Có một cái Tết nhỏ trong lòng Tết lớn.
Không biết tự bao giờ, người dân vùng đất “thừa nắng, thừa gió” lại có cái “lệ” đi chơi Rằm tháng Giêng, nhưng theo các cụ cao niên thì Rằm tháng Giêng trong tâm thức người dân Tuy Phong là một ngày Tết hết sức linh thiêng, vẫn còn níu bước chân những đứa con đi xa nán lại quê nhà và nhắc nhớ mọi người dù đi đâu cũng trở về tụ họp gia đình trong ngày ấy. Thế nên đến giờ, khi cuộc sống cháu con có nhiều thay đổi, bộ mặt xóm làng khởi sắc, nhiều người vẫn rất háo hức đợi chờ cái “tết nhỏ” – Rằm tháng Giêng. Nếu như tháng Chạp đến trong khí trời lành lạnh và bao nỗi lo toan cùng niềm hân hoan đợi chờ năm mới thì Rằm tháng Giêng lại về trong làn hương ấm áp với chồi non, lộc biếc, với rực rỡ sắc hoa. Sau Nguyên Tiêu sẽ là những chia biệt, những lại bắt đầu cho một năm mới. Có lẽ vì thế mà khi đến Rằm là lòng người người trở nên chơi vơi bởi cái ý thức về một tháng Giêng ấm cúng, thiêng liêng cùng những náo nức, nhộn nhịp.
Ông Phan Văn Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết bây giờ Rằm tháng giêng không là của riêng người dân Tuy Phong nữa mà đã trở thành ngày “hội” chung của tất cả mọi người khắp tứ phương, là cái Tết nhỏ trong lòng Tết lớn của dân tộc. Theo ông Dũng, ở Tuy Phong có nhiều di tích lịch sử và thắng cảnh thiên nhiên, thích hợp cho các hoạt động vui chơi giải trí cộng đồng, thế nhưng vùng đất phong thủy khoáng đạt, nên thơ La Gàn-Bình Thạnh lại trở thành tâm điểm của cuộc vui chơi, tụ hội Rằm tháng Giêng. Có thể thấy, xứ biển mặn mòi này là sự hòa nhập huyền diệu giữa con người trước thiên nhiên cao rộng. Đó là vẻ đẹp lung linh của biển cả, bao la của đất trời, sâu lắng của núi đồi, huyền bí của hang động…Hành trình về một miền đất với nhiều di tích lịch sử và huyền thoại này không chỉ để dâng lên đức Phật một lời nguyện cầu, một nén tâm hương, mà còn có dịp thả hồn bay bổng hòa quyện với thiên nhiên ở một vùng đất địa linh nhân kiệt…Đúng ngày này, giải thể thao truyền thống vượt Đồi cát Bình Thạnh với sự tham gia của hàng trăm vận động viên và thu hút hàng ngàn người dân đến xem, cổ vũ đã góp phần làm cho không khí Rằm tháng giêng trở nên nhộn nhịp, tưng bừng.
"Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”
"Tháng giêng là tháng ăn chơi", ông bà ta nói không ngoa vì đây là thời điểm hàng loạt lễ hội cùng nhiều hoạt động văn hóa diễn ra khắp cả nước. Ðến hẹn lại lên, Tết mới vừa qua, sắc xuân còn vấn vương trong làn mưa bụi nhẹ mỏng tang lại thấy nhộn nhịp người đi chơi hội rằm tháng giêng. Sáng sớm, trên các nẻo đường dẫn đến xứ biển La Gàn, hàng nghìn người nô nức kéo nhau đi chơi Rằm. Nếu như người đi chơi tết ăn mặc quần áo đẹp, xe cộ đàng hoàng và rủng rỉnh tiền bạc trong túi là đủ, thì người đi chơi rằm tháng Giêng ngoài điều kiện đó ra còn có nhiều thứ cầu kỳ hơn mà người dân thường gọi vui, đó là: lo, chọn, vui. Có nghĩa là bất kể người ở xa, kẻ ở gần trên chuyến hàng trình, phải “lo” sẳn những thứ không thể thiếu trong cuộc chơi như thức uống và đồ ăn, thậm chí là những vật dụng bếp múc như nồi, niêu, xoang chảo…cũng được mang theo, sẳn sàng cho bữa tiệc tươi ngay tại chổ. Và, giữa trời, nước, trăng, sao đẹp hữu tình, ai cũng có quyền “chọn” cho mình một nơi lý tưởng để “vui” trong cảnh sắc mây trời...
Rằm tháng Giêng năm nay, thời tiết khá lý tưởng cho người dân lên chùa cầu an, cầu phúc. Các nơi linh thiêng như chùa Cổ Thạch, Chùa Phật học, Đình Bình An, Lăng Ông Nam Hải, Đền Cát Bay, Đền tưởng niệm Lê Duẩn… đều tấp nập người ra kẻ vào khấn bái từ sáng cho đến tận tối khuya. Theo dòng người viếng Cổ Thạch Tự-ngôi chùa do thiền sư Bảo Tạng thuộc đời thứ 40 thiền phái Lâm Tế khai sơn năm 1835 nhiều huyền thoại này chật kín người. Lối cổng vào chùa khá chật hẹp khiến hàng trăm người phải chen vai nhau để vào, nhưng ai nấy đều tỏ rõ niềm vui khi đến cửa Phật. “Lễ quanh năm không bằng Rằm tháng giêng”...Chỉ nghe qua đã thấy sự rộn ràng, nô nức của lễ rằm và lòng người hướng về cõi tâm linh trong những ngày đầu năm mới. Đây là dịp để mọi người tưởng nhớ đến tổ tiên, cội nguồn. Đến đây sẽ cảm thấy trời đất giao hòa, con người như gần gũi nhau hơn. Viếng chùa đầu năm, người ta cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình, người thân và bạn bè, cầu an, cầu tài lộc, chúc phúc, chúc nhau may mắn và thành công trong năm mới.
Nắng lên cao, khu vực bãi dương ven biển đẹp tranh vẻ từ xã Bình Thạnh đến giáp xã Chí Công gần 3 km chật kín người trong không khí rộn ràng, náo nhiệt. Dưới những cây dương gần trăm tuổi cao vút rợp bóng và làn gió biển mát rợi, từng nhóm người quây quầng bên nhau ăn uống, ca hát. Những người quanh năm chân lấm tay bùn, những ngư phủ dãi dầu sóng gió biển khơi đến những thân phận xa hương kiếm sống…gặp nhau, vui mừng, chúc nhau những ly rượu thấm tình người. Trong câu chuyện đầu năm cũng đong đầy những thành công và dự định để rồi khi cái Rằm trôi qua thì ai vào việc nấy, tiếp tục cuộc mưu sinh. Từ cuộc sống giản đơn linh hoạt theo hoàn cảnh vậy, nên người dân Tuy Phong vẫn truyền cho nhau những hơi ấm, niềm tin trong độ Rằm tháng giêng về.
Tháng Giêng ở Tuy Phong đặc biệt bởi đêm Nguyên Tiêu. Dù thời tiết có biến đổi như thế nào chăng nữa thì vào ngày ấy trời vẫn ấm áp, ánh trăng sáng trong, thanh bình giữa làn gió xuân dịu nhẹ. Ngắm vầng trăng tháng giêng, người ta không luận bàn bất cứ điều gì, chỉ mơ ước cái quầng xanh thanh khiết, dịu dàng kia sẽ mang lại một năm mưa thuận gió hòa. Tâm điểm của cuộc chơi rằm tháng giêng bắt đầu từ 3-4 giờ chiều khi khắp các nẻo đường, cảnh người xe "như nêm" nối dài đổ về khu vực Bãi đá con 7 màu. Đây là địa điểm lý tưởng nhất để tận mắt chiêm ngưỡng mặt trăng rằm đẹp như thiên thần mọc từ từ lên trên mặt biển. Trên bãi đá mát rượi gió và lao xao tiếng sóng biển, từng gia đình bồng con, dắt cháu; các đôi lứa dập dìu…chọn chổ ngồi, bày biện thức ăn, đồ uống để cho cuộc vui chơi kéo dài thâu đêm suốt sáng. Khắp bãi đá kỷ lục guinness dài hơn 1,5 km chật kín người, trở thành một sân khấu lớn đủ sắc màu hòa trong bản giao hưởng của tiếng đàn, tiếng hát, tiếng sóng biển bất tận…Gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Liên, 40 tuổi, ở thị trấn Phan Rí Cửa vui vẻ nói “Mỗi năm phải khởi đầu ngày Rằm vui vẻ thì cả năm mới thuận hòa, may mắn”. Không biết điều đó có đúng hay không, nhưng theo chị Liên thì năm nào cũng vậy trước Rằm tháng giêng là nhóm bạn của chị bàn tính, sắm sửa sẳn thức ăn, đồ uống. Đúng giờ G là “điều” mấy ông chồng chở cả gia đình về La Gàn chơi Rằm. Nhóm của chị chơi đến khi nào trăng nghiêng đỉnh đầu mới chịu về.
Theo chân những nam thanh nữ tú, thấy ai cũng đều rạng rỡ nụ cười. Lê Thanh Châu, 21 tuổi ở thị trấn Liên Hương vui vẻ, nói: “mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”, giờ Rằm tháng Giêng là tết của tụi em”. Nhóm bạn của Châu mỗi người ở mỗi địa phương và phần lớn đều là những sinh viên, tết nay về quê nán lại vài ngày để chơi rằm tháng giêng cho thỏa thích. Châu chia sẻ: “Thực ra không cần phải có nhiều tiền, đi chơi xa mới là vui vẻ. Nếu có điều kiện đi được thì tốt, không thì tổ chức dã ngoại ở ngay trên vùng đất quê mình cũng thích lắm rồi”.
Không khí Rằm tháng Giêng thấm đẫm đầy ắp sắc màu, âm thanh vui nhộn. Đến đây, thấy hội tụ đủ các thành phần từ anh nông dân, bác xe ôm, dân lao động biển, già trẻ…nhưng tất cả đều có chung mục đích là vui chơi và tìm thấy ở đó biết bao nhiêu điều bổ ích, thú vị giữa biển và trời, mây và nước, trăng thanh và gió lộng…Đặc biệt ở đây là mọi người chơi đều bình đẳng, gạt bỏ những lấn cấn về sự ganh đua, đố kỵ, nhóm này có thể giao lưu, kết bạn với nhóm khác, người lạ trở thành người quen, người không thân trở nên thân thiết…Anh Nguyễn Văn Lắm, ở Bình Thạnh cho biết, đi chơi Rằm không chỉ là sinh hoạt văn hóa truyền thống mang tính nhân văn cao, thể hiện nét văn hóa cộng đồng độc đáo mà còn là một loại hình "3 trong 1" rất tiện lợi: vừa giải trí, vừa kết bạn, vừa cầu an, chúc phúc. Theo anh Lắm thì, đã đi chơi rằm, ít ai chịu về sớm. Giao lưu vui chơi, ca hát…trắng đêm cùng trăng thanh gió mát, khi nào mệt thì ngủ ngay trên bãi biển. Cuộc vui chơi Rằm kéo dài đến khi ông mặt trời của ngày hôm sau thức giấc…
Khi những cuộc vui đã vãn, đàn chim sẻ líu ríu gọi nắng về trên những ngọn cây… ấy là lúc lòng người chơi vơi vì nỗi tháng Giêng đang dần cạn. Đi qua những thanh tân, tơ nõn, Rằm tháng Giêng lặng lẽ trở về trong nỗi tiếc nuối và mong ngóng đợi chờ của muôn ngàn con tim…
MINH CHIẾN