Các nội dung, công việc theo lộ trình kế hoạch cải cách hành chính được thực hiện nghiêm túc. Đáng nói là quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm của từng cán bộ, công chức có chuyển biến tích cực. Phần lớn việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ở cấp xã, cấp huyện được thực hiện khá tốt, nhiều hồ sơ giải quyết sớm hơn thời gian quy định. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ và xây dựng quy chế, trách nhiệm người sử dụng tài sản nhà nước, thực hiện chế độ trách nhiệm của người đứng đầu. Việc mua sắm tài sản công, quản lý và sử dụng tài chính ngân sách... theo đúng quy định của Nhà nước. Lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản được chỉ đạo thực hiện theo hướng tăng cường công khai, minh bạch trong các khâu quy hoạch, thu hồi, bồi thường, cấp phép, giao đất, cho thuê đất, định giá, đấu giá…162/162 cán bộ chủ chốt đã thực hiện kê khai, công khai kết quả kê khai tài sản và thu nhập theo đúng tinh thần Nghị định 78/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ quy định về minh bạch tài sản, chưa có đơn thư phản ánh về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, đầy đủ. Việc quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ cũng thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy trình, quy định của Đảng.
Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí ở Tuy Phong có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Ngoài các cấp ủy được Huyện ủy thường xuyên kiểm, Ủy ban nhân nhân dân huyện kiểm tra 03 địa phương và thanh tra 02 đơn vị trường học, đồng thời phối hợp tỉnh thanh tra 54 dự án trên các lĩnh vực dịch vụ- du lịch, nông- lâm nghiệp, kinh doanh, dịch vụ, xăng dầu và khai thác khoáng sản. Qua đó đã xử lý thu hồi 2.281.660m2 đất không sản xuất; kiến nghị tỉnh thu hồi 02 dự án. Hội đồng nhân dân tăng cường giám sát các cơ quan, ban ngành, địa phương được giao trách nhiệm quản lý kinh tế, quản lý và sử dụng ngân sách; triển khai quy hoạch và thực hiện dự án các khu dân cư; tình hình thực thi pháp luật về quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản và môi trường; xử lý, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng; thực hiện dự toán thu- chi ngân sách, quyết toán ngân sách; xây dựng cơ bản, thu hút đầu tư...Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân trong việc giám sát, phát hiện, đấu tranh với tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng tăng cường phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin các vấn đề có liên quan đến tham nhũng, kiểm soát chặt chẽ các định mức, tiêu chuẩn, quy định về việc tặng quà, nhận quà, góp phần nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính và phòng ngừa tham nhũng, lãng phí.
Điều đáng ghi nhận là cấp ủy các cấp nhận thức đúng và có quyết tâm chính trị cao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đối với tổ chức Đảng cấp dưới và đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý của cấp mình, nhất là chủ động thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa. Cấp ủy lãnh đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tăng cường công tác quản lý, giám sát đảng viên, đưa nội dung triển khai thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí vào tiêu chí đánh giá tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên hàng năm, góp phần củng cố, nâng cao lòng tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Tuy nhiên, một số địa phương, đơn vị chưa thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định; rà soát, sửa đổi, bổ sung, triển khai thực hiện các chế độ định mức về chi tiêu nội bộ còn chậm. Vai trò của xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa phát huy đầy đủ.
Từ những kết quả bước đầu, Đảng bộ huyện Tuy Phong đã xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian, đó là:
Một là, Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí" theo Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/5/2012 của Hội nghị Trung ương 5, khoá XI; Kế hoạch số 45-KH/TU của Tỉnh ủy (khóa XII), Chỉ thị số 27-CT/TU, Chỉ thị số 30-CT/TU và Chỉ thị số 40-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) và các văn bản, quy định có liên quan về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Huy động sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp đấu tranh phòng, chống tham nhũng; gắn chặt công tác phòng, chống tham nhũng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khoá XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Hai là, Tiếp tục xác định rõ trách nhiệm và đề cao vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và cán bộ, đảng viên trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại địa phương, đơn vị mình.
Ba là, Thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính; nghiên cứu đề xuất, sửa đổi, bổ sung để từng bước hoàn thiện các quy chế, quy định về quản lý kinh tế, đất đai, xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản… phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đúng quy định của pháp luật; thực hiện công khai, minh bạch các định mức tiêu chuẩn trên các lĩnh vực; chuyển đổi vị trí công tác theo định kỳ đối với các chức danh cán bộ, công chức, viên chức phụ trách các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; kê khai, công khai tài sản, thu nhập…
Bốn là, Tăng cường, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử các trường hợp vi phạm, gắn với biểu dương, khen thưởng, bảo vệ an toàn tập thể, cá nhân tích cực trong công tác tố giác, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cá nhân, tập thể thực hiện tốt việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Năm là, Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; huy động sức mạnh quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; cơ chế giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức quần chúng đối với việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách; giám sát sinh hoạt, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức. Phát huy vai trò Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, các Tổ hòa giải cơ sở và của các cơ quan thông tin, báo chí cùng toàn xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.