Mượt mà khúc hát dân ca
Với 55 thí sinh của 12 đội (11 xã, thị trấn và Hội Phụ nữ Công an huyện) được tuyển chọn từ cơ sở, biểu diễn hơn 20 tiết mục với 3 phần thi: Chào hỏi, giới thiệu về địa phương; hát ru và hát dân ca; thuyết trình chủ đề về giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa hát ru và hát dân ca trong cộng đồng. Hầu hết các tiết mục tại liên hoan đều gắn kết với tuyên truyền phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị và phong trào phụ nữ. Liên hoan mở màn ấn tượng với tiết mục hòa tấu nhạc cụ truyền thống của thị trấn Phan Rí Cửa, những cô gái xứ biển mặn mà đã làm sáng bừng sân khấu. Đặc biệt, với sự trợ giúp của các nhạc cụ truyền thống như trống, đàn, sáo… đã mở ra một không gian âm nhạc đặc sắc, có giá trị nghệ thuật cao.
Có thể nói đây là một sân khấu rất đặc biệt vì chỉ dành riêng cho phái nữ. Thế nhưng với nhiều tiết mục được giàn dựng một cách bài bản, công phu từ đạo cụ, phong cách biểu diễn đến hóa trang đã làm nên một cuộc trình diễn đầy màu sắc và ấn tượng. Chiếm ưu thế về số lượng trong Liên hoan lần này là các tiết mục cải lương, vọng cổ, các điệu lý, điệu hò... Qua từng phần thi, khán giả được đắm mình trong những cung bậc tinh túy trong kho tàng văn hóa dân gian của cha ông có từ rất xa xưa truyền lại. Ở mỗi tiết mục, các đội thi lại có sự đầu tư khác nhau về trang phục, phụ kiện, đội hình múa phụ họa… Các “nghệ sỹ không chuyên” ở nhiều độ tuổi, từ đoàn viên thanh niên đến các chị, các bà trong Hội Người cao tuổi. Và, có cả những người phụ nữ quen với đồng ruộng, bến cá, chưa một lần bước lên sâu khấu làng. Ấy vậy mà, những màn hát, đối của các “nghệ sỹ không chuyên” cũng không kém phần duyên dáng, ngọt ngào, đem đến cho đông đảo người xem hình ảnh về các dân tộc, con người, hào khí cách mạng, anh hùng và vẻ đẹp yên bình của quê hương Tuy Phong. Trong Liên hoan, các phần thi đều được đánh giá rất cao về sự sáng tạo, chất lượng cũng như sự đầu tư về mọi mặt. Các tiết hát đã thể hiện sự phong phú về nghệ thuật hát ru và dân ca, ngọt ngào, sâu lắng chứa chan tình yêu thương đất nước, con người và mang đậm bản sắc của các dân tộc, các vùng miền của đất nước. Với các màn múa minh họa khiến người xem thích thú bởi đội hình trẻ trung, đồng đều, những động tác khó được thể hiện điêu luyện, uyển chuyển, tinh tế của các diễn viên. Trang phục được chọn phù hợp, giản dị, hài hòa, gần gũi, góp thêm một bức tranh đẹp vào liên hoan. Có thể nói, mỗi tiết mục mang một sắc thái riêng nhưng đều trở thành điểm nhấn về chất lượng, lột tả được “cái hồn” câu hát ru, dân ca của dân tộc Việt Nam, về lòng tự hào dân tộc, vẻ đẹp của con người trong lao động, sản xuất, chiến đấu và dựng xây quê hương, đất nước. Đặc biệt, khán giả đánh giá cao tiết mục Cát bay thôn Đông Bình của thị trấn Liên Hương. Với phần chuẩn bị khá kỹ về đạo cụ, hoạt cảnh… đơn vị Liên Hương đã gây xúc động khán giả khi tái hiện lại cảnh đau thương vụ thảm sát của thực dân Pháp đối với hơn 300 thường dân vô tội tại thôn Đông Bình, làng cát Bay năm 1915.
Liên hoan là sự tiếp tục kế thừa, phát triển những sáng tạo nghệ thuật dân gian truyền thống nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, qua đó tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH đất nước; thực hiện học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích; môi trường thuận lợi để chị em được giao lưu, học hỏi tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng, phát hiện những hạt nhân tiêu biểu là cán bộ, hội viên, phụ nữ trong phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng.
Bà Nguyễn Thị Lai, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện cho biết: Liên hoan tuy tổ chức lần đầu nhưng rất thành công và để lại ấn tượng tốt đẹp. Với sân chơi bổ ích này sẽ khơi dậy và phát huy phong trào hát ru và hát dân ca trong các tầng lớp phụ nữ, đặc biệt là trong các hội viên trẻ, để góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời, cũng là cơ hội để xây dựng và nâng cao sự gắn kết giữa cán bộ Hội với hội viên và giữa hội viên với nhau.
Liên hoan hát ru và hát dân ca huyện Tuy Phong năm 2014 đã khép lại với giải nhất toàn đoàn thuộc về thị trấn Liên Hương; giải nhì là thị trấn Phan Rí Cửa, xã Bình Thạnh; các xã Vĩnh Hảo, Chí Công, Hòa Minh đạt giải ba. Giải tuyên truyền bằng hát ru, hát dân ca hay nhất thuộc về thí sinh Hoàng Thị Thanh Hà, ở Liên Hương với bài hát Cát bay thôn Đông Bình.
Tiết mục Cát bay thôn Đông Bình của thị trấn Liên Hương đạt giải nhất.
Giữ gìn văn hóa truyền thống
Liên hoan hát ru và hát dân ca khép lại trong dư âm lưu luyến, rất nhiều câu hỏi đang được "mở ra" đối với những người làm công tác văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống. Đó là cần tiếp tục làm cho hát ru, hát dân ca gắn bó và hiện hữu trong sinh hoạt văn hoá tinh thần của nhân dân để những câu hát ru, những khúc hát dân ca trở thành máu thịt của nhân dân, mãi trường tồn, phát triển và khẳng định giá trị độc đáo riêng có. Điều đó rất có nghĩa, trong thời đại hiện nay, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống bao giờ cũng giữ vị trí đặc biệt quan trọng mang ý nghĩa sống còn, bởi đó là tài sản vô cùng quí báu, là tinh hoa sáng tạo nghệ thuật của bao thế hệ tiền nhân, là cơ sở của sự phát triển văn hóa dân tộc trong xã hội đương đại.
Trên cơ sở những kết quả vừa thu được, một “chiến lược” đầu tư, đào tạo và bảo tồn các làn điệu dân ca, nếu được làm bài bản và chặt chẽ, có tính khoa học, sẽ giúp bảo lưu và phổ biến dân ca đến đông đảo quần chúng. Cũng như những giọng hát dân ca được đánh giá cao tại Liên hoan, nếu được quan tâm chu đáo, có thể trở thành những đại diện tiêu biểu, góp phần nhân rộng sức sống của loại hình âm nhạc lâu đời, giàu sức sống và tiềm ẩn nét đặc trưng dân tộc này.