Những năm qua, việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống các cấp được Huyện uỷ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo sự đồng thuận về nhận thức, tư tưởng, hành động của cả hệ thống chính trị.
Trước khi có Chỉ thị số 37-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khoá XI) về việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống các cấp, đã có 7 xã, thị trấn xuất bản lịch sử truyền thống địa phương đến giai đoạn 1975, với số lượng 8 đầu sách. Cấp huyện cũng xuất bản một số đầu sách như: Lịch sử Đảng bộ huyện Tuy Phong tập I giai đoạn 1930 - 1954, Lịch sử Đảng bộ huyện Tuy Phong tập II giai đoạn 1954 - 1975; Lịch sử Đảng bộ huyện Tuy Phong tập III giai đoạn 1975 - 2000. Từ khi có Chỉ thị số 37-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khoá XI) đến nay, đã có 2 công trình lịch sử truyền thống giai đoạn 1975 - 2000 của 2 thị trấn Liên Hương, Phan Rí Cửa và quyển sách “Những trận đánh hay trên địa bàn Tuy Phong 1945 - 1975” của Ban Chỉ huy Quân sự huyện được xuất bản. Có 8 công trình lịch sử truyền thống của các xã: Chí Công, Hoà Phú, Phong Phú, Phú Lạc, Hoà Minh, Bình Thạnh, Phước Thể, Vĩnh Hảo đang được triển khai biên soạn. Riêng 2 thị trấn Liên Hương và Phan Rí Cửa đang tổ chức sưu tầm tài liệu, biên soạn bổ sung giai đoạn 2000 – 2010 để phục vụ cho tái bản lần sau. Các đầu sách lịch sử đã xuất bản cơ bản đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, nội dung mang tính thống nhất chung với lịch sử Đảng bộ huyện; đồng thời thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo riêng của từng địa phương, góp phần làm rõ thêm lịch sử của Đảng bộ huyện. Nội dung các quyển sách đã xuất bản tái hiện lại lịch sử khá đầy đủ, chân thực và sinh động hơn, khắc phục từng bước sự phản ánh xuôi chiều; có đánh giá tổng kết thực tiễn lịch sử và rút ra bài học kinh nghiệm.
Cùng với việc biên soạn lịch sử truyền thống, Huyện ủy chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giảng dạy lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống các cấp cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Lịch sử Đảng bộ địa phương được tổ chức giảng dạy cho học sinh ở các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông chủ yếu thông qua các chương trình ngoại khóa, đạt kết quả khá tốt.
Nhìn chung, 05 năm (2008 - 2013) thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI) về việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống các cấp; Ban Thường vụ Huyện uỷ đã quan tâm chỉ đạo sâu sát, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn và giúp cấp ủy địa phương tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện.
Hầu hết các cấp uỷ cơ sở, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện đã nhận thức đầy đủ hơn tầm quan trọng, vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử truyền thống. Công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử truyền thống từ huyện đến các xã, thị trấn có những chuyển biến đáng kể: trong điều kiện đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác này từ huyện đến cơ sở còn thiếu, kinh phí hoạt động còn nhiều khó khăn, nhưng đã đạt được một số kết quả nhất định. Điều đó chứng tỏ công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử truyền thống của huyện và các xã, thị trấn đã được phần lớn các cấp ủy Đảng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi. Công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử truyền thống của địa phương được quan tâm, góp phần giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào về truyền thống quê hương, cổ vũ các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của huyện đã đề ra.
Quá trình triển khai Chỉ thị 37-CT/TU, Tuy Phong rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là:
Thứ nhất : Các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở cần có sự tập trung lãnh, chỉ đạo triển khai, thuực hiện Chỉ thị số 37-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (khoá XI).
Thứ hai: Ban Chỉ đạo và Ban biên soạn lịch sử cuả các địa phương phải là những cán bộ, đảng viên có trình độ, năng lực, trách nhiệm cao, có tâm huyết với công việc, có nhận thức đầy đủ, toàn diện, hiểu biết sâu sắc về lịch sử địa phương.
Thứ ba: Cần tập trung tuyên truyền, giáo dục để nâng cao và tạo sự thống nhất về nhận thức của tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác lịch sử Đảng.
Thứ tư: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lòng tự hào, lòng tin vào Đảng và truyền thống cách mạng quê hương, đất nước trong cán bộ, đảng viên và nhân dân từ đó có ý thức tham gia sưu tầm tư liệu góp phần làm cho kho tư liệu lịch sử của đảng bộ thêm phong phú.
Thứ năm: Cấp ủy phải quan tâm chủ động đề nghị bố trí kinh phí ngay từ đầu năm trong dự toán chi ngân sách địa phương để đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ công tác này.
Huyện ủy xác định một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đó là:
1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử ở đảng bộ các xã, thị trấn. Các xã có tiến độ biên soạn chậm (Phong Phú, Vĩnh Hảo, Hòa Phú, Phú Lạc) nhanh chóng hoàn thiện bản thảo, tổ chức hội thảo, đề nghị cấp trên tiến hành thẩm định để xuất bản trong năm 2013.
2. Cấp ủy các xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch thật cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng, đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên để bảo đảm triển khai sưu tầm, biên soạn, xuất bản đúng tiến độ; tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, tìm hiểu lịch sử truyền thống của đảng bộ mình trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh trong các ngày lễ, ngày kỷ niệm của địa phương.
3. Ban Tuyên giáo Huyện ủy tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, giúp đỡ đẩy nhanh tiến độ biên soạn lịch sử truyền thống các xã; nhất là các xã tiến độ biên soạn còn chậm hoặc gặp nhiều khó khăn như: Hòa Phú, Phú Lạc, Phước Thể, Vĩnh Hảo. Xây dựng kế hoạch triển khai biên soạn lịch sử truyền thống huyện Tuy Phong giai đoạn 2000 - 2010. Xây dựng kế hoạch, phối hợp với ngành giáo dục thực hiện việc đưa lịch sử truyền thống địa phương vào các chương trình ngoại khóa trong trường học.
MINH CHIẾN