Lăng Ông Nam Hải nằm bên bờ biển, cạnh một đồi cát mênh mông, được xây dựng từ đời Vua Minh Mạng, theo lối kết cấu kiến trúc đình làng, lăng vạn đặc sắc và độc đáo. Từ khi tạo lập đến nay, lăng Ông Nam Hải đã tiếp nhận và an táng hàng chục cá voi trôi dạt vào bờ ở khu vực trước lăng. Đặc biệt, có Ngài lớn nhất, còn nguyên hình có chiều dài 25 m, ngang 4,8m, cao 2,7m, nặng 60 tấn. Tương truyền năm 1982, vùng biển Tuy Phong vào một ngày trời mây ảm đạm, biển mù sương bỗng tan biến, sáng rõ. Có một ông Nam Hải “lụy” (chết) bồng bềnh theo dòng thủy triều trôi dạt vào. Người dân Bình Thạnh phát hiện và khấn vái đưa ông lên bờ. Ông Nam Hải này có thân thể khổng lồ, dân vạn chài không thể di chuyển đi nơi khác được mà phải mai táng tại chỗ, sát bờ biển.
|
|
|
Sau khi an táng từ 2 - 3 năm, ngư dân địa phương thực hiện nghi lễ thượng ngọc cốt theo tập tục để đưa vào lăng thờ phụng. Số lượng ngọc cốt Ông đang lưu giữ tại lăng có nhiều kích cỡ to nhỏ khác nhau, được chú trọng bảo quản và gìn giữ nguyên vẹn. Với tục lệ tín ngưỡng của ngư dân, cứ đúng ngày 16/6 âm lịch hàng năm, ngư dân vùng biển Bình Thạnh lại tưng bừng tổ chức lễ Cầu ngư, với mong ước có được một năm mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang. Bởi hơn ai hết họ hiểu được sự nguy hiểm luôn rình rập nơi biển cả mênh mông sóng dữ trong mỗi chuyến vươn khơi.
Mở đầu là nghi lễ rước các vị Thần từ đình Bình An về Lăng ông Nam Hải. Tiếp đến lễ rước Ông được tổ chức trang nghiêm tại cửa biển dưới sự chủ trì của Ban nghi lễ và đội chèo bả trạo (gồm tổng lái, tổng thương và 12 con trạo) để bày tỏ sự đoàn kết giữa các vạn chài, chứng giám lòng thành của ngư dân ngoài biển. Sau các lễ rước thần là lễ cúng tế cầu an tại Lăng ông Nam Hải (xã Bình Thạnh) diễn ra sau đó 1 ngày.
Lễ Cầu ngư được tổ chức vào ngày 16/6 âm lịch hàng năm với đầy đủ các nghi thức trang trọng, đặc sắc và tôn nghiêm. Đây là hoạt động văn hóa mang nét truyền thống đặc trưng của nhân dân thể hiện tấm lòng tri ân đối với biển cả, các bậc tiền nhân và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu một mùa đánh bắt hải sản thắng lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống mọi người được ấm no hạnh phúc.