Cái nghiệp đã gắn với đời
"A lô. Đây là Đài truyền thanh thị trấn Phan Rí Cửa...". 5 giờ sáng hay 11 giờ trưa mỗi ngày, bà con thị trấn Phan Rí Cửa đều đặn nghe giọng nóii quen thuộc ấy của ông Nguyễn Kim Chi-Phát thanh viên Đài phát thanh thị trấn Phan Rí Cửa (Tuy Phong) vang lên trên hệ thống loa truyền thanh.
Tôi gặp ông "vác loa làng" Nguyễn Kim Chi sau chương trình phát sóng. Ấn tượng đầu tiên là một con người với gương mặt phúc hậu, mái tóc hoa râm, giọng trầm ấm. Mở đầu câu chuyện với tôi, ông Chi kể bắt đầu gắn bó với công tác truyền thanh cơ sở từ năm 1976 khi mới 20 tuổi. Những ngày đầu khi đài truyền thanh thị trấn đi vào hoạt động cũng có đầy đủ bộ phận kỹ thuật, biên tập, cộng tác viên, phát thanh viên. Nhưng sau đó, vì mưu sinh, đồng nghiệp dần dần bỏ cuộc, để cuối cùng chỉ còn ông “ôm trọn gói” từ viết tin, biên tập, phát thanh, sữa chữa kỹ thuật. Thời khó khăn, có người làm việc nhà nước cũng tranh thủ bươn chải bên ngoài để kiếm thêm thu nhập, ông Chi cũng không nằm ngoài chuyện “cơm áo gạo tiền”, nhưng cái duyên với nghề phát thanh khiến ông không thể từ bỏ được. Thấy bà con ham nghe đài và với niềm đam mê cùng mong muốn giúp bà con được cập nhật thêm tin tức, đời sống tinh thần thêm phong phú, ông đã quyết định từ bỏ công việc bên ngoài và quyết tâm gắn bó với công việc phát thanh. Nhiều người bảo ông là không bình thường, là gàn dở. Nhưng bỏ qua mọi lời dèm pha, ông vẫn kiên trì với nghề đến cùng. Bà Đỗ Thị Ngọc Sơn, vợ ông Chi nói "Người ta, ai cũng làm đủ thứ việc để có đồng ra đồng vào lo cho gia đình, còn ông nhà tôi cứ cắm cúi với cái đài, cái loa. Tôi suốt ngày quần quật lo cái ăn mệt đến bở hơi tai, nhiều lúc cũng giận lắm. Vậy mà đến khi nghe tiếng "ổng" trên đài, tôi lại thấy vui, hết giận". Ông Chi nhìn vợ cười, nói “Hồi các con tôi còn nhỏ, đồng lương của tôi ít ỏi nên cái gia đình đến 5 miệng ăn sống rất chật vật. Trong khi vợ phải chạy đôn chạy đáo bán mua kiếm từng đồng để nuôi con thì tôi cứ chúi vào chuyện tin bài,loa đài. Thương vợ lắm, có lúc thấy vợ buồn, tôi cứ động viên bà ấy để tôi làm cái việc có ích cho xã hội". Kỷ niệm mà ông không quên, đó là những mùa tuyển quân năm 1977, 1978, "nhà đài" như một lực lượng xung kích mạnh mẽ, hưởng ứng lời hiệu triệu "Tiền tuyến lớn kêu gọi, hậu phương lớn sẵn sàng ", mỗi bản tin, từng buổi phát thanh đã từng ngày, từng giờ động viên thanh niên trúng tuyển lên đường làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, đặt trọn niềm tin vào ngày chiến thắng. Hôm giao nhận quân, một thanh niên đến chào ông, nói: "Con sợ chuyện lính trán lắm, nhưng nghe Đài của chú, con thấy mình có thêm nghị lực, niềm tin hơn. Con sẽ đi để làm tròn trách nhiệm". Mới đây là chương trình huy động sức dân betong hoá đường hẽm khu phố. Nghe ông tuyên truyền trên đài, một cụ già bảo: "Chú nói phải, mình góp tiền làm đường để gia đình, con cháu, bà con làng xóm mình đi, khu phố thêm sạch đẹp là chứ có lãng phí tiền bạc gì đâu".
Dẫn tôi thăm "nhà đài", ông Chi cho biết những năm sau ngày giải phóng, dân số Phan Rí Cửa khoảng 5.000 hộ với 32.000 khẩu, nhưng đã có tới 3.000 hộ có gắn loa tại gia đình (loại loa “chim ưng” của Liên Xô và loa Ba Đình - Hà Nội). Thời kỳ ấy, hoạt động truyền thanh với hệ thống loa gia đình ở Phan Rí Cửa "sung" lắm, được báo cáo điển hình cả nước. Năm 1996, đích thân Bộ Trưởng Văn hoá thông tin Trần Hoàn và đồng chí Phan Quang-Chủ tịch Hội báo chí Việt Nam về "thị sát" và đã không ngớt lời khen ngợi. Bây giờ "nhà đài" có 3 máy tăng âm (600W) phát 60 cụm loa và 1 máy vô tuyến 75W phát 20 cụm loa (mỗi cụm 2 chiếc). Đường dây hữu tuyến của đài hơn 20.000m rãi khắp 17 khu phố, đưa “Nhà đài” đã trở thành người bạn tâm tình với mọi nhà. Cơ ngơi "nhà đài" phát triển hơn, nhưng không phải việc nào cũng thuận chèo mát mái. Khí hậu vùng biển làm cho những cái loa ngoài trời hay bị gỉ sét, trục trặc. Nhiều hôm đài phát mà dân báo loa hư, ông phải tức tốc đến nơi, lụi cụi leo trèo, tháo mắc, sửa chữa để kịp cho dân nghe. Có không ít lần té ngã xây xát mình mẩy, thế nhưng, ông bảo vui lắm vì như thế có nghĩa là dân còn ghe, còn cần tiếng nói của "nhà đài".
Sinh ra và lớn lên ở làng biển nghèo, đất chật người đông. Mong muốn chống lại cái nghèo đói, cái khắc nghiệt của thiên nhiên miền biển luôn là động lực để ông Chi làm việc hết sức mình. Hàng ngày, không chỉ mở đài đúng giờ để người dân nghe được các chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PTTH tỉnh và Đài Truyền thanh huyện, ông Chi còn dành 50% thời lượng chương trình để thông tin về hoạt động của địa phương. Ngoài những cuộc họp của HĐND thị trấn hay các sự kiện chính trị, văn hoá diễn ra địa phương được ông truyền thanh trực tiếp thì cuộc họp của các tổ chức đoàn thể cũng được ông ghi âm, chọn lọc phát lại cho bà con nghe. Ông Chi bảo, trong cuộc chạy đua thông tin, sự cạnh tranh quyết liệt của các kênh truyền hình, báo chí, internet....nên đài phát thanh cũng phải chuyển mình mạnh mẽ về bản sắc, chất lượng nội dung của tất cả các chương trình phát sóng...Đài phát thanh thị trấn tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thị trấn thì phải nói làm sao để dân mình tin tưởng vào Đảng, Nhà nước mà ra sức thi đua phấn đấu xây dựng quê hương.
Tánh ông Chi cẩn thận và kỹ lưỡng, ông tránh những sơ suất dù nhỏ nhất có thể làm phiền lòng "bạn nghe đài". Ngoài việc luyện giọng để không mắc lỗi từ địa phương như "rồi-dồi" hay "ra-da"..., ông còn chuẩn bị hết sức kỹ càng cho một chương trình phát thanh, trước đó lên kế hoạch cụ thể của mỗi tuần. Nhiều hôm ông cặm cụi đến tận đêm khuya, có hôm phải thức trắng để lên “kịch bản” chương trình. Nội dung của những buổi truyền thanh khá phong phú và đa dạng gồm nhiều chuyên mục như điểm tin hoạt động của địa phương trong ngày qua; thông báo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; chuyên mục gương người tốt việc tốt, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phổ biến pháp luật, an ninh trật tự; văn nghệ, thể dục thể thao...Tất cả những tin bài đều do ông viết, hoặc khai thác, sưu tầm trên báo chí, tài liệu của cơ quan hoặc những vấn đề diễn ra trong cuộc sống hằng ngày của bà con làng biển. Ông Chi bảo thị trấn Phan Rí Cửa có gần 40 ngàn dân, phần lớn sống nghề biển, cho nên tin tức cũng phải gần gũi với bà con, giống như con cá, con tôm, con mực vậy. Hôm theo ông xuống bến tàu "săn tin" về đánh bắt hải sản, tôi mới thấy ở ông đầy chất "lửa" của một nhà báo, ông bảo "Hỏi nhiều, ghi nhiều...thì tin mới hay, bà con mới thích". Quá trình đi "tác nghiệp" ông còn thu lượm rất nhiều câu hỏi trong dân như chuyện thuế, chế độ chính sách...Những vấn đề dân quan tâm, ông đều lựa chọn đưa vào chương trình phát thanh. Riết thành quen, từ chuyện họp hành, tin tức từ trung ương xuống địa phương hay chuyện biển giã, ghe tàu, buôn bán...bà con làng biển cứ "ngóng" cả vào những chiếc loa công cộng.
Như "nghệ sỹ" đa tài
Ông Chi luôn sống với phương châm “làm việc phải có trách nhiệm”. Cho nên mọi công việc ông đều chủ động tính toán đâu đó kỹ càng. Tất cả các hoạt động phát thanh đến chụp ảnh, kẻ vẽ, trang trí...đều do ông đảm nhận nhưng chưa bao giờ để việc gì trễ nải, không đạt yêu cầu, ảnh hưởng đến việc chung. Những hội nghị, hội thi, sự kiện chính trị hay dịp lễ tết, ai cũng thấy ông chăm chỉ trang hoàng cờ phướng, pa nô, khẩu hiệu. Mọi hình ảnh, nét chữ viết sơn trên pano, áp phích hay cắt giấy dán băng rol, khẩu hiệu tuyên truyền bằng kỹ thuật thủ công của ông đều chuẩn xác, sắc xảo tựa như máy, rất thẩm mỹ, gây được sự chú ý cho mọi người. Ở cơ quan, hàng ngày, người ta vẫn thấy hình ảnh một người đàn ông cần mẫn ghi chép, cầm micrô đưa thông tin gần xa cho bà con trong thị trấn.
Chẳng học qua trường lớp sân khấu, nhưng ai cũng thán phục ông bởi cái tài biên kịch, đạo diễn các chương trình văn hoá, văn nghệ quần chúng. Hàng năm, có rất nhiều hội thi tuyên truyền các sự kiện chính trị, văn hoá xã hội, tìm hiểu pháp luật...được các tổ chức đoàn thể từ thị trấn đến khu phố tổ chức, nhưng dù ở đâu, lĩnh vực gì ông cũng đều tham gia. Chính ông là người đưa ra ý tưởng thể hiện đề tài, vừa là nhà biên kịch, đạo diễn, đạo cụ. Khi xem các tiết mục được ông dàn dựng, người ta cảm nhận ở đó sự công phu, sáng tạo tinh tế, sâu sắc của chủ đề. Những hội thi cấp huyện mà địa phương tham dự, hễ có bàn tay ông "nhúng tay" vào là ít nhiều cũng "rinh" được giải.
Khi hạnh phúc là được sẽ chia
37 năm gắn bó với Đài truyền thanh, ông Chi vẫn vẹn nguyên tình yêu với nghề. Dường như công việc thân quen mà rất đỗi giản dị đã ăn vào máu thịt của ông. Với ông, được làm công việc mà mình say mê chính là niềm hạnh phúc. Và, hạnh phúc hơn khi mình được chia sẻ thông tin với mọi người. Với tâm huyết của mình, ông Chi không coi nặng vấn đề phụ cấp lương hướng. Số tiền 1.050 ngàn đồng hàng tháng chỉ đủ cho ông cầm cự với những bữa cơm đạm bạc. Nhưng nếu cần giấy, bút, băng đĩa phục vụ cho việc truyền thanh, ông sẳn sàng chi số tiền ít ỏi đó miễn làm sao là đưa được thông tin bổ ích đến được với nhân dân. Trong quá trình công tác, ông Chi đã được tặng Huy chương vì sự nghiệp Văn hóa thông tin của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (năm 2000), Kỷ niệm chương vì sự nghiệp truyền thanh (năm 2010) và nhiều Bằng khen, giấy khen khác, nhưng ông bảo "Phần thưởng lớn nhất đối với tôi là mỗi ngày hàng ngàn người dân Phan Rí Cửa còn lắng nghe tôi nói".
Ngày nắng cũng như ngày mưa, giọng đọc quen thuộc của ông Chi vẫn đều đặn đến với bà con làng biển. Từ khi còn là giọng nói của một thanh niên tuổi đôi mươi, đến nay ông đã 57 tuổi đời. Thế nhưng đối với người dân thị trấn Phan Rí Cửa, giọng nói quen thuộc ấy gần như không có tuổi, vẫn trầm ấm và thân thuộc như một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Bao nhiêu năm nay, người dân luôn dõi theo tin tức của ông, hôm nào không nghe tiếng ông trên đài là mọi người đến thăm vì sợ ông có chuyện gì. Cán bộ, nhân viên ở thị trấn Phan Rí Cửa ai cũng yêu quý ông Chi. Hỏi ra mới biết, họ không chỉ nể phục sự tài hoa của ông mà còn ngưỡng mộ về một con người thật thà, chất phát, đầy nhiệt huyết, say mê với nghề cho dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn khó khăn. Có lẽ vì thế mà cái biệt danh ông "vác loa làng" không đơn thuần là cách gọi thân quen, triều mến mà như là sự tri ân của người dân dành cho một con người tâm huyết, gắn cả đời mình cho sự nghiệp phát thanh.
Ông Chi sống giản dị, không phô trương hình thức. Nghèo khổ nhưng con cháu của ông đều khỏe mạnh, lanh lợi, hoạt bát, chúng học được từ ông cái đức, cái nghĩa ở đời. Hỏi bây giờ ông ao ước điều gì nhất, ông trả lời: “Trời cho tôi sức khỏe, để tôi còn “alô". Ông Mai Xuân Tưởng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phan Rí Cửa nói "Ông Chi là một người rất mẫu mực, nhiệt tình, không hề ngại khó khăn. Đài phát thanh ở thị trấn Phan Rí Cửa hoạt động tốt có công rất lớn của ông".
37 năm qua, Đài phát thanh thị trấn Phan Rí Cửa mà ông Chi đảm nhận đã trở thành món ăn tinh thần mỗi ngày không thể thiếu của người dân làng biển. Đến giờ, dù sức khoẻ không được tốt, nhưng ông vẫn chưa bao giờ nghĩ sẽ từ bỏ nghiệp "vác loa làng"- tình yêu mà ông đã dành trọn cuộc đời, để nét hồn quê mãi lưu giữ trong lòng mỗi người dân Phan Rí Cửa.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, 50 tuổi, ở khu phố Song Thanh 3 nói “Nghe tiếng đài thị trấn, bà con chúng tôi hiểu biết nhiều hơn. Mọi sinh hoạt hàng ngày đều dựa vào lịch phát sóng đều đặn của đài. Buổi sáng nghe khúc nhạc dạo đầu cho buổi phát sóng, người lớn dậy ra biển, mở hàng buôn bán; trẻ em thức giấc chuẩn bị cắp sách tới trường. Trưa nghe tiếng đài, bà con trở về với mái ấm gia đình sau một buổi làm việc tất bật. |
MINH CHIẾN