Miếu Quốc tổ Hùng Vương tọa lạc tại khu phố Giang Hải 3, thị trấn Phan Rí Cửa, được dựng nên vào đầu thế kỷ XIX. Trước đây miếu Quốc tổ Hùng Vương là một ngôi đình làng Cam Hải để thờ Thành hoàng bổn cảnh. Năm 1958, các đình làng của 12 làng gồm: Xuân Giang, Thanh Giang, Trường Thủy, Hải Bình, Cam Lâm, Thanh Hải, Tăng Lộc, Thủy Tựu, Ngân Giang, Cam Hải, Thanh Tu, Hải Tân được dồn về một điểm tại đình làng Cam Hải. Từ đó tên gọi miếu Quốc tổ Hùng Vương ra đời, trở thành tên gọi chính thức của di tích và tồn tại đến ngày hôm nay. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, Miếu Quốc tổ Hùng Vương được các thế hệ người dân địa phương trùng tu, tôn tạo nhiều lần và được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2010.
Đại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương gồm những nghi thức quan trọng mang đậm tính nhân văn diễn ra liên tục và nối tiếp nhau trong 2 ngày 1 đêm, lễ chính vào chiều mùng 10 tháng 3. Nghi thức này được lưu truyền hơn 1 thế kỷ qua. Cùng với việc đọc văn tế, tuần tự cuộc lễ được tổ chức một cách cầu kỳ và long trọng. Đại tế có đầy đủ các yếu tố về lễ nhạc và người tham gia tế lễ. Trong trang phục dân gian, các học trò lễ cùng với chủ tế dâng lên vua Hùng các chung rượu và lễ vật cầu cho đất nước thanh bình. Các đình, chùa, đền, miếu, lăng vạn…tổ chức đoàn trang nghiêm, có cờ lễ, tàn lọng, chiêng trống, kiệu lễ thỉnh rước các vị thần, tiền hiền, hậu hiền và các anh hùng liệt sỹ đến ra mắt, bái yết và dâng lễ vật cho các vị Vua Hùng tại đền thờ Hùng Vương. Sau nghi thức tế lễ, diễn ra các loại hình nghệ thuật dân gian như chèo bả trạo, múa lân, đua thuyền...tạo nên không khí sôi nổi, vui tươi của ngày giỗ Tổ.
Hòa chung với nhân dân cả nước tưởng nhớ công lao dựng nước của các vua Hùng, các tầng lớp nhân dân địa phương tề tựu về đây với tấm lòng tri ân sâu sắc. Về với miếu Quốc Tổ, mọi người dâng lên các vị vua Hùng những nén hương thơm tỏ lòng hiếu thảo và lễ vật như bánh chưng, bánh dày, hương đèn, hoa quả, thịt, rượu… cầu mong mọi người cầu cho quốc thái dân an, người người ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội văn hóa có ý nghĩa sâu sắc, giáo dục truyền thống và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ mai sau biết trân trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Hiện nay, tại miếu Quốc tổ Hùng Vương còn bảo lưu nhiều di vật cổ xưa có giá trị như: 3 đại hồng chung, 5 hương án, 6 hoành phi, 6 bài vị, 1 bảng gỗ khắc chữ Hán Nôm, 1 lỗ bộ, 1 lư hương rất lớn được đan bằng tre mạ nhũ vàng. Trong đó có 2 hương án được tạo dưới thời vua Tự Đức năm thứ 2 (1849) và năm thứ 32 (1879). Đây là những di vật có niên đại gắn với ngôi miếu trong những thập niên ban đầu khởi dựng miếu.
|