Những kết quả đạt được
Hơn 4 năm (2012 – 2015), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giá trị sản xuất các sản phẩm CN-TTCN chủ yếu đạt 12,42% (năm 2013 tăng 10,30% so với năm 2012, năm 2014 tăng 14,48% so với năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2015 tăng thêm 12,47% so với cùng kỳ năm 2014). So với mục tiêu Nghị quyết đề ra là hàng năm tăng trưởng trên 17,77%/năm. Tỷ trọng ngành sản xuất công nghiệp trong cơ cấu kinh tế chung của huyện phát triển theo hướng tích cực; cơ cấu ngành công nghiệp – xây dựng đến năm 2015 chiếm tỷ trọng 44,75%, so với mục tiêu Nghị quyết là 40,6%.
Đến nay đã cơ bản gần đạt chỉ tiêu chủ yếu về cung cấp điện; tính đến tháng 6/2015, tổng số hộ được cấp điện là 33.090/33.238 hộ, đạt tỷ lệ 99,55%; so với chỉ tiêu Nghị quyết là đến cuối năm 2015 có 100% hộ sử dụng điện trên toàn huyện. Về chỉ tiêu sử dụng nước sạch: tính đến tháng 6/2015, số hộ dân ở vùng đô thị sử dụng nước sạch là 15.273/15.511 hộ, chiếm tỷ lệ 98,47%; so với chỉ tiêu Nghị quyết là đến cuối năm 2015 có 100% hộ dân vùng đô thị sử dụng nước sạch. Số hộ dân ở vùng nông thôn sử dụng nước sạch là 16.769 hộ/17.727 hộ, chiếm tỷ lệ 94,60% số hộ ở nông thôn; so với chỉ tiêu Nghị quyết là đến cuối năm 2015 có 95% hộ dân vùng nông thôn sử dụng nước sạch.
Việc thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp được triển khai tích cực, trong đó Cụm công nghiệp Nam Tuy Phong (54ha) đã giao cho Công ty Cổ phần Nam Mỹ đầu tư chế biến bộ cá với diện tích 3ha, đạt tỷ lệ 5,56%; Cụm công nghiệp Bắc Tuy Phong (17,84ha) đã giao cho Công ty may Bình Thuận – Nhà Bè với diện tích 4,7 ha, đạt tỷ lệ 26,35%; Cụm công nghiệp Hòa Phú (5,72ha) đã được nhà đầu tư là Công ty TNHH nước đá Ngọc Mai phối hợp thực hiện xong công tác giả tỏa đền bù trong cuối năm 2014 với diện tích 4,25ha, đạt tỷ lệ 74,30%. Với kết quả thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp nêu trên, đến nay chỉ đạt khoảng 10%, so với chỉ tiêu Nghị quyết là đến cuối năm 2015 thu hút đầu tư đạt tỷ lệ 50% diện tích quy hoạch các cụm công nghiệp. Ngoài ra, Khu công nghiệp Tuy Phong (150ha): đã giao cho Công ty Tân Đại Tiền Bình Thuận tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bên trong hàng rào với diện tích 150ha.
Song cũng nhìn nhận thực tế rằng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giá trị sản xuất các sản phẩm CN-TTCN chủ yếu chỉ đạt hơn 12%/năm, so với mục tiêu Nghị quyết đề ra là phấn đấu đạt trên 17,77%/năm. Chưa cân đối được ngân sách từ 3 – 5% tổng vốn đầu tư xây dựng để bố trí đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào các cụm công nghiệp. Kết quả thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp đến nay chỉ đạt khoảng 10%, so với chỉ tiêu Nghị quyết là đến cuối năm 2015 thu hút đầu tư đạt tỷ lệ 50%...
Giải pháp để phát triển CN-TTCN trong thời gian tới
Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/HU ngày 10/12/2012 của Huyện ủy về phát triển CN – TTCN trên địa bàn huyện giai đoạn 2012 – 2015 là nhiệm vụ rất quan trọng; đồng thời tiếp tục đề ra Nghị quyết thực hiện giai đoạn 2015-2020. Trong đó, tập trung các giải pháp như sau:
1. Tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào cụm công nghiệp chế biến hải sản Hòa Phú, cụm công nghiệp Nam Tuy Phong; hạ tầng bên trong hàng rào của cụm công nghiệp Bắc Tuy Phong.
2. Phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành việc đầu tư xây dựng các nhà máy của các dự án nhiệt điện, phong điện, điện mặt trời, nhà máy sản xuất gạch không nung từ xỉ than để sớm đưa vào sử dụng. Đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Tuy Phong.
3. Tổ chức di dời các cơ sở chế biến hải sản gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, như: các cơ sở sản xuất nước đá, chế biến hải sản, giết mổ gia súc vào các cụm công nghiệp tập trung.
4. Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư hạ tầng ngoài cụm công nghiệp; phát huy hiệu quả nguồn vốn khuyến công để hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở sản xuất CN-TTCN đầu tư mở rộng, nâng cấp dây chuyền, công nghệ sản xuất để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhất là các cơ sở sản xuất các sản phẩm lợi thế của huyện như: chế biến sản phẩm từ mủ trôm, tảo, nước khoáng, muối và chế biến hải sản.
5. Chú trọng đào tạo nhân lực có tay nghề cao cung ứng cho các ngành nghề mới như nhiệt điện, phong điện, điện mặt trời, chế biến sản phẩm từ mủ trôm và tảo.
6. Đẩy mạnh công tác giới thiệu quảng bá các sản phẩm có lợi thế của huyện. Thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường mới, hướng đến thị trường xuất khẩu.
7. Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch các quy hoạch, các danh mục khuyến khích thu hút đầu tư, lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư để nhà đầu tư tham gia lựa chọn.