Những ngôi nhà trăm năm tuổi…
Chúng tôi đến thăm ngôi nhà khá to và bề thế nằm ngay đầu làng, mang tên Hiệp Bửu được xây dựng từ năm 1903 của ông Phạm Ngọc Thuận, 85 tuổi. Trên 116 năm tuổi, nhưng nét cổ kính của ngôi nhà vẫn trường tồn với thời gian. Nhà được xây dựng theo lối kiến trúc phối hợp đông - tây, với vòm cửa vòng cung, tường vôi mái ngói âm dương, ngôi nhà này dùng gỗ quý, kể cả tủ bàn, những kèo cột, hoành phi được chạm trổ hoa văn tinh xảo. Nếu có ai hỏi mua bao nhiêu cũng không bán, tất cả những thứ trong ngôi nhà và cả ngôi nhà đều trở thành vô giá, nên phải giữ gìn để lại cho con cháu thờ cúng ông bà, tổ tiên – ông Thuận tâm sự
Cách nhà ông Phạm Ngọc Thuận không xa là khu nhà cổ của ông Phạm Hữu Đông - một trong những mẫu nhà hiếm hoi còn sót lại trên một thửa đất rộng với cổng và tường rào kiên cố bao quanh. Đây còn là nơi lưu giữ những giá trị vật chất và tinh thần quý giá qua nhiều đời con cháu.
Trong nhiều “cây đại thụ” ở xã Bình Thạnh, thì ông Nguyễn Phú Đức là người có rất nhiều đóng góp, trực tiếp sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn nhiều sử sách cho vùng đất Bình Thạnh. Năm nay ở tuổi 86, nhưng ông vẫn còn khá minh mẫn, nhớ rõ về những thăng trầm của vùng đất này. Ông Đức cho biết, xã Bình Thạnh được tạo lập vào khoảng năm 1692, thời Hậu Lê rối ren, một số cư dân đàng trong, đàng ngoài phải rời bỏ quê hương tìm vùng đất mới. 4 họ Lê, Nguyễn, Huỳnh, Phạm đến tụ cư nơi đây và đặt tên là “Bình An Thôn”, sau đổi Bình Thạnh với ý nghĩa là bình an và thịnh vượng. Đến Minh Mạng lục niên (1825), Bình Thạnh có tên là La Gàn, sau này Pháp còn gọi là Lagar.
Ông Đức kể, La Gàn từng là biết đến là một làng cổ hình thành sớm nhất của Bình Thuận phủ, chẳng khác gì “phố cổ Hội An” thu nhỏ. Làng cổ có cấu trúc kín với một trục đường chính, từ đó tỏa đi khắp các ngõ ngách trong làng. Bao quanh làng là những động cát trắng và biển, tạo nên phong cảnh lãng mạn, thơ mộng. Với sự hòa trộn kiến trúc Đông - Tây tạo cho La Gàn có nét đặc biệt, riêng có của một làng Việt xưa, có giá trị kiến trúc cổ, mang đậm nét tín ngưỡng dân gian. Hầu hết nhà cổ ở La Gàn được xây dựng bằng vôi, chất nhựa chiết ra từ cây rừng trộn mật kết dính với đá núi, đá san hô có độ bền, sức chống chịu cao trước những khắc nghiệt của khí hậu, thời gian... Nhà thường thiết kế ba gian, hai chái, mái ngói âm dương và rất to rộng, kết cấu rường cột bằng gỗ chạm trổ tinh vi lộng lẫy, phần hậu xây dựng đông lang và tây lang, sân sau…Vòng thành nhà được xây bằng đá núi, đá san hô mà độ cao vượt cả đầu người, độ dày gần nửa bước chân. Nhiều nét sinh hoạt ở đây vẫn mang tính làng quê nhưng coi trọng chữ tín, nghĩa tình làng xóm, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống… Không chỉ vậy, các nơi sinh hoạt tín ngưỡng của dân làng như Đình Bình An, Lăng ông Nam Hải, Chùa Phật Học có kiến trúc khá đặc biệt, giàu tính nghệ thuật cổ về hình dáng, bình phong…, thể hiện quan niệm về tín ngưỡng của cư dân làng biển. Trong đó, đình Bình An thờ “Thành hoàng bổn xứ” được xây dựng đời vua Minh Mạng thập tam niên, thiết kế theo lối kiến trúc cổ, bố cục chữ tam, hai bên có hai tòa tả vu và hữu vu, mái đình với các gốc mái đao và lợp ngói vảy cá, có máng nước là một thân gỗ lớn dài 13m, đường kính 0,6 m.
Các cụ cao niên bảo rằng, nếu không có các cuộc chiến tranh tàn phá thì La Gàn bây giờ cũng giống như phố cổ Hội An, làng cổ Phước Tích - Thừa Thiên Huế hay làng cổ Đường Lâm - Hà Nội… Bởi là cái nôi cách mạng của Tuy Phong trong kháng chiến cứu nước, Bình Thạnh đã trải qua biết bao nhiêu biến cố thăng trầm lịch sử. Từ thời tiêu thổ kháng chiến, dồn dân lập ấp đến pháo dội đạn rơi, những cuộc càn quét theo kiểu “đốt sạch, phá sạch, giết sạch” của địch… đã phá hỏng phần lớn nhà cửa, đền chùa, miếu mạo, mà đỉnh điểm tang thương nhất là 2 cuộc thảm sát Cát Bay năm 1951 làm chết 300 người và chùa Phật Học năm 1947 làm chết hơn 121 người dân vô tội…
…Đến những thương quán nổi tiếng
Chiều về, ánh hoàng hôn cuộn vàng những con sóng lao xao trên biển vịnh La Gàn, ông Nguyễn Phú Đức đưa ánh mắt hướng ra biển, nói: Xưa kia việc giao lưu vùng này với vùng kia, thịnh hành là đường biển. Chính vì vậy, La Gàn là bến đậu của nhiều ghe thuyền xuôi dọc Bắc - Nam, trở thành thương cảng sầm uất. Đặc biệt, dọc theo con đường làng là cơ ngơi của 3 thương quán nổi tiếng một thời như “Phong Thạnh thương quán” lập năm 1911, “Đồng Thạnh thương quán” lập năm 1924, “Hiệp Thạnh thương quán” lập năm 1940. Các thương quán trở thành điểm hội tụ, gặp gỡ, giao lưu của các thương lái, bạn buôn gần xa khi họ đặt chân đến vùng đất La Gàn, trong đó “Phong Thạnh thương quán” do ông Nguyễn Khắc Khoan - một thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa “Cần Vương” Bình Thạnh năm 1885 - 1887 quản lý, chỉ buôn bán tạp hóa nhưng làm ăn khấm khá nên đã tổ chức thêm một số cơ sở đánh bắt cá và muối mắm với 8 chiếc ghe mành chà, 2 ghe bầu mỗi chiếc có trọng tải 40 tấn. Hàng năm, thương quán đánh bắt từ 800 - 1.000 tấn cá các loại và chở hàng trăm tấn mắm đi bán ở các tỉnh miền Nam, miền Trung.
Ngôi nhà của ông Phạm Hữu Đông.
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, về mùa bấc, ghe bầu có trọng tải lớn, chở nước mắm xuôi vào Sài Gòn, miền Tây Nam bộ, và đến tận Nam Vang (Campuchia) để buôn bán. Mùa nam, ghe bầu lại chở nước mắm, cá khô ngược ra các tỉnh phía Bắc, có lúc đến tận thương cảng Hải Phòng để buôn bán, trao đổi. Ghe thuyền từ Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên vào, từ Gò Công, Phước Hải ra, cột buồm của ghe thuyền đậu san sát vào nhau. Nhân dân các xã trong huyện mang đến đây nào là bông vải, thuốc lá, khoai lang, đậu phọng… để đổi chác, buôn bán. Bến nước, con thuyền, sinh hoạt của ngư dân trên cảng cuối chiều, buổi sớm nhộn nhịp, tạo nên một cảnh quan nhân văn, địa lý tuyệt vời.
Càng yêu thêm làng cổ hàng trăm năm tuổi
Gần 330 năm, La Gàn ngày xưa, bây giờ vẫn giữ vị thế trung tâm thương mại, du lịch và trung chuyển hàng hóa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng vùng biển của Tuy Phong. Nhắc đến La Gàn, người ta sẽ nhớ rất nhiều về làng cổ một thời hưng thịnh, trù phú xa xưa. Được xem là cái nôi lưu giữ những gì cổ kính, hoài niệm một thời vẫn còn vẹn nguyên những nét trầm mặc theo vòng xoáy thời gian, và chính điều này đã trở thành lý do thôi thúc nhiều lữ khách đến thăm nơi đây một lần trong đời. Bây giờ có dịp trở lại La Gàn, dù ngỡ ngàng trước bao thay đổi của cảnh quan đô thị du lịch phát triển theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, sẽ không mất nhiều công sức để tìm lại dấu tích người xưa “như còn đâu đó”, thông qua các ngôi nhà cổ, lăng mộ, đình làng, giếng nước, mái ngói rêu phong, nhà thờ tiền hiền, nhà thờ các tộc… của các bậc công thần, sĩ phu yêu nước trường tồn theo thời gian. Du khách, có người dừng lại thưởng lãm, có người tiếp bước đi, nhưng hầu như họ đã tìm thấy một điểm đến đậm chất cổ xưa không nhầm lẫn với bất cứ ở đâu, tất cả toát lên không khí hoài niệm của làng cổ có độ tuổi hàng trăm năm, mang vẻ đẹp thanh bình, yên ả đến quyến rũ lòng người.
Người dân La Gàn cũng đã hiểu được giá trị của làng cổ, lưu giữ những giá trị về kiến trúc, giá trị về lịch sử văn minh của một vùng đất, gìn giữ các giá trị của di sản làng cổ như thành tựu về kiến trúc qua các thời kỳ, văn hóa cổ truyền, các tập tục, lễ hội, món ăn, đặc sản của địa phương mà các thế hệ trước đã tạo ra, phục vụ phát triển du lịch. Các du khách, người Việt xa xứ đều yêu thích La Gàn - vùng đất được mệnh danh là “địa linh nhân kiệt” đầy nét hấp dẫn và quyến rũ. Nhiều văn nghệ sĩ khắp cả nước cũng đã từng thể hiện sự tôn kính, khát khao của mình khi về nơi làng cổ, trở về với “nỗi niềm người xưa”, với “những nét hoa văn chạm gỗ”, mường tượng hình bóng những chiếc ghe bầu, thuyền buôn cập cảng và những thương quán nhộn nhịp như vẫn còn đâu đó. Một nét văn hóa đặc sắc nữa ở La Gàn là những di tích lịch sử có giá trị được bảo tồn cẩn trọng. Các di tích lịch sử văn hóa ở đây có nét rất riêng là không trơ trọi, lẻ loi mà gần gũi với cư dân sống quanh đó - đó chính là cái “hồn” của di tích.
Cho tôi yêu thêm làng cổ hàng trăm năm tuổi này, thêm một chút, một chút nữa thôi… Để gió mang hương vị mặn mà của biển đọng lại, để nghe tiếng sóng vỗ dạt dào bên những con tàu, bờ cát và để người nhớ người trong xao xuyến ưu tư…