Những bàn tay cần cù…
Chúng tôi theo con đường đất đỏ gần 10km từ trung tâm xã Vĩnh Hảo về Xóm 1C, thôn Vĩnh Sơn một ngày đầu năm mới Kỷ Hợi 2019 khi sắc xuân vẫn còn đong đưa trên cành cây, ngọn cỏ.
Trong nắng tháng giêng nồng nàn, không gian 1C ngày đầu năm mới thật yên lặng vì bà con đã đóng cửa ra vườn ra rẫy, trẻ em đã cắp sách đến trường. Vượt qua con suối lớn vào dưới chân ngọn núi Gia Lư hùng vĩ, chúng tôi bị “hút hồn” bởi một vùng đất đai trãi rộng, tiếng máy bơm nước, máy xới vang vọng trên những thửa đất mới, những rẫy bắp xanh ngắt, lá xào xạt trong gió...Qủa thực, tôi cũng mường tượng được sự khó khăn trong sản xuất của bà con khi bắt đầu mùa vụ với những con suối nước không vượt qua đầu gối. Đá to, nhỏ nhấp nhô trên mặt đất. Cảm phục những đôi bàn tay rắn rỏi lật trở từng mảng đất để màu xanh tươi của bắp, hành, đậu, dưa vụ xuân hè phủ khắp mặt rẫy, đồi. Khi tôi hỏi, bằng cách nào mà vùng khô cằn này lại có thể trồng được những vườn cây xanh mơn mởn. Anh Nguyễn Văn Nhân với dáng vẻ hiền từ, cách ăn nói khiêm nhường: “Vất vả lắm chú ơi. Nhưng có người phụ đất chớ đất không phụ người đâu mấy chú”.
Câu nói của người đàn ông này làm tôi nhớ trước đây có lần đến 1C, tôi cứ băn khoăn về câu hỏi vì sao 1C còn nghèo? Chẳng phải đất đai rộng, chẳng phải rừng là vàng đấy sao. Sao cái nghèo, cái khó vẫn đeo bám. Thế rồi, tôi cũng được "mở tầm mắt": Vùng này chưa nắng đã hạn. Núi xen cây lẫn đá. Đất đai rộng đấy nhưng hạn triền miên, trồng cây gì cũng khó thì sao mà giàu được?. Trong ký ức của người dân, 1C là nơi 4 không “đường, điện, trường, trạm”, ví như chốn “thâm sơn cùng cốc” chỉ toàn đồi núi hoang sơ, dân cư thưa thớt, cách biệt với bên ngoài…khiến nhiều người nản chí rời đi nơi khác. Buồn hơn, vùng đất nổi tiếng nắng gió nhưng hệ thống thủy lợi hạn chế, người dân cũng chưa am hiểu về phương thức sản xuất, cây trồng phù hợp nên gặp nhiều rủi ro vì thiên tai, thời tiết. Một năm 365 ngày, cư dân 1C đầu tắt mặt tối với mấy sào bắp, dưa, ớt, …Biết bao vụ trắng tay vì xuống giống mà ông trời chẳng chịu mưa. Và cứ thế, những mảnh đất bỏ hoang ngày một rộng ra. Cái ăn, cái mặc và sự túng thiếu len vào cả trong giấc ngủ đầy mộng mị.
Khổ riết rồi “cái khó ló cái khôn”, 60 hộ dân với 115 nhân khẩu ở 1C không khoan tay chờ đợi ông trời, mà tự “xoay” cái vận của mình để biến bất lợi thành cái có lợi, cùng nhau cải tạo đất đai và cây trồng phù hợp để sinh tồn. Sau khi tập trung chuyển đổi phương thức sản xuất, người dân mở thêm hướng đi mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nắng gió khắt nghiệt. Từ nguồn nước suối, đào ao và Hồ Đá Bạc, người dân khai phá đất đai, đầu tư sản xuất thâm canh, phát triển trang trại, trồng cây ăn trái, cây lấy hạt, củ quả và nuôi bò, dê, cừu…Thế rồi, những mảnh đất bạc màu bên sườn núi đã hồi sinh khi có bàn tay của bà con cải tạo bằng phẳng để trồng trôm, mít, dừa, quýt, xoài; nơi thuận nguồn nước được chuyển đổi sang trồng bắp, đậu, hành tím, dưa…có chăm sóc, phòng bệnh với quyết tâm đã làm phải được thu. Tận dụng địa hình đồi núi, thuận lợi phát triển chăn nuôi, bà con nuôi bò, dê, cừu, dành một phần đất để trồng cỏ voi làm thức ăn cho mùa nắng hạn, đồng thời tận dụng sản phẩm lá, đậu phọng, cây bắp vỗ béo đàn vật nuôi.
Trong câu chuyện giữa chúng tôi với người dân 1C hôm nay khi nhắc đến chuyện những ngày đầu đi mở đất quả là chuyện kể không bao giờ dứt bởi họ đã trãi qua biết bao sự thăng trầm trước hà khắc của thiên nhiên. Cội nguồn nơi này trước đây là nông trường thuốc lá Vĩnh Hảo. Năm 1991, nông trường giải thể, phần lớn công nhân đến từ các tỉnh Quảng Trị, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi…đều rời đi nơi khác, chỉ còn số hộ ở lại làm ăn sinh sống, lập nên xóm 1C. Hơn 28 năm, Vùng đất 1C đã thấm đẫm biết bao giọt mồ hôi nhỏ ra trên trán của những người nông dân cần cù, hăng say lao động. Trong gian truân vẫn có những con người trụ cột trên vùng đất mới như anh Thành quê Quãng Nam, anh Dũng dân Quãng Ngãi, cô giáo Hòa người gốc Nghệ An…Ban ngày, họ cùng người dân tăng gia sản xuất, khai hoang phục hóa; buổi tối đến từng nhà tuyên truyền, vận động mọi người học chữ, thậm chí lúc ngoặt nghèo như ốm đau, sinh nở...cũng những con người này giúp đỡ, chở che nhau. Khi người dân thiếu thốn, cần hỗ trợ gì, họ lại vượt hàng chục cây số ra xã, ra huyện đề nghị giúp đỡ. Ngày nắng rát mặt hay gió giật bụi mù, trên những mảnh đất sỏi đá vẫn thấy cư dân 1C chăm chỉ cuốc cày, trồng tỉa. Tất cả họ đều có điểm chung giống nhau: cùng đùm bọc, vượt lên khó khăn biến vùng đất hoang vu này thành nơi no ấm và những lần thất bại chưa bao giờ làm họ nản chí.
…dựng xây cuộc sống mới.
Cũng tụ về vùng đất 1C, chuyện của đôi vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Dũng, 57 tuổi cũng không khác mấy so với những hộ nông dân được trao tặng danh hiệu nông dân sản xuất giỏi ở huyện Tuy Phong, nhưng điều khiến chúng tôi vô cùng ấn tượng ở đôi vợ chồng này là sự kiên trì và quyết tâm đi đến thành công. Năm 1980, cũng như bao thanh niên khác, anh Dũng rời quê Quãng Ngãi vào đất 1C làm công nhân trường, rồi ở lại lập nghiệp sau khi nông trường giải thể. Có chút nghề y tá, những năm tháng đó, người ốm đau hay sinh nở ở 1C đều nhờ đến tay anh. Người dân quý anh vì cái nghĩa, cái tình. Sau này, là người đi tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh Dũng đã sắm máy móc để cày xới đất, máy bơm tưới tiêu cây trái và bày cách làm ăn cho bà con xóm 1C nên ai cũng nghe, học theo anh. Hôm đến khu vườn quýt lai của anh Dũng nằm dưới chân núi đá. Tận mắt thấy những cây quýt lai cao to tán rộng xanh um, hoa quýt tỏa mùi hương ngào ngạt, chúng tôi rất mừng. Còn anh Dũng chia sẻ “vẫn ngỡ như mình đang mơ”, bởi anh đã có lúc quỵ ngã vì mùa vụ thất bát, vợ con nheo nhóc thiếu ăn. Những đêm thức trắng, mắt thâm quầng, anh Dũng nhận ra rằng cần phải thay đổi cách làm ăn để cứu lấy mình. Năm 2010, anh gom tiền bạc ra tận Nghệ An mua giống quýt lai đem về trồng trên 2,5 sào đất, rồi “mót máy” tài sản gia đình đầu tư hệ thống dẫn nước bằng ống từ Hồ thủy lợi Đá Bạc lên rẫy dài hơn 1 km. Sau 4 năm mày mò, cây quýt lai đã bén duyên vùng đất mới, ngay lứa đầu anh đã thu về trên 250 triệu đồng. Niềm vui càng nhân lên, từ năm 2015 đến nay, 230 cây quýt luôn đạt năng suất từ 15-16 tấn quả, đem về cho anh từ 160-250 triệu đồng mỗi năm. Vui hơn, gần 3 sào quýt lai được đầu tư mở rộng thêm của anh cũng đang cho trái đúng vào dịp tết năm nay với giá bán 12.000 đồng/kg. Từ trong gian khó, anh Dũng đã gầy dựng cơ nghiệp ổn định, 3 con của anh giờ là kỹ sư, công nhân làm việc ở các công ty, xí nghiệp.
Ngồi bên vườn quýt lai trong gió núi miên man, sự sự kiên trì, nhẫn nại của người đàn ông này khiến tôi “dán mắt” không rời. Anh Dũng nói với tôi: “Với đất đai cằn cỏi thì phải nhẫn nại. Càng nhẫn nại bao nhiêu thì đất nghe lời người bấy nhiêu”. Tôi rất đỗi ngỡ ngàng bởi triết lý từ câu nói của một người nông dân một nắng hai sương này. Hiểu vì sao những con người chịu thương chịu khó đã chinh phục thành công vùng đất vốn nổi tiếng là “thừa nắng, thừa gió”, góp sức xây dựng xã Vĩnh Hảo đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.
Chia sẽ với chúng tôi, ông Trần Văn Lộc-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hảo kể thời kỳ công tác ở xã thì điều làm ông ấn tượng nhất đó là nhà nước đưa điện về xóm 1C, thắp sáng nơi núi thẩm rừng sâu. Trường học được xây lên, tiếng trẻ ê a mỗi buổi sớm chiều rộn ràng xóm núi. Thời điểm đó, con dê ở 1C trở nên nổi tiếng, một con có giá tới 6-7 triệu đồng, dân tứ xứ hỏi mua đổ về tấp nập. Rồi những rẫy dưa hấu, đậu phọng, điều…trúng mùa, trúng giá đem lại cho nông dân niềm vui lớn. Ông Lộc bảo, ngay khi xắn tay khai khẩn vùng đất mới, những cư dân 1C đã bắt nhịp cuộc sống. Tuổi thanh xuân trút vào đất, sức lao động cần cù của mỗi một người dân ở đây làm nên những ngôi nhà mới. Cái cặp sách con đi học, chiếc xe gắn máy cha đi, ngôi nhà che chở cho cả gia đình ở 1C…được dựng nên từ nguồn thu nhập trên mảnh đất sỏi đá khô cằn. Và thế, ở đâu có bàn tay của con người thì sự sắp đặt của tạo hóa lại vô cùng hữu ích. Trong đó, sức lao động của con người là mùa xuân kết nối mùa xuân.
Khó khăn còn nhiều, 1C vẫn rất cần có sự quan tâm hỗ trợ, giúp sức không chỉ là nguồn về vốn, khoa học kỹ thuật mà cả các vấn đề văn hóa xã hội. Nhưng điều tôi cảm phục những người nông dân bình dị, nhưng kỳ lạ thay sức vóc và ý chí mãnh liệt, bằng sức mạnh, họ đã băng qua đường hầm của bóng tối để vươn đến ánh sáng tương lai, biến một vùng hoang sơ cằn cõi trở nên no ấm từ đôi bàn tay trắng, trở thành những “cột mốc sống” nơi núi thẫm rừng sâu./.