Tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất về kết cấu, bố cục, nội dung dự thảo; các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu trọng dự thảo Chương trình hành động của Tỉnh uỷ (khoá XIII) thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII).
Đề nghị đánh giá rõ hơn những hạn chế trong thực hiện kinh tế biển trong thời gian qua của tỉnh như Quy mô kinh tế biển còn nhỏ, trình độ còn thấp; tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển trong cơ cấu kinh tế của tỉnh còn thấp, giảm hàng năm như chế biến, xuất khẩu; công nghiệp chế biến thủy sản còn yếu; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; các chương trình hỗ trợ ngư dân trong phát triển kinh tế biển chưa nhiều; tình trạng ô nhiễm môi trường biển ngày càng có chiều hướng gia tăng...
Về góp ý cụ thể, các đại biểu đề nghị Tỉnh ủy xem xét, bổ sung thêm một số nội dung vào dự thảo, như: Mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045: “Phấn đấu Bình Thuận trở thành địa phương mạnh về biển, kinh tế biển phát triển bền vững, bảo đảm an ninh, an toàn và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, trong đó, có phân kỳ cho từng giai đoạn đến 2025, đến năm 2030. Các đại biểu cho rằng vì đây là giai đoạn dài, cần phải có lộ trình, giải pháp, nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; nếu không có phân kỳ thì sẽ khó khăn trong tổ chức thực hiện, khó xác định các chỉ tiêu cụ thể trong từng năm, từng giai đoạn.
Hiện nay, Khu bảo tồn Hòn Cau, Hòa Phú- Hòa Thắng nằm trong quy hoạch của tỉnh, là điểm du lịch thu hút nhiều dự án đầu tư và phát triển du lịch; đồng thời ở tỉnh thiếu các nhà đầu tư chiến lược, các dự án lớn có tác động thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế- xã hội của tỉnh so với một số tỉnh ven biển khác. Do đó các đại biểu đề nghị bổ sung thêm Khu bảo tồn Hòn Cau, Hòa Phú- Hòa Thắng vào đoạn “Giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, cảnh quan, đa dạng sinh học vùng biển đảo như...” cũng như có giải pháp thu hút nhà đầu tư chiến lược để tạo điểm nhấn, bước ngoặc về phát triển du lịch tỉnh nhà trong thời gian tới.
Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung: Quy hoạch và xử lý mối quan hệ giữa với nuôi trồng tôm giống với Khu bảo tồn biển Hòn Cau, Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân. Vì hiện nay chưa có quy hoạch cụ thể vùng nuôi trồng thủy sản do đó những tác động từ môi trường gây thiệt hại đến nuôi trồng thủy sản, xảy ra khiếu kiện trong nhân dân, dư luận xã hội phức tạp.
Đề nghị bổ sung: Quan tâm quy hoạch điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng khác hợp lý, có tính đến bố trí quỹ đất cho phát triển nông nghiệp phù hợp. Vì quỹ đất có hạn, trong điều kiện công nghiệp 4.0, công nghệ tiên tiến, hiện đại cho phép đưa vào sử dụng quỹ đất quy hoạch điện gió, điện mặt trời... vào sản xuất nông nghiệp, giải quyết công ăn việc làm, đời sống cho nhân dân.
Bổ sung: Nâng cao dân chủ, dân trí người dân ở các xã vùng ven biển, hải đảo; có chính sách miễn, giảm học phí để thu hút học sinh ven biển nhằm tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển. Vì hiện nay, một bộ phận nhân dân ven biển có đời sống khó khăn, thu nhập thấp dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học ngày càng nhiều; mặt bằng trình độ học vấn và nhận thức còn hạn chế.
Bổ sung: Tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế vùng biển nhằm nâng cao đời sống nhân dân; bố trí phát triển dân cư hợp lý trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm thực... Vì hiện nay các nguồn lực đầu tư cho vùng biển chưa nhiều, trong khi đó sự tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng gây thiệt hại lớn về tài sản, phương tiện sản xuất và đời sống của người dân ven biển; nhiều khu dân cư ven biển bị xâm thực ảnh hưởng đến việc ổn định nơi cư trú của người dân ven biển.
Bổ sung: Tập trung nghiên cứu cơ cấu cây trồng ven biển phù hợp với biến đổi khí hậu gắn với đẩy mạnh công nghệ tiết kiệm nước trong tưới tiêu, chăm sóc cây trồng ven biển. Vì hiện nay, tỉnh Bình Thuận là vùng hạn hán, các loại cây trồng ven biển bị tác động ảnh hưởng đến nâng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm còn hạn chế, dẫn đến thu nhập, đời sống của nhân dân ven biển khó khăn.
Bổ sung: Huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng vùng biển, tập trung các công trình: kè chống xâm thực biển, các khu neo đậu tránh bão cho tàu cá, thông luồng cửa biển; nâng cấp các Cảng cá (Cảng cá Phan Rí Cửa, Cảng cá Lagi)... ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cần xác định mục tiêu từ nay đến năm 2035: cơ bản hoàn thành các công trình đê, kè ven biển, các bến cảng đã được quy hoạch trên địa bàn tỉnh; nâng cấp và kết nối các tuyến đường giao thông ven biển từ Bà Rịa- Vũng Tàu đến tuyến đường ĐT716, ĐT719.
Bổ sung: Quan tâm đầu tư các cơ sở đóng sửa tàu thuyền trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ việc đóng mới, sửa chữa và nâng cấp tàu cá để đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo..