Theo đó, trong tộc họ Lê ở Bình Thạnh (Tuy Phong) hiện còn lưu giữ một số hiện vật, tài liệu có nội dung liên quan đến hải đội Trường Sa và Hoàng Sa của triều đình nhà Nguyễn (gồm 7 bằng sắc, trong đó có 2 sắc phong của vua Tự Đức và 5 sắc chỉ của Tuần vũ Bình Thuận và Khánh Hoà từ thế kỷ XIX, phong chức và giao nhiệm vụ cho 2 anh em ông Lê Non và Lê Văn Châm chỉ huy và điều động lính thủy binh làm nhiệm vụ giữ gìn hải phận vùng biển đảo từ Khánh Hòa đến Bình Thuận). Các bằng sắc trên đều viết bằng chữ Hán Nôm trên loại giấy dó, còn khá nguyên vẹn suốt 165 năm qua. Hiện nay do ông Lê Nhự (là hậu duệ đời thứ 5 của cụ Lê Non và Lê Văn Châm), cư trú tại khu phố 9 thị trấn Liên Hương (huyện Tuy Phong) cất giữ. Những bằng sắc này không chỉ là kỷ vật của ông bà trong tộc họ Lê để lại cho con cháu, mà còn là di vật, hiện vật và tài liệu lịch sử quý báu của quốc gia, góp phần minh chứng cho chủ quyền của Nhà nước phong kiến Việt Nam trên vùng biển đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong lịch sử.
Ngoài ra, tại xã Bình Thạnh, trong khu mộ của tộc họ Lê còn có 02 ngôi mộ của 2 ông Lê Non và Lê Văn Châm và trong chùa Bình An có Đền thờ thủy binh còn lưu giữ những bài vè, bài thơ ca ngợi thủy binh lúc bấy giờ. Đây là những hiện vật, tài liệu quý hiếm cần được bảo quản, lưu giữ và khai thác phát huy giá trị của nó.
Được biết, Bình Thuận sẽ đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ khoa học Bộ sưu tập về Cai đội thủy binh ở Bình Thuận (gồm: 02 sắc phong của vua Tự Đức và 5 sắc chỉ của Tuần vũ Bình Thuận và Khánh Hoà ban cho 2 anh em ông Lê Non và Lê Văn Châm; Đền thờ thủy binh – Đình làng Bình an, Bình Thạnh; mộ của ông Lê Non và ông Lê Văn Châm - ở Bình Thạnh - đó là chứng tích lịch sử, ghi danh người có công với nước).