"Quê tôi hai mùa nắng-gió" rạch ròi, gió bấc tự nhiên trở thành “đặc sản”. Trời Tuy Phong sau mùa nắng chói đã dịu lại bởi những cơn gió lành lạnh. Bầu trời cũng thẫm dần lại, thấp dần xuống. Trời có vẻ nhiều mây hơn. Đã thấy từng đàn chim én bay về phương nam. Mùa bấc về đúng nhịp, vẫn nguyên vẹn cái tiền định của đất trời. Ai về xứ “nắng gió” sẽ thả hồn theo làn gió đầu mùa thổi tới. Cái se se của đất trời chuyển vụ. Cái xào xạc của những chiếc lá oằn mình qua mùa giông bão. Cái háo hức của những loài hoa nở nụ chào xuân...
Chẳng có ở đâu như mảnh đất này lại có cái mùa kỳ lạ đến nhường ấy. Cái khắc nghiệt của thời tiết, nhưng lại mang đến nhiều điều thú vị. Mùa bấc cũng gắn liền với mùa cá. Từng đàn cá đối, cá liệc, cá trích...vượt sóng vào bờ biển La Gàn để rồi ngư dân, du khách thập phương giăng lưới bắt cá trong tiếng cười rộn rã. Trong làn gió bấc, bãi rêu biển Cổ Thạch lại về kết tụ xõa tóc xanh mướt, bồng bềnh cùng bãi đá bảy màu sắc đẹp như thiên đường; những cánh rừng khộp trên cung đường lên Phan Dũng thay áo mới đượm màu vàng ươm, lan rừng tung sắc tím bâng khuâng đung đưa trên cành cao đọ với sắc vàng của mai rừng...Và ngoài kia, những cánh đồng quê trải rộng tấm thảm vàng rực ngút ngàn tầm mắt, tạo nên một hồn xuân riêng biệt cho bức họa đồng quê những ngày tháng chạp; những đóa sen hồng đã bắt đầu khoe dáng, vườn hoa vạn thọ, hoa cúc trắng, tím, vàng...nhú lên mầm xanh mơn mởn và sẽ theo bước chân các bà, các chị hàng hoa tỏa về phố phường làm đẹp lòng người khi Xuân đến, Tết về. Phố phường, làng quê bây giờ cũng “nhạy cảm” với thời tiết lắm. Mong mãi để chưng diện, giờ được dịp khoe ra. Khoe bằng lời, khoe bằng mắt. Vui lắm. Đường phố sắc màu hơn. Làng quê rộn ràng hơn.
Gió bấc về báo hiệu vào mùa cưới. Tháng tám, tháng chín ăn hỏi xong “để đấy” có thời gian chuẩn bị để tháng mười, mười một, mười hai là “cưới rộ”. Cưới từ đó cho qua Tết đến hết mùa xuân. Gió bấc đồng hành cùng mùa cưới, bàn giao mùa cưới cho gió xuân. Thế cho nên, mùa gió bấc về, từ người già đến trẻ con ai cũng đong đầy cảm xúc, nhất là thanh niên.
Cơn gió bấc để lại những hoài niệm, cảm xúc riêng biệt cho con người, chợt người ta nhận ra, thứ mà họ nhớ không phải là cơn gió, mà là kỷ niệm và tình người! Thay bằng “chạy gió” như trước kia, giờ người dân Tuy Phong lại hồ hỡi...đón mùa gió bấc như để đánh dấu những đổi thay, khởi sắc sau 365 ngày. Có gì đó tha thiết quá giữa cuộc sống bộn bề công việc, lắm nỗi lo toan, nhọc nhằn vì sự mưu sinh vất vả, nhưng niềm vui nhân lên nhiều hơn sau mỗi mùa gió bấc về là từ phố thị đến làng quê, nhiều công trình xây mới mọc lên, nhà cửa thêm khang trang, đường xá sạch đẹp, chợ búa đông đúc, tàu thuyền về bến nặng cá tôm, ruộng đồng, cây trái đơm hoa, trĩu quả...
Mùa gió bấc ngày xưa, mùa gió bấc ngày nay vẫn như thế. Ngọn gió của đất trời như một thông điệp nhắc nhớ mọi người những kỷ niệm thân thương, tri kỷ khó quên, cho mọi người xích lại gần bên nhau, cho hơi ấm lan truyền, tâm tư giao hoà gắn bó để chắp nối lại thành công cuộc đời mỗi con người.