Có mặt tại bãi biển Đồi Dương, chúng tôi chứng kiến không khí tấp nập, hối hả của ngư dân từ sáng sớm đến chiều tối. Cứ sau những mẻ lưới đầy cá cơm kéo vào bờ, ngư dân khẩn trương xếp lưới, đưa lên thúng chai, tiếp tục ra biển bủa mẻ lưới tiếp theo. Dọc bờ biển, đông đúc ngư dân đánh bắt cá và khách du lịch đến xem. Cá cơm tươi rói và còn hăng nồng vị biển được các ngư dân nhanh chóng vào giỏ, các thương lái thu mua tại bờ và bốc chuyển lên các xe bagat máy chờ sẳn chở đến các cơ sở chế biến cá hấp. Chị Nguyễn Thị Thắm- một thương lái cho biết, 1 giỏ cá cơm (loại 20 kg), được mua với giá 300.000 đồng. Một ngày thu mua hơn 100 giỏ.
Lão ngư Trần Ngọc Tư cho biết thời tiết năm nay khác lạ, từ ngày 16 âm lịch đến nay, nước biển đục, các luồng cá cơm xuất hiện gần bờ khá dày, thuận lợi cho nghề lưới rùn. Theo ông Tư, nghề lưới rùn chỉ đánh bắt ven bờ, dùng sức người để kéo nên chẳng tính chuyện tốn kém xăng dầu. Một tay lưới rùn có chừng 15-20 lao động, đánh ít nhất một ngày cũng từ 5-7 mẻ lưới. Mỗi mẻ lưới rùn thu được từ 4-5 giỏ cá cơm. Thu nhập bình quân mỗi người gần 700-800.000 đồng.
Tuy Phong có 17 cơ sở hấp sấy cá tại khu vực Rừng Đạo (Phú Lạc), bình quân mỗi cơ sở giải quyết việc làm cho từ 20-30 lao động địa phương. Cá cơm được mùa, không chỉ có ngư dân, các chủ lò hấp mà những người làm nghề hấp, phơi cá trên địa bàn cũng rất phấn khởi vì có việc làm để nâng cao thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Hiếu, một lao động hấp sấy cá cho biết: “Mấy tháng đầu năm, cá rất ít. Nhưng giờ được mùa cá cơm nên tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho các lò hấp sấy cá hoạt động. Với những công việc đơn giản như hấp sấy cá, mang ra phơi, đóng gói…, các lò hấp sấy cá trên địa bàn đã giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động địa phương. Đây là điều kiện tốt cho chị em có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình”.