Theo báo cáo, 10 năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy được các cấp ủy, chính quyền, đơn vị, địa phương đẩy mạnh, thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, hướng về cơ sở, tập trung vào tầng lớp thanh thiếu niên, nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Các mô hình phòng, chống ma túy ở khu dân cư được triển khai xây dựng, sơ kết rút kinh nghiệm và nhân rộng; toàn huyện hiện có 28 mô hình và 11 Đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin” ở 11/12 xã, thị trấn. Ủy ban Mặt trận huyện đã xây dựng 33 mô hình phòng, chống ma túy ở khu dân cư hoạt động tương đối tích cực và hiệu quả; nhờ đó, đã tiếp cận, cảm hóa, giáo dục 249 đối tượng trong đó đã vận động 122 đối tượng thực hiện các biện pháp cai nghiện, có 11 đối tượng cai nghiện thành công; 23/33 khu dân cư không phát sinh thêm người nghiện ma túy, 08 khu dân cư giảm nhiều về tỷ lệ tăng người nghiện so với trước khi xây dựng mô hình. Các tổ chức Hội đoàn thể tạo điều kiện cho vay vốn đối với hộ có người nghiện ma túy sau cai nghiện và các đối tượng điều trị Methadone có chiều hướng tiến bộ là 153 hộ gia đình, mức vay từ 8 đến 10 triệu đồng/hộ; 01 trường hợp ở Phan Rí Cửa từ bỏ ma túy đã được Hội phụ nữ tạo điều kiện vay vốn 20 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách để phát triển kinh tế gia đình; 25 người sau cai trở về địa phương được chính địa phương tạo điều kiện tham gia lao động sản xuất với các ngành nghề như làm biển, hàn, hớt tóc, công nhân bốc xếp
Công tác đấu tranh, triệt phá đối với tội phạm ma túy được tăng cường; đã triệt phá thành công 295 vụ/828 đối tượng vi phạm và phạm tội về ma túy, khởi tố điều tra 267 vụ/ 332 bị can; xử phạt hành chính 26 vụ/51đối tượng. Triệt xóa 06 tụ điểm phức tạp về ma túy, chuyển hóa, làm giảm mức độ phức tạp ở 14 khu dân cư; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 108 người; cai nghiện tự nguyện 23 người; lập 337 hồ sơ đưa vào diện quản lý giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định 111 của Chính phủ và 116 hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221 của Chính phủ.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã phát biểu nêu lên thực trạng tình hình, những kết quả đạt được và khó khăn, vướng mắc, trong đó các đơn vị xã Chí Công, Phan Rí Cửa, Vĩnh Tân, Mặt trận huyện đã đề xuất nhiều biện pháp, giải pháp hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Dân, Bí thư Huyện ủy nhấn mạnh trong 10 năm qua (2008-2018), Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống và kiểm soát ma túy phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, cơ sở; huy động cả hệ thống chính trị tham gia tích cực, phát huy tốt vai trò nòng cốt của lực lượng chức năng. Nhận thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban ngành, mặt trận, đoàn thể từ huyện đến xã, thị trấn được nâng lên rõ rệt; một bộ phận nhân dân chuyển biến hơn trong nhận thức về tác hại của ma túy đối với gia đình và cộng đồng. Trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Huyện ủy yêu cầu tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống và kiểm soát ma túy; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm vừa cấp bách vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thông chính trị từ cấp huyện đến cấp cơ sở, thực hiện tốt mục tiêu “kiềm chế, không để tăng số người nghiện ma túy và địa bàn có ma túy”, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trung Trực, Phó Chủ tịch UBND huyện đã trao quyết định khen thưởng cho 6 tập thể và 6 cá nhân có thành tích trong thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống và kiểm soát ma túy (2008-2018)./.