Toàn huyện đã thành lập 14 tổ chức hội quần chúng với 39.502 hội viên. Cụ thể, 11 tổ chức hội quần chúng huyện có tính chất đặc thù theo Quyết định số 1030/QĐ-UBND ngày 30/5/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh; trong đó, có 05 tổ chức hội được giao chỉ tiêu biên chế (Hội Chữ thập đỏ: 03 biên chế, Hội Đông y: 02 biên chế, Hội Luật gia: 01 biên chế, Hội Người mù: 01 biên chế, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi: 01 biên chế); 06 tổ chức hội có chế độ thù lao cho các trường hợp giữ các chức danh chủ tịch hệ số 3,20, phó chủ tịch hệ số 3,00 so với mức lương cơ sở (Hội Khuyến học, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi, Hội Cựu tù chính trị, Hội Cựu thanh niên xung phong và Câu lạc bộ hưu trí) và 03 tổ chức hội không có tính chất đặc thù và không có chế độ thù lao (Hội Thân nhân kiều bào, Hội Cựu giáo chức, Hội Làm vườn). 01 tổ chức hội (Hội Chữ thập đỏ) có phạm vi hoạt động trong các cơ quan đơn vị; 11 tổ chức hội hoạt động ở xã, thị trấn và có 316 chi hội. Tổng số cán bộ, viên chức làm việc tại các hội quần chúng là 33, trong đó kiêm nhiệm là 5 (1 chủ tịch và 4 phó chủ tịch). Trong 05 năm qua, toàn huyện đã kết nạp được 04 đảng viên trong các hội quần chúng; tổng số đảng viên trong các hội quần chúng hiện có 136/2.860 đảng viên, chiếm 4,76 % so với tổng đảng viên toàn Đảng bộ huyện. Trong đó, có 27 đảng viên là cán bộ, công chức cấp huyệntham gia sinh hoạt trong các hội quần chúng huyện và 109 đảng viên các hội quần cơ sở đang sinh hoạt ở chi bộ thôn, khu phố; có 03 đảng viên các hội quần chúng huyện sinh hoạt ghép tại Chi bộ Hội Chữ thập đỏ (Hội Chữ thập đỏ: 02 đảng viên, Hội Đông y 01 đảng viên). Kết quả xếp loại chi bộ Hội Chữ thập đỏ năm 2014, 2015, 2018 hoàn thành tốt nhiệm vụ, năm 2016, 2017 trong sạch, vững mạnh.
Các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng. Chỉ đạo chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể tăng cường công tác quản lý Nhà nước; củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, tạo điều kiện để các hội quần chúng hoạt động (về cơ sở vật chất, phương tiện, trụ sở, kinh phí); đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; thực hiện vai trò dân chủ đại diện, tham gia giám sát và phản biện xã hội theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan các tổ chức hội quần chúng ở địa phương. Quan tâm chỉ đạo củng cố tổ chức các hội quần chúng từ huyện đến cơ sở (đặc biệt thông qua đại hội hết nhiệm kỳ; đại hội thành lập mới các hội quần chúng) đảm bảo biên chế, hoạt động hiệu quả; phân công, giới thiệu cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức, có tâm huyết, có năng lực vận động quần chúng để các hội bầu vào ban chấp hành, ban thường vụ.
Công tác quản lý Nhà nước đối với các hội quần chúng được Ủy ban nhân dân huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên theo Nghị định số 45/2010/NĐ- CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan chức năng tỉnh. Hàng năm, Ủy ban nhân dân huyện ban hành các kế hoạch chuyên đề chỉ đạo việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và kiểm tra công tác đối với các hội quần chúng huyện; rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy từ huyện đến cơ sở; tổ chức đại hội hết nhiệm kỳ; bố trí, sắp xếp các chức danh chủ chốt phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; đến nay, có 14/14 tổ chức hội quần chúng huyện bố trí đủ các chức danh chủ chốt và hoạt động ổn định. Đã cân đối ngân sách và cấp hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với mỗi tổ chức hội quần chúng huyện là 20.000.000 đồng/năm; hội quần chúng cấp xã, thị trấn là 2.000.000 đồng/năm; kinh phí tổ chức đại hội hết nhiệm kỳ; kinh phí mua sắm tài sản cần thiết phục vụ cho hoạt động của tổ chức hội.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị- xã hội huyện thường xuyên phối hợp với các hội quần chúng huyện trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương như “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Xung kích phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ Tổ quốc”,... nhờ đó vai trò của các hội quần chúng ngày càng được phát huy trong việc tập hợp, đoàn kết, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và nâng cao tính tự quản của cộng đồng dân cư, thông quan việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quyền ứng cử, lựa chọn trong bầu cử, giám sát.
Các đoàn thể chính trị- xã hội huyện cử cán bộ lãnh đạo tham gia vào ban chấp hành, ban thường vụ các hội quần chúng huyện; phối hợp vận động đoàn viên, hội viên tham gia phong trào, đóng góp quỹ, cuộc vận động do các hội quần chúng huyện chủ trì vận động như: Quỹ khuyến học tiếp bước cho em đến trường; bếp ăn từ thiện; hiến máu nhân đạo; tặng nhà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ kinh phí hoạt động nhân đạo.