Chuyển biến tích cực
Sau khi có Nghị quyết số 26-NQ/TW và Chương trình hành động số 20-CTr/TU của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Huyện ủy Tuy Phong đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện. Các tổ chức cơ sở đảng cũng đã quán triệt cho đảng viên, cán bộ và nhân dân nắm được tinh thần các mục tiêu và giải pháp về nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn, nhất là thống nhất về nhận thức nông nghiệp, nông dân và nông thôn; triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; rà soát, điều chỉnh xây dựng mới quy hoạch và quản lý quy hoạch; xây dựng nông thôn mới có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ ở các vùng nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái…
Với địa hình có biển, đồng bằng và miền núi, kinh tế ngư nông lâm nghiệp ở Tuy Phong đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Chính vì vậy Tuy Phong đã xác định phát triển sản xuất ngư nông lâm nghiệp theo hướng hiện đại, phù hợp với tiềm năng, lợi thế và điều kiện thực tế địa phương. Trên địa bàn huyện, sản xuất nông nghiệp với cây lúa là trồng chủ lực; diện tích lúa gieo trồng hàng năm bình quân 5.500 ha/năm, từ sản xuất 1 vụ/năm chuyển sang sản xuất 2-3 vụ/ năm, năng suất và sản lương tăng cao (năm 2017 đạt 39.772 tấn, tăng 142,3% so với năm 2008). Các công trình thủy lợi Hồ sông Lòng Song, hồ Phan Dũng, hồ Đá Bạc và hàng trăm km kênh mương thủy lợi đã chủ động được nguồn nước tưới, mở ra nhiều vùng sản xuất mới. Các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả, chuyển dần từ chăn nuôi thả rông sang hình thức chăn nuôi bán thâm canh, hình thành trang trại tập trung. Nhiều vùng đất cát hoang hóa trước đây ở các xã Phong Phú, Bình Thạnh, Chí Công, Hòa Minh, giờ đã phát huy hiệu quả với một số loại cây có giá trị kinh tế cao như Thanh long 400 ha (tăng từ 10 ha năm 2000 lên 390 ha năm 2017; sản lượng hàng năm đạt 8.000 tấn); cây trôm lấy mủ (tăng từ 50 ha năm 2008 lên 490 ha năm 2018; sản lượng hàng năm đạt 250 tấn). Tuy Phong cũng đã xây dựng thương hiệu một số cây trồng đặc sản “Ớt chim Bình Thạnh”, “Mủ trôm Tuy Phong” và bước đầu đã hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp có lợi thế như Nho, lúa giống. 04 HTX nông nghiệp, 12 Tổ hợp tác, 03 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động hiệu quả hơn, nhất là khâu hỗ trợ vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, giống, chăm sóc, bảo vệ cây trồng và vật nuôi, tưới tiêu, cơ giới hóa nông nghiệp…Mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng tăng, đến nay đạt 95% trong khâu làm đất, 95% khâu cắt lúa và tuốt hạt nhờ việc sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch; công cụ sạ hàng 30%; trên 70% hộ dân sử dụng giống lúa xác nhận. Nông dân tiếp cận các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đến cuối năm 2017, dư nợ cho vay đạt 1.699,679 tỷ đồng, trong đó phần lớn nợ vay được hưởng mức lãi suất ưu đãi thấp so với vay đầu tư các lĩnh vực khác.
Bên cạnh trồng trọt, rừng cũng được tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển. Tuy Phong hoàn thành việc rà soát diện tích đất lâm nghiệp điều chỉnh đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng với 49.183 ha, trồng mới 101 ha rừng tập trung và 257.000 cây phân tán, nâng độ che phủ rừng lên 64,5%. Cùng với đó, các Chương trình 134, Chương trình 135, cấp đất sản xuất, hỗ trợ vốn chăn nuôi, công tác giao khoán, bảo vệ rừng theo Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy mang lại hiệu quả rõ rệt, nhất là giảm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân. Một lĩnh vực có thế mạnh ở Tuy Phong, đó là thủy sản. Những năm qua, kinh tế thủy sản phát triển mạnh cả về khai thác, nuôi trồng và chế biến. Cơ cấu thuyền nghề khai thác hải sản chuyển dịch theo hướng tăng thuyền công suất lớn, khai thác hải sản xa bờ, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Với 1.573 thuyền có tổng công suất 193.871 cv và 60 tổ đoàn kết với 373 thuyền đã tạo sự chuyển động tích cực, sản lượng khai thác hải sản hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu giao và tăng dần qua các năm, đến năm 2018 đã đạt được 60.136 tấn. Tôm giống Tuy Phong tiếp tục giữ vững chất lượng và thương hiệu, đến cuối năm 2017, sản lượng đạt 20,82 tỷ post. Kết cấu hạ tầng nghề cá được chú trọng, nhất là đầu tư xây dựng các hạng mục công trình Cảng cá Phan Rí Cửa và khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Liên Hương với tổng mức đầu tư là 19,5 tỷ đồng.
Điều đáng ghi nhận đó là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, làm giao thông nông thôn với sự tham gia của nhân dân, doanh nghiệp cũng đã góp phần làm bộ mặt nông thôn đổi mới, khởi sắc hơn. Người dân biết tự giác vì bản thân gia đình, lãnh đạo huyện, xã biết phát huy nguồn lực nội tại của người dân. Đến cuối năm 2017, toàn huyện đạt 116 tiêu chí; có 03/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Giờ đây, các dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục, điện, đường giao thông, thủy lợi, nước sạch, thông tin viễn thông...đã đến với người dân. Đáng mừng là ánh sáng văn hóa, văn minh đã chiếu rọi vào tận các thôn xóm, mọi nhà, đem đến cho người dân những nhận thức mới để thay đổi cách nghĩ, cách làm ăn có hiệu quả hơn bằng việc khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương với những mô hình kinh tế hiệu quả. Các chương trình hỗ trợ, giảm nghèo được triển khai tích cực; đã xây dựng 3.499 căn nhà ở cho hộ nghèo với tổng kinh phí 41,594 tỷ đồng, đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,05% (tương ứng 1.413 hộ). Cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch đúng hướng, tỷ lệ lao động ngành nông - lâm - thuỷ sản chiếm 59,34%, giảm 1,16% so với năm 2008 và chuyển dần sang lao động công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được quan tâm; trong 10 năm qua, có 16.153 người được đào tạo nghề, chủ yếu là lao động nông thôn và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 56,7% năm 2017, tăng 31,4% so với năm 2008 (25,3%); giải quyết việc làm 6.875 người.
Quá trình thực hiện 20-NQ/TU ngày 22/9/2008 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XI) thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TWcủa Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tuy Phong rút ra một số kinh nghiệm, đó là:
Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân; từ đó nâng cao nhận thức và quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Thứ hai: Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền và phối hợp của Mặt trận, đoàn thể trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; huy động sự tham gia của toàn xã hội, nhất là phát huy vai trò của nông dân; đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp, gắn với kiểm tra, giám sát, sơ, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện.
Thứ ba: Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân với Chương trình xây dựng nông thôn mới, các kế hoạch và nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh.
Tiếp tục tạo đột phá mới
Kế thừa, phát huy những kết quả đạt được trong 10 năm qua, thời gian tới, Tuy Phong xác định vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do đó, để tạo đột phá cho “tam nông”, cần thực hiện có hiệu quả những giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc việc học tập và triển khai Nghị quyết Trung ương 7 khóa X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân; trong đó xác định tuyên truyền xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm. Bởi vậy, cần có sự chỉ đạo tập trung của các cấp ủy Đảng về công tác tuyên truyền để toàn thể hệ thống chính trị, xã hội, đặc biệt là người dân hiểu và nắm được ý nghĩa, trách nhiệm và nhiệm vụ trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Hai là, thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh nuôi trồng thủy, hải sản theo phương thức tiến bộ và bền vững môi trường; nâng cao năng lực và hiệu quả đánh bắt hải sản xa bờ gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường biển; thực hiện nông lâm kết hợp, phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng, nhằm sử dụng hợp lý và có hiệu quả nguồn tài nguyên đất; thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế tập thể và tăng cường liên kết ”4 nhà” trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa đối với các nhóm sản phẩm chủ lực, có lợi thế của địa phương.
Ba là, phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, nhất là các ngành nghề công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp truyền thống nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, nguồn lao động, sản phẩm chủ lực của địa phương; khuyến khích và tạo điều kiện thu hút đầu tư công nghệ mới vào sản xuất thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là các lĩnh vực chế biến hải sản, nuôi trồng, nông sản, lâm sản...góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.
Bốn là, gắn kết chặt chẽ hài hòa giữa phát triển nông nghiệp với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; duy trì và nâng chuẩn đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Năm là, đẩy mạnh đào tạo nghề để nâng chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giảm nghèo bền vững; bảo đảm các chính sách an sinh xã hội, phát triển giáo dục, chăm sóc y tế, phát huy các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở, gắn phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Sáu là, tăng cường các giải pháp giữ vững ổn định an ninh nông thôn, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bảy là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền, phối hợp của Mặt trận và các đoàn thể; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới.