Từ năm 1998 đến nay, tuy tình hình kinh tế- xã hội của huyện có thời điểm khó khăn nhưng nhìn chung vẫn nằm trong xu thế ngày càng phát triển. Kinh tế-xã hội của huyện tiếp tục có những chuyển biến tiến bộ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng Công nghiệp - Xây dựng; Ngư - Nông - Lâm nghiệp và Dịch vụ - Du lịch; giá trị sản xuất của từng ngành đều có bước tăng trưởng khá; hạ tầng xã hội, nhất là các công trình phục vụ sản xuất và đời sống được quan tâm đầu tư; các thiết chế văn hóa từ xã đến huyện được hình thành khá đồng bộ và được củng cố thường xuyên; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm triển khai thực hiện có kết quả; đời sống và nhu cầu hưởng thụ các giá trị vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao rõ rệt.
Sau khi tiếp thu Nghị quyết TW5 (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Chương trình hành động số 20-NQ/TU ngày 29/10/1998 của Tỉnh ủy, ngày 28/11/1998, Huyện uỷ tổ chức quán triệt cho cán bộ chủ chốt của huyện, đồng thời xây dựng Chương trình hành động số 05-NQ/HU và chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết trong toàn Đảng bộ huyện nhằm đảm bảo sự đồng thuận về nhận thức, tư tưởng, hành động; nhất là tập trung phân tích làm rõ các nhiệm vụ giải pháp lớn trong nghị quyết và các nội dung đã được cụ thể hóa trong Chương trình hành động của Tỉnh ủy, của Huyện ủy.
Ảnh: Múa rồng tại lễ kỷ niệm 35 năm giải phóng Tuy Phong
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng lòng yêu nước, đạo đức và lối sống trong giai đoạn cách mạng mới cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của đảng bộ. Đại bộ phận nhân dân tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phấn khởi trước những thành tựu đổi mới của đất nước, địa phương; năng động, sáng tạo, từng bước tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; nêu cao tình làng, nghĩa xóm, trách nhiệm xã hội của người dân được củng cố và phát huy mạnh mẽ.
Việc xây dựng môi trường văn hóa, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, phát triển sự nghiệp văn hóa nghệ thuật được quan tâm. Toàn huyện được các cấp công nhận 10 di tích lịch sử văn hóa trong đó: cấp quốc gia có 4 di tích và cấp tỉnh có 6 di tích. Đã đầu tư trùng tu Tháp PôTằm, Đình Bình An (xã Bình Thạnh), Đình Long Hương (thị trấn Liên Hương), Miếu Quan Thánh (xã Chí Công). Tôn tạo và xây dựng mới các di tích cách mạng như: khu tưởng niệm Cát Bay; bia tưởng niệm Chí Công, Phan Rí Cửa và bia tưởng niệm đồng chí Lê Duẩn. Xuất bản Lịch sử Đảng bộ huyện Tuy Phong tập 1, 2; lịch sử truyền thống của các xã, thị trấn; những trận đánh hay tiêu biểu trên địa bàn huyện.
Hoạt động văn hoá, văn nghệ được tổ chức bằng nhiều hình thức, phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Duy trì xuất bản ổn định tờ tin Tuy Phong hàng quý và các số đặc biệt kỷ niệm các sự kiện lớn của huyện. Chi hội Văn nghệ huyện đã xuất bản 9 tuyển tập thơ, văn, tập ảnh giới thiệu; các hội viên trong chi hội cũng đã xuất bản 3 tập truyện ngắn và 7 tập thơ được độc giả trong và ngoài tỉnh yêu thích.
Sự nghiệp giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ tiếp tục phát triển mạnh về số lượng, chất lượng và quy mô. Cơ sở vật chất trường học được ưu tiên quan tâm xây dựng, hầu hết các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông trên địa bàn huyện đều được xây dựng kiên cố. Đến nay, toàn huyện có 63 trường (trong đó: Mầm non: 14, Tiểu học: 33, Trung học cơ sở: 14 và Trung học phổ thông: 2); có 5 trường đạt chuẩn quốc gia. Năm 2007 đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Hằng năm, tỷ lệ huy động số cháu 5 tuổi vào mẫu giáo, 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học vào học lớp 6 từ 99% trở lên; tỷ lệ học sinh Trung học cơ sở vào Trung học phổ thông đạt trên 90%. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 95%, Trung học cơ sở đạt 95% trở lên; tốt nghiệp Trung học phổ thông đạt 90%; tỷ lệ học sinh giỏi đạt từ 20 đến 30%. Đến nay, đa số cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện và cơ sở được cử đào tạo chương trình trung, cao cấp hoặc cử nhân chính trị. Trình độ ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ cho sản xuất, dịch vụ, hành chính công, học tập, giảng dạy được nâng lên, góp phần nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ảnh: Cúng vạn trên đảo Lao Câu (Tuy Phong)
Hoạt động truyền thanh- truyền hình từng bước phát triển, thông tin, phản ánh kịp thời tình hình các mặt trong huyện. Việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, bảo tàng văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc được chú trọng và phát huy. Chữ viết của dân tộc Chăm đã được nghiên cứu, biên soạn thành giáo trình và đưa vào giảng dạy ở cấp tiểu học. Các nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như trống ginăng, paranưng, kèn saranai của dân tộc Chăm, mã la của dân tộc Rắclây; nghề dệt vải, đan lát, làm gốm được gìn giữ và phát huy. Việc thực hiện chính sách văn hóa đối với tôn giáo được quan tâm đúng mức. Cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ để các tổ chức tôn giáo thực hiện việc tu bổ, tôn tạo, xây dựng các công trình tôn giáo đúng quy định của pháp luật.
Các thiết chế văn hóa được củng cố, hoàn thiện. Toàn huyện có 1 Đài Truyền thanh- Truyền hình, 1 Trung tâm Văn hoá- Thể thao; 1 Thư viện; 2 Nhà văn hoá xã (Phú Lạc, Phan Dũng); 6 Bưu điện văn hoá xã; 12/12 xã, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng và đài truyền thanh không dây. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được chỉ đạo thực hiện tập trung và xuyên suốt trong những năm qua với các nội dung vận động trọng tâm là xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn, khu phố văn hóa”, “cơ quan, đơn vi đạt nếp sống văn minh”. Trong 15 năm, đã có 320.622 lượt hộ đăng ký gia đình văn hóa, có 240.364 lượt hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 75% trên tổng số hộ đăng ký. Toàn huyện đã xây dựng khép kín 66/66 thôn- khu phố văn hoá; có 38/66 thôn- khu phố được công nhận đạt chuẩn văn hoá, 144/156, đạt tỷ lệ 92.30% cơ quan, đơn vị được công nhận cơ quan đạt chuẩn văn hóa trên toàn huyện. Quá trình triển khai thực hiện phong trào đã kết gắn chặt chẽ với phong trào thi đua yêu nước; nâng cao nhận thức về văn hóa và trách nhiệm cộng đồng trong từng người dân và từng hộ gia đình, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Các nguồn lực, phương tiện, cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa được tăng cường. Từ năm 1998 đến 2012, ngân sách huyện đã chi đầu tư xây dựng cơ bản thuộc lĩnh vực văn hoá, thông tin, thể thao là 22,5 tỷ đồng, chi cho hoạt động sự nghiệp văn hoá, thể thao, phát thanh, truyền hình là 20,2 tỷ đồng. Các cá nhân, tổ chức khác trong xã hội cũng đã đầu tư hằng trăm tỷ đồng để xây dựng các công trình văn hóa thể thao, các cơ sở vui chơi, giải trí phục vụ nhu cầu xã hội.
Các cấp ủy đảng tăng cường lãnh đạo trên lĩnh vực văn hóa, phát triển đảng trong đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ. Công tác chỉ đạo, định hướng nội dung về chính trị tư tưởng, về văn hoá đối với những hoạt động trên các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, xuất bản, truyền thanh truyền hình... được tiến hành thường xuyên. Số lượng đảng viên mới được kết nạp có trình độ đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức nghề nghiệp phát huy vai trò trong vận động quần chúng tham gia xây dựng văn hóa, huy động được đông đảo đoàn viên, hội viên, nhân dân tham gia, tạo sức mạnh tổng hợp, môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao nhận thức và hiệu quả xây dựng văn hóa trong các cộng đồng dân cư. Chi hội Văn học nghệ thuật huyện đã xuất bản 09 tuyển tập thơ, văn, tập ảnh giới thiệu về con người, danh lam thắng cảnh của quê hương Tuy Phong, óp phần phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền.
Nhìn chung, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Trung ương đã được Huyện ủy và các cấp ủy trực thuộc thực hiện nghiêm túc, chu đáo, chặt chẽ. Cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân nhận thức đầy đủ hơn về tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới. Nguồn lực đầu tư cho văn hóa ngày càng cao; tính xã hội hoá thể hiện ngày cang rõ. Các thiết chế văn hóa từng bước được củng cố và phát huy tác dụng. Hoạt động giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ; công tác tư tưởng, văn hoá- thông tin từng bước nâng dần chất lượng, đi vào chiều sâu. Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa được quan tâm và có tiến bộ rõ nét. Hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, thể thao ngày càng sôi nổi và đa dạng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, khu phố văn hóa và cơ quan văn hóa thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa của huyện được quan tâm xây dựng, có sự trưởng thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ thực tiển.
Môi trường văn hóa được xây dựng ngày càng phong phú, văn minh. Người dân có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận, hưởng thụ các giá trị văn hóa thế giới. Những nét đẹp trong văn hóa, đạo lý truyền thống của dân tộc, như tương thân, tương ái, tình làng, nghĩa xóm, cưu mang, đùm bọc nhau… được đề cao, giữ gìn và phát huy. Đa số cán bộ đảng viên và nhân dân có đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh; giữ được bản chất đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc; lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm công dân được củng cố và phát huy. Văn hóa đang từng bước thể hiện rõ vai trò là nền tảng tinh thần xã hội; góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát triển kinh tế- xã hội.
MINH CHIẾN