Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xác định quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu về quản lý và bảo vệ môi trường đến năm 2020 như quản lý và bảo vệ môi trường vừa là nhiệm vụ cấp bách vừa là nhiệm vụ lâu dài và thường xuyên, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, của mỗi tổ chức, cá nhân và cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện; xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp ở các khu dân cư, khu công nghiệp, nơi công sở, trường học, bệnh viện...theo hướng thân thiện môi trường; thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở thị trấn đạt 95%, ở các xã đạt 85%; xử lý đạt 90 - 95% chất thải rắn y tế nguy hại; 100% hộ dân ở đô thị và 99% hộ dân ở nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
Theo đó, nhiệm vụ cụ thể, đó là tập trung phối hợp giải quyết căn bản các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, nhất là phát tán bụi từ tro xỉ ở Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, việc khắc phục ô nhiễm môi trường ở đồng muối Thông Thuận, xã Vĩnh Hảo và khu sản xuất cá hấp ở Rừng Đạo, xã Phú Lạc, đặc biệt không để phát sinh các điểm mới về ô nhiễm môi trường ở khu dân cư, tuyến Quốc lộ 1A và các tuyến đường liên xã, khu ven biển và các điểm du lịch. Xây dựng hoàn thiện và đưa vào hoạt động có hiệu quả hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung tại khu chế biến tập trung, ở các khu, điểm du lịch, nhất là khu du lịch Bình Thạnh; cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước ở 2 thị trấn, các tuyến đường chính ở các xã, thị trấn. Rà soát, kiểm tra di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến các khu, cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung theo quy hoạch...
Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã xác định một số giải pháp chủ yếu như
1- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền đối với công tác quản lý và bảo vệ môi trường. Hàng năm, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết về quản lý và bảo vệ môi trường, qua đó xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tham gia bảo vệ môi trường ở địa phương; đồng thời đề ra các giải pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu trong thời gian đến.
2- Chủ động, thường xuyên phối hợp với các sở, ngành tỉnh và chủ dự án các nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân tăng cường giám sát việc thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác giám sát môi trường tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân; việc khắc phục ô nhiễm môi trường tại đồng muối Thông Thuận, xã Vĩnh Hảo. Tích cực đẩy nhanh hoàn thành tiến độ dự án trạm xử lý nước thải khu chế biến thủy sản tập trung có mùi tại khu vực Rừng Đạo, xã Phú Lạc.
3- Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đổ chất thải ra ao, hồ, mương, đường làng, ngõ xóm theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Củng cố, kiện toàn tổ quản lý môi trường ở địa phương; chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ môi trường ở các xã, thị trấn.
4- Rà soát, đánh giá lại thực trạng, hiệu quả các dự án đầu tư của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lĩnh vực trồng rừng đã đươc chấp thuận đầu tư trên địa bàn huyện, nhất là các dự án nông- lâm kết hợp; kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai hoặc không triển khai đúng mục tiêu dự án, kém hiệu quả về kinh tế, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái.
5- Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển, ven biển, sông, hồ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và khách du lịch. Kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp xả rác thải ven biển, nước thải ra biển, sông, hồ làm ảnh hưởng môi trường biển.
6- Tập trung kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu dân cư; qua đó xây dựng kế hoạch, lộ trình di dời và bố trí các cơ sở vào khu quy hoạch cho phù hợp; kiên quyết không cấp giấy phép hoạt động kinh doanh cho các cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
7- Đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích, tạo điều kiện để cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường, tham gia dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng, xử lý rác thải và các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường. Nâng cao năng lực quản lý của Ban Quản lý Công trình công cộng. Đề cao vai trò của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong việc phát triển các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; thực hiện các mô hình tự quản về môi trường ở từng tổ dân phố, xóm; đồng thời quản lý, giám sát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường ở từng cơ sở. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung vào quy ước, hương ước xây dựng thôn, khu phố văn hoá gắn với các tiêu chí về bảo vệ môi trường, với việc xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Vận động nhân dân phân loại rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ tại các hộ gia đình và tạo thói quen tiêu dùng thân thiện môi trường (khuyến khích tổ chức, cá nhân tiêu dùng các sản phẩm tái chế từ chất thải, sản phẩm hữu cơ, bao gói dễ phân hủy trong tự nhiên...).
8- Sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cho sự nghiệp môi trường; tranh thủ các nguồn vốn hoặc kêu gọi đầu tư xây dựng công nghệ xử lý rác thải tại bãi xử lý rác thải tập trung của huyện.
9- Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện về trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường. Đa dạng hoá nội dung, hình thức tuyên truyền, nhất là trong các trường học làm cho học sinh hiểu biết cơ bản về Luật Bảo vệ môi trường, hiểu rõ hậu quả trước mắt cũng như lâu dài của ô nhiễm môi trường đối với sức khoẻ con người, đời sống xã hội và sự phát triển bền vững của huyện.