh Hảo...Đến nay, đường giao thông các xã vùng đồng bào dân tộc đều bê tông hóa, nhựa hóa; 98,7% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 16,99% so tổng số hộ đồng bào dân tộc; 64 hộ được giải quyết nhà ở, gần 6.000 người được cấp thẻ BHYT. Từ nguồn hỗ trợ của nhà nước thông qua các Chương trình, dự án, trong 5 năm (2009-2014), lượng vốn đầu tư các công trình hạ tầng gần 278 tỷ đồng, trong đó nhiều công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế và các công trình phục vụ sinh hoạt cộng đồng đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội phát triển, tạo nên một diện mạo mới của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phong trào khuyến học trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều tiến bộ; trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, bản sắc văn hoá truyền thống được giữ gìn và phát huy. Bà con dân tộc đã nhanh chóng tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất có hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá. Đáng chú ý là sản lượng lúa mỗi năm 10.000 tấn; tổng đàn bò 2.587 con; thu nhập từ bảo vệ rừng 3-4 triệu đồng/hộ/năm; xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế là người dân tộc thiểu số.
Thực tập hướng dẫn trồng cây thanh long cho bà con nông dân xã Phú Lạc.
Ông Mang Nhu, Bí thư xã Phan Dũng cho biết, những năm qua, được nhà nước đầu tư nhiều nên đời sống bà con đã khá hơn. Đất đai bớt khô cằn nhờ các công trình thủy lợi. Đường trải nhựa, bê tông, nhà xây cao ráo, thoáng mát, trường học, y tế, truyền hình, viễn thông...về tận làng, đã làm thay đổi hẳn diện mạo một xã miền núi. Nhiều chức sắc, già làng bày tỏ sự tin tưởng vào các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, xác định được vai trò của mình đối với sự phát triển ở địa phương, làng xóm. Bởi vậy, không ai khác, chính các già làng sẽ phải tiên phong, làm gương để dân làng noi theo. Sư cả Thường Xuân Hữu ở Phú Lạc bộc bạch: “Bây giờ, cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi. Không còn tình trạng thiếu cái ăn, cái mặc như trước đây. Đó cũng nhờ các chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước; những cố gắng trong phát triển kinh tế cũng như truyền thống đoàn kết của đồng bào tại thôn, xóm”.
Với những kỳ vọng hướng về tương lai, trong quyết tâm thư của đại hội các dân tộc thiểu số lần 2, một lần nữa khẳng định quyết tâm của đồng bào các dân tộc thiểu số, đó là phát huy truyền thống đoàn kết, khơi dậy nội lực và tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, chung tay xây dựng đời sống văn hóa, giảm nghèo…Trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Tuy Phong, phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, trong đó tập trung giải quyết đất đai, hỗ trợ sản xuất, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt là khơi dậy ý thức đoàn kết, tính tích cực, chủ động của đồng bào trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Nhìn lại chặng đường 40 năm, cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số đã có nhiều đổi thay với diện mạo mới, đầy khởi sắc. Sự quyết tâm và kỳ vọng hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững trong tương lai sẽ là nội lực khơi dậy mọi tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên thoát nghèo bền vững cho vùng đồng bào DTTS.