Phát triển kinh tế trang trại theo hướng bền vững..
Nếu như trước đây Tuy Phong được biết đến là nơi hoang hóa, khô cằn với khí hậu khắc nghiệt thì nay đã được khai hoang, phục hóa để trồng trọt, chăn nuôi nhờ kinh tế trang trại phát triển và sự năng động, sáng tạo của người dân trong sản xuất, kinh doanh. Ði dọc quốc lộ 1A qua các xã Chí Công, Bình Thạnh, Phước Thể hay các xã miền núi như Phong Phú, Phú Lạc, Vĩnh Hảo, ấn tượng đầu tiên là màu xanh bạt ngàn của những vườn thanh long, nho, táo,…trải dài trên các vùng đất cát, triền đồi. Ít ai biết rằng, người dân đã đem rất nhiều giống cây về thử nghiệm, đổ biết bao mồ hôi, công sức để “đất đẻ ra tiền”, trong đó nhiều loại cây đặc sản như quýt lai, bưởi, bơ, sầu riêng đang nổi lên như một điểm nhấn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vì trước giờ chưa xuất hiện ở vùng đất nắng gió Tuy Phong.
Chúng tôi đến trang trại tổng hợp nuôi gà và trồng các loại cây đinh lăng, ớt hiểm của anh Huỳnh Thanh Toán, 28 tuổi ở xã Bình Thạnh. Trang trại của anh Toán được khá nhiều đoàn khách trong và ngoài huyện đến tham quan mô hình, trong đó có đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đến thăm trong tháng 3/2019. Chủ trại Huỳnh Thanh Toán chia sẻ: Để loại hình trang trại phát triển bền vững, có chỗ đứng trên thị trường thì yêu cầu tiên quyết là sản phẩm phải đảm bảo chất lượng. Trang trại của gia đình chăn nuôi theo hình thức bán tự động, góp phần giảm được nhân công. Đặc biệt, gia đình luôn thực hiện tốt khâu phòng, chống dịch bệnh. Chuồng trại, khu chăn thả gà thoáng đãng, sạch sẽ để vật nuôi sinh trưởng khỏe mạnh, từ đó tránh được rủi ro dịch bệnh. Các sản phẩm ớt hiểm, đinh lăng được sản xuất sạch, an toàn cho người sử dụng.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất chiến khu cách mạng Bình Thạnh, nhìn đất đai trù phú, điều kiện tự nhiên thuận lợi khiến ước mơ từ nhỏ là được làm trang trại của chàng trai Huỳnh Thanh Toán thức dậy. Quyết định khởi nghiệp tại quê nhà được định hình nên mặc dù còn không ít khó khăn về nguồn vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi cũng như kinh nghiệm làm trang trại, song với niềm đam mê, quyết tâm, cùng sự ủng hộ, tạo điều kiện của gia đình, địa phương, Toán từng bước vượt qua trở ngại để biến ước mơ, sở thích thành hiện thực. Hiện tại, trang trại với diện tích trên 1,5 ha của anh Toán thường xuyên duy trì từ 6.000-8.000 con gà thịt/lứa với diện tích chuồng trại 1.680 m2. Phần lớn diện tích đất còn lại được trồng cây Đinh lăng và cây Ớt hiểm, trong đó có vườn ươm cây giống cung cho các nhà vườn và nguyên liệu cây đinh lăng cho công ty chế biến dược liệu. Sản phẩm xuất bán được tư thương đến tận nơi thu mua, chưa bao giờ bị tồn ứ. Anh Toán cũng có cách làm ăn sáng tạo khi “biến” rễ đinh lăng thành hàng quý bằng cách chọn những gốc đinh lăng lớn, dáng đẹp ngâm rượu trong những chiếc bình thủy tinh rất bắt mắt, đưa cây Đinh lăng được coi là “nhân sâm Việt Nam” trở thành một sản phẩm du lịch ưu thích tại Khu du lịch chùa Cổ Thạch. Mỗi bình rượu Đinh lăng tùy mẫu mã, lớn nhỏ có giá từ 800.000 đồng đến 1.700.000 đồng. Giá Ớt hiểm, có thời điểm từ 500.000-600.000 đồng/kg.
Tìm hiểu được biết, trang trại tổng hợp của gia đình anh Toán chỉ là một trong số rất nhiều trang trại đang “ăn nên làm ra” trên đất Tuy Phong. Mỗi trang trại có cách làm ăn riêng, nhưng năng lực đã được nâng lên đáng kể, nhất là hướng tới nền nông nghiệp sạch, hữu cơ, đảm bảo chất lượng, có giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường. Nhiều trang trại đã tự hợp tác, liên doanh với doanh nghiệp có vốn đầu tư mở rộng sản xuất đồng bộ, khép kín, áp dụng quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, tăng sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Thực tế có trang trại cho doanh thu cả trăm triệu đồng đến tỷ đồng mỗi năm trong những năm gần đây đã góp phần tích cực thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của ngành nông nghiệp cũng như kinh tế nông thôn huyện Tuy Phong.
Đồng hành cùng người nông dân
Phát triển kinh tế trang trại là một trong những chủ trương lớn của Tuy Phong nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh về đất đai cũng như nguồn lao động…Trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện, mô hình kinh tế trang trại được xem là một trong những mũi nhọn, tiên phong trong áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Theo Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phong kinh tế trang trại đang phát triển khá mạnh, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường bằng sản phẩm chất lượng. Ngành nông nghiệp đã triển khai các chương trình khuyến nông để khuyến khích các trang trại thực hiện tốt an toàn dịch bệnh, chuỗi giá trị cung cấp sản phẩm an toàn, sạch, phát triển các loại hình liên kết trong tổ chức sản xuất, tăng cường tập huấn đội ngũ quản lý, xã viên các hợp tác xã, hộ cá thể để trở thành người chủ trang trại theo hướng chuyên nghiệp. Cùng với đó nhiều Hợp tác xã ra đời trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần đáng kể trong việc hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các trang trại, giúp bà con yên tâm hơn.
Theo số liệu thống kê, toàn huyện có 14 trang trại đạt tiêu chí được cấp giấy chứng nhận. Phần lớn các trang trại được đầu tư bài bản, quy mô, mang tính bền vững cao, khẳng định là mô hình sản xuất hàng hóa tập trung và hiệu quả, tăng thu nhập, tạo việc làm thường xuyên cho người lao động, khai thác và sử dụng có hiệu quả trong diện tích hơn 69.000 ha đất nông nghiệp.
Ông Lê Hậu- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Phong cho biết thời gian qua Hội Nông dân huyện đã định hướng hội viên nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, nâng quy mô sản xuất, phát triển các mô hình trang trại, gia trại, mô hình kinh tế hợp tác…, đồng thời tổ chức cho cán bộ hội viên đi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm một số mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả ở một số nơi và phối hợp với các ngành chức năng tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi cho hội viên nông dân. Theo ông Lê Hậu- Chủ tịch Hội Nông dân huyện phát triển kinh tế trang trại không chỉ căn cứ vào diện tích đất, số lượng cây trồng, con nuôi mà cần xem xét thêm dưới góc độ hàm lượng khoa học - kỹ thuật công nghệ được áp dụng trong quá trình sản xuất, hiệu quả kinh tế trên từng vùng đất, tập quán sản xuất, quy mô sản xuất tập trung và quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định...Để kinh tế trang trại tiếp tục phát triển đòi hỏi sự vào cuộc tích cực và tâm huyết của các cấp, ngành liên quan nhằm đồng hành, tháo gỡ những khó khăn để các hộ sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế trang trại hiệu quả và bền vững, nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy phát triển nông nghiệp - nông thôn bền vững, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới../.