Vì màu xanh cây lúa…
Chúng tôi có mặt tại gia đình anh Huệ lúc 17 giờ. Anh Tâm, Tổ trưởng Tổ thủy nông nội đồng của HTX Long Điền II (Tuy Phong) cùng anh Huệ và một anh nữa tên là Sánh, chuẩn bị nước uống, cuốc, đèn pin để mang theo khi đi trực phiên nước đêm.
Mặt trời khuất dần sau ngọn núi, bóng tối lan phủ xuống cánh đồng lúa đang thì con gái, cũng là lúc chúng tôi lên đường. 3 thủy nông viên bước nhanh trên bờ những con mương nhỏ. Bóng họ chìm dần khi màn đêm buông xuống. Với chiếc đèn pin trên tay, các thủy nông viên vượt qua nhiều bậc ruộng, bờ mương, cần mẫn cuốc đất be bờ, hì hục nhặt vật cản, rác cục bộ dưới lòng mương, cũng như có lúc khom lưng giậm lại lỗ mậu quanh bờ ruộng. Đưa cuốc mở họng mương cho nước vào một đám ruộng, anh Huệ vừa cuốc vừa nói với tôi: Nghề “theo nước” này tuy đơn giản nhưng phải chịu khó, kỹ tính. Ông bà ta nói “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”...Cho nên từ lúc cày ải, gieo sạ, bón phân cho đến khi lúa làm đòng…thì nước phải luôn đầy đủ, đảm bảo cho cây lúa phát triển, hạn chế dịch bệnh, cho năng suất cao”… Làm việc giữa đêm tối, nhưng anh Huệ thuộc từng thửa ruộng, biết thửa nào vừa bón phân, xịt thuốc để không nhầm lẫn khi cấp nước. Đôi chân anh cứ vòng đi vòng lại nhiều lần trên bờ ruộng, trên tuyến kênh để điều tiết dòng nước mạnh, yếu vào từng chân ruộng, kịp thời phát hiện giậm bịt những lỗ mậu thất thoát nước... Cứ thế, dấu chân của 3 thủy nông viên đã kịp để lại trên bờ những con mương, bờ ruộng ngay trong đêm.
Tôi nói cái nghề cơ cực quá, sao anh không chọn nghề khác, anh Huệ cười. Anh bảo: “Cái nghề nó vận vào tôi rồi, không bỏ được. Việc làm tuy dễ mà khó, nhiều người không chịu nổi phải bỏ. Thức trắng đêm lặn lội giữa đồng không hiu quạnh, nếu rủi xảy ra đau ốm bất ngờ hay bị rắn độc cắn thì chẳng biết kêu ai”. Anh kể lúc mới vào nghề, do mất ngủ triền miên khiến anh rất khổ sở, nhiều đêm ngồi bờ mương canh con nước mà hai mắt cứ nhắm nghiền lại, nhưng sợ nước tràn đâu có dám ngủ. Có lúc ngủ từ trong bụng ngủ ra, ngồi trên bờ mà lọt tỏm xuống mương lúc nào không hay. Thấy nghề vất vả mà thu nhập thấp, người ta khuyên anh đổi nghề, nhưng anh lại bảo tôi sinh ra, ruộng đồng nuôi tôi lớn, giờ sao có thể bỏ ruộng mà đi. Niềm vui của anh là được đắm mình trong cái màu xanh ngút mắt của ruộng đồng và hương lúa thơm nồng.
Anh Huệ và anh Sánh.
Tổ thủy nông nội đồng của anh Huệ được giao làm nhiệm vụ điều tiết nước sản xuất 23 mẫu ruộng thuộc HTX Long Điền II. Bất kể sáng tối, ngày nắng cũng như ngày mưa, đôi chân các anh vẫn thoăn thoắt ngược xuôi trên khắp cánh đồng để giữ trọn màu xanh cho cây lúa. Anh Huệ bảo rằng, “ăn nhau” là cái tình, cái đức trong nghề và quan trọng nhất là được bà con nông dân tin tưởng. “Cầm cái cuốc cho nước từ mương vào ruộng hay tháo nước từ ruộng ra mương…là thao tác đơn giản ai cũng làm được, nhưng nếu thiếu tử tế sẽ không bao giờ sống được với nghề”- anh Huệ giải bày. Cho nên bao năm trời, anh vẫn vẫn bám trụ mảnh đất quê hương mình với trăm thứ khó, ngàn thứ thiếu. Anh Huệ nghĩ, kết quả công việc của anh được thể hiện bằng năng suất cây lúa khi thu hoạch. Làm sao mỗi mùa vụ, bà con nông dân được bội thu, vậy là anh đã thành công.
Trong đêm tối hiu quạnh giữa đồng hoang, những người thủy nông viên nội đồng vẫn âm thầm làm việc. Chỉ chiếc mũ lá đội trên đầu, cuốc vắt trên vai và tấm áo ướt đẫm mồ hôi… họ dấn bước trên đồng ruộng để gánh trách nhiệm lo toan mùa vụ. Anh Tâm, tổ trưởng nói: “Một năm 3 vụ lúa, chẳng ngày nào chúng tôi dám nghỉ. Mùa mưa thì không lo thiếu nước mà lo việc kiểm tra, tu bổ kênh mương phòng sạt lở”. Mùa nắng hạn này, lịch làm việc của Tổ thủy nông là từ 5 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Mỗi đêm thức trắng như vậy, tổ của 3 anh cũng chỉ cấp nước được cho 2 - 3 mẫu ruộng. Nhưng để được chừng ấy diện tích, mỗi người trong tổ phải đi bộ trên 20 cây số khắp đường đồng.
23 giờ, sau gần 6 tiếng đồng hồ đi dọc hơn 10 km tuyến kênh tỏa ra các chân ruộng, chúng tôi dừng chân nghỉ tạm trên con đường xuyên đồng. Lúc này, không gian trở nên vắng ngắt, tiếng côn trùng kêu rả rích. Những chai nước được đưa lên miệng tu ừng ực. Sau những hơi thuốc dài, ai cũng ngửa cổ nhìn bầu trời dày đặc vì sao, rồi chặc lưỡi. Chẳng nói ra, nhưng tôi hiểu trong lòng các anh đang đông đầy nỗi lo, bởi cái nắng vẫn cứ hầm hập dội xuống, nước từ các công trình thủy lợi về cũng chưa nhiều, trong khi lúa đã hơn tháng tuổi, còn gần 2 tháng nữa lúa mới chín.
Những người thầm lặng…
Giữa màn đêm tĩnh mịch, 3 con người lặng lẽ đưa từng dòng nước mát vào từng cánh đồng. Mỗi người trong họ, mỗi tính cách khác nhau nhưng đều vì màu xanh và năng suất cánh đồng. Dường như bao nhiêu phiền toái, nỗi lo ở gia đình khi ra đến ruộng 3 anh đều quên hết? Chỉ sáng mai ra khi vác cuốc từ ruộng trở về họ mới thật sự đối diện với những điều chưa được trong cuộc sống riêng của mỗi người. Chẳng hạn như anh Huệ. Đến nay ngoài 40, nhưng anh cùng vợ và mấy đứa con còn phải sống trong căn nhà vách đất cạnh đồng. Anh Huệ cho biết, một vụ lúa cần ít nhất 14 - 18 phiên nước. Tiền công “theo nước” của tổ là 1 triệu đồng/ mẫu, nhưng đó là 3 tháng ròng rã. Để kiếm thêm thu nhập lo gia đình, ngoài việc “theo nước”, anh bươn chải làm thuê. Hoàn cảnh của anh Sánh cũng đượm nỗi buồn. Một thân một mình rời quê từ Phan Rang vào đây lập nghiệp, anh phải chắt chiu từng đồng để gửi về gia đình. “Hễ cứ đến mùa vụ là tôi đi riết. Chuyện con cái, gia đình đều giao cho vợ. Nghĩ mà thương vợ nhiều lắm” - anh Sánh nói mà mắt nhìn về hướng xa xăm.
Trở về nhà anh Huệ khi đồng hồ đã điểm 0 giờ, các thành viên ăn vội gói mỳ tôm để tiếp tục băng đồng, đưa nước vào ruộng. Và, ca trực của các anh sẽ tiếp tục đến sáng hôm sau.
Cảm ơn người theo nước
Ông Cao Thanh Quang, nông dân HTX Long Điền II cho biết: “Từ khi có tổ thủy nông nội đồng, nông dân yên tâm hơn với mảnh ruộng của mình. Khâu nước đảm bảo cộng với công chăm sóc tốt nên lúa vụ nào năng suất cũng cao, thu nhập khấm khá từ lúa nên người nông dân rất phấn khởi”.
|