Đứng trên cửa xả của con kênh đổ ra hồ Đá Bạc nhìn phía thượng lưu, con kênh như dải lụa xanh vắt qua vùng đồi núi trọc, đưa dòng nước hiền hòa chảy về xuôi tưới mát những cánh đồng lúa đông xuân đang vào vụ. Vùng đất Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân khô khốc đã “khoác” lên mình “chiếc áo màu xanh” của hành, lúa, dưa cà, cây ăn trái...
Ngày con kênh này đổ những dòng nước ngọt đầu tiên vào hồ Đá Bạc, đông đảo cán bộ và nhân dân trong vùng thuộc các xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân vui như bắt được vàng. Vụ lúa đông xuân 2015 - 2016 được xuống giống với gần 150 ha, đồng thời nông dân tất bật khôi phục hàng trăm ha vườn tược bị bỏ hoang trong cơn đại hạn kéo dài nhiều năm qua. Cơn đại hạn này đã làm hơn 100 con bò ở Vĩnh Hảo bị chết; 370 ha trôm thiếu nước tưới nên chỉ 30 ha cho mủ, sản lượng thấp; nhiều ha hoa màu bị “mất trắng”… Dù phải gánh chịu khá nhiều thiệt hại do thiên tai, nhưng giờ đây trên gương mặt người nông dân đã ánh lên niềm vui, xen lẫn nhiều dự định làm ăn từ mạch sống quê hương.
Ông Phan Văn Thạch, nông dân ở thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo, phấn khởi: Lâu nay, bà con chúng tôi luôn ước ao có nguồn nước tưới ổn định cho đất sản xuất nông nghiệp để làm ăn, sinh sống. Vùng đất này “khát quá” đến nổi bò, dê không có nước mà uống, đất lúa, hoa màu cũng bỏ hoang. Hơn 2 năm rồi, bà con nông dân chúng tôi chưa có vụ lúa nào, khổ cực vô cùng. Tới đây, chắc chắn đời sống của bà con sẽ khấm khá hơn nhờ dòng nước của con kênh này mang lại.
Không chỉ nông dân xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân, mà nông dân các xã Phú Lạc, Phong Phú có đất dọc theo hai bên tuyến kênh đi qua cũng rất hồ hởi. Lần theo tuyến kênh, chúng tôi gặp những lão nông đứng trên bờ kênh trầm trồ nhìn dòng nước chảy. Trò chuyện với họ, tôi cứ như cuốn theo nhiều dự định đầy thuyết phục. Ai cũng bảo vùng đất này còn rộng lớn lắm, có thủy lợi sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nông dân khai phá, làm giàu. Có nước rồi, sẽ trồng được nhiều loại cây ăn trái, hoa màu, trồng cỏ chăn nuôi bò, dê… Anh Nguyễn Ngọc Thanh, một nông dân xã Phú Lạc nói: “Đã nhiều năm nay, không có nước nên hàng trăm ha đất nông nghiệp vùng đất chùa Đá Mẹp không trồng được cây gì. Sắp tới đây, vùng đất này sẽ ăn nên làm ra”. Với 2 ha đất, anh Thanh dự kiến sẽ đầu tư theo mô hình trang trại, trước hết cải tạo đất để trồng cây đặc sản và trồng cỏ chăn nuôi bò, dê.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo không giấu được niềm vui: Việc đưa vào khai thác, sử dụng tuyến kênh này có ý nghĩa rất quan trọng. Con kênh này không chỉ đáp ứng yêu cầu chống hạn, mà còn góp phần cùng công trình thủy lợi hồ Đá Bạc cung cấp nước sinh hoạt cho địa phương và Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân.
Rời Vĩnh Hảo khi Tết Bính Thân 2016 đang tới gần, tôi thấy lòng vui hơn bởi những cánh đồng xanh màu áo mới - màu ấm no.