Theo đó, yêu cầu chung là cán bộ đưa vào quy hoạch phải được đánh giá một cách thực chất, chính xác trên các mặt: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tốt; có năng lực công tác, hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có uy tín trong đội ngũ cán bộ và nhân dân; có chiều hướng, triển vọng phát triển; trường hợp cán bộ có vấn đề mới phát sinh thì đánh giá, kết luận bổ sung; phải được xác minh quan hệ chính trị gia đình. Thực hiện quy hoạch cán bộ phải bảo đảm phương châm "mở" và "động", số lượng nguồn đưa vào quy hoạch cần bảo đảm quy hoạch, đảm bảo độ tuổi và cơ cấu cán bộ nữ trong quy hoạch.
Đối tượng quy hoạch là Trưởng, Phó các Ban, Văn phòng Huyện ủy, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị; Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội; các phòng, ban chuyên môn; các đơn vị sự nghiệp; các hội quần chúng được giao chỉ tiêu biên chế thuộc UBND huyện. Thẩm quyền quy hoạch là tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị (cấp Trưởng và cấp Phó).
Quy trình bổ sung quy hoạch phải đảm bảo chặt chẽ các bước như Hội nghị cán bộ, công chức; Tổ chức lấy ý kiến của cấp ủy (hoặc Ban Chấp hành đối với các tổ chức bầu cử); Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị xem xét, quyết định quy hoạch.
Căn cứ vào quy hoạch cán bộ và tiêu chuẩn chức danh quy hoạch, lãnh đạo cơ quan, đơn vị từng thời điểm có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo các văn bằng, chứng chỉ quy định; chú ý việc luân chuyển, điều động, bố trí, sắp xếp cán bộ phù hợp, tiếp cận vị trí, chức danh được quy hoạch nhằm chuẩn bị cho việc giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm vào các chức danh quy hoạch.Việc cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý đều phải căn cứ vào quy hoạch; khi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vào chức danh nào thì phải chọn cán bộ có trong quy hoạch của chức danh đó.