Yêu thương gửi trong chiếc bánh
Cứ vào độ rằm tháng Chạp hàng năm, khi nhà nhà bắt đầu tước lá cho những cây mai vàng trước sân, cũng là lúc bà con làm bánh tết ở lại nhộn nhịp vào mùa. Đến Tuy Phong những ngày này, thấy sự chuẩn bị của bà con dường như làm cho không khí Tết đến gần hơn. Nào đậu xanh chóc vỏ vàng ruộm, gạo nếp trắng ngần, đường, bột, tiêu, hành…đã sẵn sàng, để rồi sau đó những sản phẩm đậm đà hương vị quê hương rực lên, thơm phức đến vui Tết với mọi nhà.
Đến cơ sở sản xuất bánh chưng, bánh tét của vợ chồng anh A- chị Thanh, ở khu phố 6, thị trấn Liên Hương thật tất bật, hối hả. Vừa thoăn thoắt gói bánh, chị Thanh vừa trò chuyện: “Mỗi vụTết, chỉ sợ không có sức mà làm. Năm ngoái đến tận chiều 29, tôi còn giao được bánh cho những nhà xung quanh”.
Nguồn sống chính của gia đình chủ yếu là làm bánh bán chợ và bỏ mối các nơi, Tết nào cũng vậy, lượng bánh làm ra gấp nhiều lần ngày thường nên vợ chồng anh phải huy động thêm công phụ giúp. Mỗi người mỗi việc từ việc, cật lực ngày đêm để có được những chiếc bánh thơm ngon phục vụ tết. Vì là bánh cúng ông bà tổ tiên trong ngày đặc biệt của năm nên anh chị rất chú ý đến chất lượng và khả năng bảo quản dài ngày. Từ công đoạn chọn gạo nếp, nhân và gia vị đến cách gói, hình thức từng loại bánh…đều rất kỹ lưỡng, thực hiện hết sức cẩn thận và khéo léo. Tất cả đều gợi lên sự “quê mùa” đặc trưng của loại bánh truyền thống. Chị Thanh cho biết, với các loại bánh có thương hiệu, khách hàng có thể mua giá cao nhưng không thể chấp nhận sản phẩm kém chất lượng. Hai loại bánh tét, đòn lớn (loại 1,5kg), đòn nhỏ (loại 1kg), nhân thịt (bánh mặn) có độ thơm, ngon, hợp khẩu vị được đặt hàng nhiều nhất. Những đòn bánh tét, bánh chưng màu lá xanh tươi, bắt mắt, nhân thịt ba chỉ với đậu xanh, được ướp gia vị, mặn mặn, béo béo, mềm rịu và thơm nồng mùi nếp. Để nhân bánh vào miệng, phần mỡ như tan ra trên đầu lưỡi. Vị giác cứ rân rân với độ béo béo đó. Hương vị đậm đà bùi bùi làm xao xuyến lòng mỗi người mỗi khi xuân về. “Đã 32 năm sống với nghề. Vất vả nhưng vui, vì mang sự ấm áp đến với mỗi gia đình khi tết đến xuân về”, chị Thanh tâm sự.
Chẳng những tại các cơ sở bánh chưng, bánh tét, mà các điểm làm bánh khô cũng tấp nập không kém. Với nguồn nguyên liệu đường cát, bột, mè, đậu các loại …khá phong phú tại các chợ đầu mối, người làm bánh Cốm, bánh in, bánh quế, bánh cuốn có nhiều sự lựa chọn những mặt hàng đảm bảo chất lượng, hợp vệ sinh để chế biến, sản xuất bánh phục vụ Tết. Các loại bánh này có tuổi đời trên mấy trăm năm, được lưu truyền gìn giữ. Điểm làm bánh quế, bánh cuốn của gia đình bà Nguyễn Thị Trúc, 57 tuổi ở khu phố 1, thị trấn Liên Hương tuy không lớn, nhưng xếp đặt ngăn nắp, vệ sinh từ nơi để nguyên vật liệu, dàn bếp, khuôn bánh. Bà Trúc cho biết đã gắn bó gần cả cuộc đời với nghề nên mỗi khi Tết đến trong lòng lại bồi hồi. Năm nào cũng vậy, tháng chạp là bà luôn bận tíu tít, lo chạy chợ chọn mua loại bột, đường, trứng gà ngon nhất mang về. Tự tay cân đo đong đếm, chế biến nguyên liệu, nổi bếp than hồng, lui cui đổ bánh cho năm mới. Những khách hàng quen thuộc của bà Trúc cũng thấp thỏm tới tận ngày nhận bánh. “Để có bánh thơm ngon, vệ sinh, người làm phải có cái tâm. Ngâm, rang, xay…suy cho cùng là kỹ thuật, là bí quyết gia truyền có thể học được, nhưng nếu thiếu tử tế sẽ không bao giờ sống được với nghề.”, bà Trúc giải bày.
Những năm gần đây, cùng với nhịp sống xã hội tăng nhanh, việc các gia đình tự làm bánh ăn Tết đã giảm nhiều. Nghề làm bánh Tết vì thế cũng phát triển theo. Ngoài số tiêu thụ tại địa phương, những cơ sở làm bánh tết ở Tuy Phong còn còn chuyển sản phẩm đi cho các mối quen ở các vùng lân cận. Người ta mê bánh quê không đơn thuần chuyện to, nhỏ mà một phần vì muốn có được nét quê hương trong chiếc bánh. Đây cũng là điều mà những địa chỉ làm bánh Tết ở Tuy Phong luôn giữ được một nét đẹp ngày Xuân của người Việt…Trong hương bánh Tết thơm nồng, ông Lê Văn Bảy, 67 tuổi, ở thị trấn Liên Hương bộc bạch: “Bánh chưng, bánh tét là loại bánh truyền thống của dân tộc Việt nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Có chiếc bánh ngon, cảm ơn người chăm chỉ làm ra nó”. Ông Bảy cho biết, con cháu đi làm ăn xa, một năm đoàn tụ chỉ có ba ngày Tết, có bánh tết cúng ông bà tổ tiên cho vui nhà vui cửa khi con cháu ghé thăm, đồng thời cũng để con cháu nhớ về cội nguồn dân tộc.
Tết về thơm hương bánh.
Tết đang đến gần, những người làm bánh truyền thống ở Tuy Phong đang đầy ắp niềm vui...Người dân vẫn luôn tự hào về vị ngọt riêng của bánh. Họ vẫn nói vui là nơi đây “được nước” nên bánh có hương vị đậm đà, nức tiếng gần xa. Trước sự đa dạng và phong phú của bánh kẹo được sản xuất trong những nhà máy hiện đại trong và ngoài nước tràn ngập trên thị trường, nhưng các sản phẩm dân dã truyền thống ở Tuy Phong vẫn luôn được người dân từ phố thị đến thôn quê ưa chuộng. Mỗi độ tết đến xuân về, các loại bánh này được trân trọng đặt lên mâm cỗ cúng tổ tiên hoặc làm quà, biếu tặng nhau bạn bè gần xa...
Năm nay, “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, người làm biển, làm nông nghiệp được mùa. Không đợi đến cận Tết, ngay từ đầu tháng Chạp, người dân đã tìm đến các cơ sở làm bánh để đặt mua. Nhà nhà mua bánh, ít thì bốn năm đòn bánh tét, đôi cặp bánh chưng, vài kg bánh khô, đặt lên bàn thờ tổ tiên giữa không khí trầm mặc, uy nghiêm của ba ngày đầu năm mới. Khắp cả xóm làng vui như hội, mọi người làm bánh cả ngày lẫn đêm, rồi chở đi khắp nơi, mang hương thơm đồng quê đến mọi nhà trong sự an lành, phúc lộc năm mới.
Một mùa xuân mới sắp về, tôi nghe mùi bánh Tết thoảng vấn vương trong làn gió mới.
Chị Thanh cho biết bánh chưng, bánh tét ngon thì người làm phải rất tỉ mỉ trong từng công đoạn. Những nguyên liệu như nếp, đậu được lựa chọn thật kỹ, ngâm cho nước thấm đều, luộc nhanh chín mà bánh vẫn đậm đà. Thịt heo xắt thỏi dài vuông vức góc cạnh. Tiêu, hành, muối nêm vừa ướp đều trong mỡ, thêm một ít muối trộn đều trong nếp. Lá chuối gói bánh phải thật xanh, không quá già, có mặt rộng độ bền chắc. Thao tác gói phải khéo, để nhụy bánh nằm đúng trung tâm, đòn bánh gói đẹp giữ vững hình trụ tròn đều, các nuộc lạt buộc đều nhau. Trong quá trình nấu bánh, phải giữ nước ngập bánh để không úa màu lá, giữ được sắc màu tự nhiên. Giữ lửa đều 8-10 tiếng đồng hồ làm cho bánh nhừ, giữ được lâu mà hạt nếp vẫn không “sống” trở lại. |
MINH CHIẾN