Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự thống nhất cao kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai, thực hiện việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Qua 10 năm triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện trong điều kiện không ít khó khăn về điều kiện, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống xã hội, nguồn lực đầu tư phát triển, nhưng với sự nổ lực của cấp ủy, các ngành từ huyện đến địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về phong trào thi đua “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhằm phát huy vai trò chủ thể của nhân dân tích cực hưởng ứng, góp sức xây dựng nông thôn mới, từ đó làm chuyển biến bộ mặt thay nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần nhân dân được nâng lên; các nguồn lực được huy động xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020 là 3.491.473 triệu đồng; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh như sửa chữa, nâng cấp 59,714 km đường giao thông, 5,493 km kè biển, thi công, nâng cấp 4 công trình thủy lợi, đầu tư, cải tạo hệ thống đường dây hạ thế, xây dựng mới, sửa chữa 198 phòng học, phòng chức năng và 22 công trình phụ trường học, 23 công trình nhà văn hóa xã, 17 trạm y tế, 16 công trình cấp nước, 4 chợ nông thôn, 13 nhà làm việc công an, quân sự các xã; nông nghiệp tiếp tục được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm, một số mô hình được hình thành, bước đầu mang lại hiệu quả nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân, có 10 hợp tác xã, 12 tổ hợp tác nông nghiệp và 60 tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển; các chương trình về giảm nghèo (năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo là 7,05% đến năm 2018 là 2,6%), giáo dục (huy động học sinh vào đầu cấp học đạt chỉ tiêu), đào tạo nghề cho lao động (6.787 học viên/226 lớp, tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt trên 45%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên 94,07%), chính sách an sinh xã hội thực hiện tốt; hệ thống chính trị được củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả điều hành, quản lý của chính quyền; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được tập trung, giữ vững.
Tuy nhiên, do xuất phát điểm thực hiện xây dựng nông thôn mới ở một số xã còn thấp về điều kiện, kết cấu hạ tầng, nguồn lực; một số quy định của các tiêu chí chưa phù hợp với tình hình thực tế của từng vùng; quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, phối hợp của một số ngành, địa phương chưa tập trung đúng mức nên tiến độ thực hiện các tiêu chí chậm, kết quả chưa cao, một số tiêu chí đạt nhưng chưa mang tính bền vững.
Do đó, nhiệm vụ, mục tiêu trong thời gian tới phải giữ vững và phấn đấu đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới; chú trọng triển khai đồng bộ các tiêu chí; đưa nội dung xây dựng nông thôn mới trở thành nhiệm vụ chính trị của các địa phương, các ngành có liên quan; các ngành xây dựng kế hoạch gắn với các giải pháp, nhiệm vụ khắc phục triệt để các vướng mắc, tồn tại hạn chế trong thời gian qua; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân gắn với phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”.