Truyền tải nét đẹp văn hóa dân tộc
Lễ hội truyền thống ở Tuy Phong là một trong những loại hình di sản độc đáo và mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, thể hiện rất rõ đời sống văn hoá tâm linh, những quan niệm nhân sinh và các sinh hoạt văn hoá dân gian khác. Mỗi lễ hội gắn liền với những đặc điểm cụ thể về địa lý, tập quán, nghi lễ, văn hóa ứng xử, ẩm thực, tín ngưỡng… không chỉ mang bản sắc văn hóa đặc trưng mà còn lưu giữ các giá trị đạo đức, thẩm mỹ trong quá trình xây dựng và phát triển.
Với sự đa dạng về văn hóa dân tộc Kinh, Chăm, RăgLay…cư ngụ từ vùng biển đến miền núi, kho tàng lễ hội các dân tộc ở Tuy Phong không chỉ là những di sản phi vật thể phục vụ đời sống tinh thần, tín ngưỡng, tâm linh của người dân mà còn là tài nguyên du lịch nhân văn có thể trở thành sản phẩm độc đáo phục vụ du khách. Thực tế những năm gần đây, nhiều lễ hội ở Tuy Phong, nhất là lễ hội dân gian truyền thống, đã và đang có sức thu hút rất lớn đối với du khách trong và ngoài nước, điển hình như lễ hội Nghinh Ông, Xô cộ, PôTằm, Katê, Tết đầu lúa…
Các lễ hội được tổ chức thường xuyên trong năm. Lễ hội quy mô nhỏ ở làng, xã thì thu hút người dân địa phương. Các lễ hội quy mô cấp huyện được nhiều du khách quan tâm hơn, nhất là lễ hội tín ngưỡng, tâm linh. Một số lễ hội như Nghinh vào dịp tháng tư âm lịch hàng năm tại Đảo Cù Lao Câu (xã Phước Thể), lễ hội PôTằm ở Phú Lạc, Lễ Xô Cộ ở thị trấn Liên Hương…mang màu sắc rất riêng và không khí thực sự nhộp nhịp ngay từ những ngày chuẩn bị. Đến với các lễ hội này, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị và độc đáo về phong tục tập quán, đời sống tâm linh, văn nghệ, ẩm thực và các trò chơi dân gian đặc trưng, thực sự trở thành “thương hiệu” cho một vùng miền. Và đó, được nhìn nhận như một “bảo tàng sống” về đời sống cư dân văn hóa bản địa, với mong ước “mưa thuận, gió hòa”, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Các điểm du lịch ở mang tính tâm linh Chùa Cổ Thạch, chùa Linh Sơn, Lăng ông Nam Hải, Đền tưởng niệm Cát Bay, Đình Bình An…cho đến các điểm du lịch sinh thái như Đảo Lao Câu, Thác Yavly, Đồi Dương…trở thành những sản phẩm, điểm hẹn hấp dẫn.
Thác Yavly - Phan Dũng
Ngoài các lễ hội truyền thống, lễ hội đương đại cũng tăng mạnh về lượng và tìm được bản sắc riêng. Một số lễ hội đương đại cũng được đưa vào các nghi lễ cổ xưa, khai thác những giá trị lịch sử, văn hóa hài hòa, hợp lý về thời gian, không gian sinh động, lôi cuốn và gần gũi, dễ đi vào lòng người, chẳng hạn như các giải đấu thể thao khá sôi động như Leo Núi Linh Sơn Tự, vượt đồi cát Bình Thạnh, Đua thuyền trên biển, Rằm tháng Giêng và các hoạt động như hội thi gói, nấu bánh chưng, đập ấm, bắt vịt, bắn nỏ, hội đố thai (câu đố), đờn ca tài tử, hát bội, …thu hút khá nhiều du khách mỗi khi tết đến, xuân về.
Khai thác lễ hội phục vụ cho phát triển du lịch đang mở ra nhiều triển vọng cho vùng đất Tuy Phong. Đưa một số hoạt động văn hóa, lễ hội vào gắn kết với du lịch, để qua đó vừa tạo việc làm cho người dân, vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa địa phương và quảng bá rộng rãi với công chúng. Nhiều lễ hội được tổ chức vào những thời điểm nghỉ lễ, tết nên đã du khách vừa du lịch, nghĩ dưỡng vừa có dịp hòa mình vào không khí lễ hội.
Lễ hội thành "tài sản" của du lịch
Với mục tiêu phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, thời gian qua, Tuy Phong đã quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhiều tuyến đường giao thông đến các khu du lịch đã được đầu tư, nâng cấp, mở rộng; các danh lam, thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử được trùng tu, tôn tạo; một số lễ hội truyền thống được khôi phục… gắn liền với hoạt động du lịch tại các khu du lịch; qua đó đã quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Tuy Phong, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách đến tham quan, khám phá và nghỉ ngơi.
Theo đánh giá của đa số khách du lịch, các lễ hội ở Tuy Phong tuy không rầm rộ, quy mô lớn như những nơi khác nhưng vẫn truyền tải giá trị nhân văn sâu sắc; nghiêm ngặt về thời gian, địa điểm, nội dung lễ hội để tạo được dấu ấn trong lòng du khách. Bên cạnh đó, tình trạng chèo kéo, ép giá được ngăn chặn, giữ gìn cảnh quan, môi trường sinh thái và bảo đảm an toàn cho du khách. Với thời gian kéo dài ít nhất 1 ngày, lễ hội cũng đã giữ chân du khách ít nhất 2 ngày, 1 đêm. Đây cũng là điều kiện để tăng thu cho ngành du lịch.
Tuy Phong có nhiều di tích văn hóa, lịch sử gắn với quá trình phát triển của một vùng đất trù phú, giàu truyền thống. Với mục tiêu tăng lượng khách du lịch 8% - 10% khách mỗi năm, ngành du lịch Tuy Phong tiếp tục chú trọng khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo địa phương, nhất là khai thác và chắt lọc các tinh hoa văn hóa dân gian đậm đà bản sắc để biến chúng thành "tài sản" phục vụ du lịch.