Với nhận thức đó, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể từ huyện đến xã, thị trấn đã kịp thời quán triệt, tập trung xây dựng nghị quyết, kế hoạch và đề ra các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể thực hiện công tác giảm nghèo. Công tác giảm nghèo được sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh và các nhà hảo tâm. Các chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm đã được các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện; kết cấu hạ tầng để phục vụ cho phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội huyện nhà như: điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, chợ, hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt, các thiết chế văn hoá thể thao…được quan tâm đầu tư, mang lại hiệu quả tích cực. Các chương trình công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất nông- lâm-thủy sản được chú trọng, cơ cấu cây trồng, vật nuôi tiếp tục chuyển đổi theo hướng tích cực góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và thu nhập cho hộ nghèo. Công tác quản lý, sử dụng đất sản xuất; giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được duy trì, đem lại hiệu quả thiết thực. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ; người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng các chế độ chính sách về y tế, giáo dục, đào tạo nghề...theo quy định. Công tác giảm nghèo, giải quyết nhà ở cho người nghèo được quan tâm, từng bước xã hội hoá. Các phong trào thi đua ở địa bàn thôn, khu phố; nêu gương “Người tốt, việc tốt” được đẩy mạnh, góp phần làm chuyển biến nhận thức của một số bộ phận hộ nghèo để phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo.
Tuy Phong có 12 xã, thị trấn, hơn 34.400 hộ, dân số gần 153.000 người. Đầu năm 2011, tổng số hộ nghèo toàn huyện là 4.835, chiếm tỷ lệ 15,7% đến cuối năm 2014 hộ nghèo giảm xuống còn 1.623 hộ (tỷ lệ 4,7%); bình quân mỗi năm giảm 803 hộ (tỷ lệ 2,75%); ước đến cuối năm 2015, hộ nghèo toàn huyện còn 1.073 hộ, chiếm tỷ lệ 3,11% so với tổng số hộ toàn huyện (vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra còn dưới 4%). Trong 04 năm qua, toàn huyện đã vận động được 3.589.744.977 đồng/ 2.850.000.000 đồng, đạt 125,96% chỉ tiêu tỉnh giao và kế hoạch của huyện đề ra; cùng với nhiều nguồn kinh phí hỗ trợ khác, huyện đã xây dựng 836 nhà ở cho hộ nghèo, đạt 142,7% chỉ tiêu kế hoạch đề ra (586 hộ), với tổng kinh phí thực hiện là 41.823,7 triệu đồng. Đã cấp 70.695 thẻ BHYT cho người nghèo và người thoát nghèo; 99.001 học sinh được hỗ trợ chi phí học tập với số tiền 38.297,8 triệu đồng; 8.026 sinh viên được cấp bù miễn, giảm học phí với kinh phí 14.015,8 triệu đồng; 19.382 lượt hộ nghèo vay vốn với tổng dư nợ 183.205 triệu đồng. Cùng với đó, huyện đã đào tạo nghề cho 7.273/ 6.805 lao động, đạt 106,88% chỉ tiêu tỉnh giao; giải quyết việc làm cho 11.746/ 9.800 lao động, đạt 119,86% chỉ tiêu kế hoạch.
Từ thực tiễn 5 năm qua, để thực hiện mục tiêu của giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,2 - 1,5%/năm (theo chuẩn mới), Tuy Phong xác định một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành, chỉ đạo của chính quyền, sự phối hợp của Ủy ban MTTQVN và các tổ chức đoàn thể từ huyện đến xã, thị trấn đối với công tác giảm nghèo. Tổ chức thực hiện tốt công tác rà soát, điều tra hộ nghèo để có biện pháp phù hợp theo quy định. Phát huy trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và đơn vị trong hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo.Thực hiện công khai, minh bạch trong bình xét hộ nghèo.
Thứ hai, chủ động làm tốt công tác truyền thông các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo, cận nghèo, động viên người nghèo tự vươn lên thoát nghèo; Đẩy mạnh phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”.
Thứ ba, tập trung đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở các xã nghèo, khu vực miền núi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và khuyến công; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất; tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nhân dân, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp đạt hiệu quả; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, rừng, biển và khuyến khích phát triển, mở rộng quy mô dịch vụ, sản xuất, chế biến các ngành nghề có thu hút nhiều lao động./.