Tuy là vùng đất thuần nông, nhưng Tuy Phong có thuận lợi về có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát huy tối đa giá trị sản lượng và tỷ trọng lĩnh vực ngành ngư - nông - lâm nghiệp; công nghiệp - xây dựng; thương mại, dịch vụ - du lịch. Trong những năm qua, một số dự án lớn đầu tư vào Tuy Phong, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Đáng chú ý là 2 dự án mang tầm cỡ quốc gia và khu vực như Nhà máy Điện gió (công suất 120MW); Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (công suất 4.400 MW). Hệ thống thủy lợi được đầu tư xây dựng đã khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt, trong đó có 3 công trình thuỷ lợi lớn như Hồ Sông Lòng Song dung tích 39 triệu m3; Hồ Phan Dũng dung tích 11 triệu m3; Hồ Đá Bạc dung tích 6 triệu m3; và một nhà máy nước sinh hoạt có công suất 14.000 m3/ngày đêm. Ngoài ra, Tuy Phong còn có các cụm, khu công nghiệp với các dự án đầu tư tổng hợp nhiều ngành nghề, riêng Xí nghiệp may mặc cụm công nghiệp phía Bắc huyện Tuy Phong đã thu hút trên 2.000 lao động. Bên cạnh những công ty, xí nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm lợi thế như Tảo Spiviha, Muối, Nước khoáng thì các điểm du lịch ở Tuy Phong cũng đã định hình và phát triển, trong đó kể đến như khu du lịch lặn biển Scuba, Hòn cau, Đồi dương, Chùa Cổ Thạch...được nhiều người biết đến, hằng năm thu hút khá nhiều khách tham quan, nghĩ dưỡng.
Ảnh: Hồ Phan Dũng - Tuy Phong.
Bước vào năm 2012, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ; nguồn vốn đầu tư khó khăn do thắt chặt đầu tư công, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, một số vấn đề xã hội bức xúc phát sinh...đã tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội. Song, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng của các doanh nghiệp và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phối hợp của cấp ủy, chính quyền, ban ngành, mặt trận, đoàn thể từ huyện đến xã, thị trấn; phần lớn các chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết 08-NQ/HU, ngày 21/12/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khoá VII) về nhiệm vụ năm 2012 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Ngay từ đầu năm, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể, cơ quan, ban ngành đã tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012. Các khâu phân giao chỉ tiêu, nhiệm vụ; phân cấp giao quyền chi tiết, cụ thể gắn liền với cơ chế trách nhiệm được thực hiện chặt chẽ, phát huy tính chủ động và sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm của các ngành, địa phương, đơn vị, nhưng vẫn đảm bảo sự hài hòa trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Đồng thời, có nhiều biện pháp khơi dậy, định hướng đúng để phát huy mạnh mẽ các nguồn lực trong nhân dân, có giải pháp cụ thể để người dân được tham gia vào các nội dung, công đoạn được bàn, được làm, được kiểm tra, được hưởng lợi từ các chương trình, dự án tại địa phương. Cùng với đó, các địa phương, đơn vị đã thực hiện tốt cải cách hành chính cũng như tuyên truyền, vận động khuyến khích nhân dân và thành phần kinh tế mạnh dạn, chủ động trong việc đầu tư vốn và các nguồn lực khác để phát triển kinh tế-xã hội, làm giàu chính đáng cho bản thân và cho xã hội. Phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huy động nguồn lực trong dân, trong các thành phần kinh tế đã thực sự trở thành phong trào xã hội, tạo sự cuốn hút, lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ. Đặc biệt trong triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, thì vai trò tham gia, sự vào cuộc và công sức, tiền, của đóng góp của người dân là hết sức to lớn, góp phần quan trọng cho kết quả giai đoạn đầu tiên của chương trình. Đến nay đã có 10/10 xã hoàn thành phê duyệt Đồ án, Đề án xây dựng nông thôn mới và đã thực hiện thi công thi công được 2,829km đường giao thông nông thôn; đồng thời vận động nhân dân đóng góp 517,3 triệu đồng làm giao thông nông thôn, trong đó một số địa phương làm tốt như Phước Thể, Hoà Phú...
Trên phương diện tổng thể, kinh tế-xã hội năm 2012 có sự khởi sắc đáng ghi nhận. Với chiều dài 50 km bờ biển, ngư trường rộng lớn và nguồn lợi thủy sản đa dạng phong phú, Tuy Phong đã chú trọng thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế thủy sản, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Các phương tiện tàu thuyền được đầu tư nâng công suất; đã đóng mới 8 thuyền/1.321 CV, đạt 440% về số thuyền và 400% kế hoạch về công suất, nâng tổng lượng tàu thuyền toàn huyện lên 1.893 chiếc/146.547 CV, bình quân công suất 77,4 CV/thuyền, đạt 107,32% kế hoạch. Mô hình tổ đoàn kết sản xuất trên biển tiếp tục duy trì hoạt động, từng bước phát huy hiệu quả; đã thành lập 209 tổ/6.334 lao động và Nghiệp đoàn khai thác hải sản Phan Rí Cửa. Sản lượng khai thác cả năm là 46.960 tấn, đạt 114% KH, riêng sản lượng 14 tỷ post, đạt 155,5% chỉ tiêu, đạt 112,1% so với cùng kỳ. Ngoài tiềm năng kinh tế biển, có thể khẳng định việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng đã mang lại sức sống mới cho Tuy Phong. Phát huy lợi thế các nguồn lực về đất đai, lao động, nhân dân chú trọng khai thác hiệu quả nguồn nước tưới từ hệ thống các công trình thủy lợi, nâng cao chất lượng thâm canh, đưa giống lúa có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng được thị hiếu và yêu cầu của thị trường hàng hóa vào sản xuất, gắn liền với đẩy mạnh thực hiện cơ giới hoá, lồng ghép các mô hình sản xuất, tăng hiệu qủa sử dụng đất nâng tổng sản lượng lương thực 34.240 tấn, đạt 129,69% kế hoạch. Công tác bảo vệ và phát triển rừng, tạo môi trường sinh thái được quan tâm chỉ đạo, đã trồng 71 ha rừng, đạt 101% kế hoạch.
Có đến Tuy Phong thì mới cảm nhận được những đổi thay nơi đây. Ngoài những công trình có tầm cỡ về công nghiệp năng lượng như Điện gió, Nhiệt điện thì lĩnh vực công nghiệp-TTCN có bước phát triển với giá trị sản xuất các sản phẩm được 752 tỷ đồng, đạt 124,1% kế hoạch (tăng 12,54% so cùng kỳ). Các ngành nghề và nhóm hàng sản xuất công nghiệp ngày càng đa dạng hơn so với trước, tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước để tái đầu tư phát triển xã hội, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, làm chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ tăng khá, đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, phân bón, dịch vụ vận tải. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được tập trung chỉ đạo, một số kết cấu hạ tầng về thủy lợi, thủy sản, đường giao thông nông thôn, trường học, chợ, trạm y tế... đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng phát huy tác dụng phục vụ dân sinh, kinh tế-xã hội. Một sự cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân là công tác thu ngân sách nhà nước. Bằng các giải pháp tích cực gắn với tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, doanh nghiệp về quyền và nghĩa vụ thuế, đến nay tổng thu ngân sách nhà nước toàn huyện được 164,233 tỷ đồng, đạt 100,76% chỉ tiêu pháp lệnh (đạt 94,39% chỉ tiêu phấn đấu), tăng 9,4% so cùng kỳ.
Bên cạnh những tín hiệu vui từ nền kinh tế, sự nghiệp giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí và giải quyết các vấn đề xã hội và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đã có những chuyển biến tiến bộ. Các cuộc vận động triển khai đạt kết quả khá tốt như vận động 940 triệu đồng Quỹ “Vì người nghèo” đạt 134,3% huyện và 144,6% tỉnh giao; Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt 114,33% chỉ tiêu (663,12 triệu đồng); quỹ Khuyến học “Tiếp bước cho em đến trường” được 1.489.469.000 đồng, đạt 186,2% KH tỉnh giao (trong đó tiền mặt 1.129.640.000 đồng), tặng 1.334 suất học bổng (học bổng “Tiếp bước cho em đến trường cấp 121/120 suất, trị giá 160.500.000 đồng) và 5.688 suất quà, trị giá 1.355.693.000 đồng. Huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng được 236 nhà ở cho gia đình chính sách, người nghèo, đạt 100% kế hoạch (trong đó có 53 nhà ở cho người có công, với số tiền 1,070 tỷ đồng). Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn có nhiều cố gắng, đã đào tạo được 1.811 lao động đạt 102,9% KH. Thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội, phát triển các cơ sở sản xuất kinh doanh, cho vay vốn hỗ trợ việc làm, giải quyết việc làm cho 2.930 lao động, đạt 127,39% chỉ tiêu tỉnh giao (đạt 117% chi tiêu huyện giao). Các chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện tốt.
Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thông tin truyền thông, phát thanh truyền hình tiếp tục được đẩy mạnh hướng về cơ sở, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm và các ngày lễ, Tết. Mạng lưới phát thanh, truyền hình phủ kín các địa bàn; kịp thời thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tình hình của địa phương đến với người dân. Công tác xã hội hoá lĩnh vực thể dục, thể thao chuyển biến tích cực; hoạt động thể dục thể thao quần chúng phát triển khá mạnh. Chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở một số địa phương đi dần vào chiều sâu. Cơ sở vật chất trường, lớp học từ mầm non đến Trung học phổ thông tiếp tục được đầu tư, kiên cố hóa, tăng tỷ lệ thu hút học sinh. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được chỉ đạo và đạt được những kết quả tích cực. Một số cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư; kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại...góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân
Nhìn lại bức tranh kinh tế-xã hội năm 2012 với những kết quả đáng mừng đã thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, quyết tâm chung sức đồng lòng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; khẳng định vai trò lãnh đạo, điều hành, kiểm tra và vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền cùng cả hệ thống chính trị cho mục tiêu chung. Đó cũng là kết quả của phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong huyện học tâp và làm theo gương Bác kính yêu, tất cả cho mục tiêu đưa Tuy Phong phát triển vươn lên.
Sắc xuân Qúy Tỵ-năm 2013 đã về trên quê hương Tuy Phong anh hùng. Những kết quả sau một năm vượt qua gian khó cũng chính là tín hiệu vui chuyển giao cho năm mới 2013 hứa hẹn niềm tin và hy vọng mới.
MINH CHIẾN