Thực trạng công tác đánh giá cán bộ trong thời gian qua.
Toàn huyện có 164 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý, trình độ chuyên môn đại học là 121, trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên là 141, trong đó có 42 trình độ cử nhân, cao cấp. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của huyện cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Trong những năm qua, công tác đánh giá cán bộ luôn được Ban Thường vụ Huyện ủy, cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, nâng dần chất lượng, hiệu quả, từng bước sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, nhất là từ khi có Quyết định số 286-QĐ/TW, ngày 08/02/2010 của Bộ Chính trị, Nghị định số: 56/2015/NĐ-CP, ngày 09/6/2015 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của tỉnh về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức hằng năm, kể cả đánh giá cán bộ phục vụ công tác đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự bầu vào cấp ủy viên các cấp, nhân sự ứng cử các chức danh chủ chốt Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã. Trong đó, đã chú trọng lấy tiêu chí đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, chất lượng, hiệu quả, trách nhiệm công việc và ý thức tổ chức kỷ luật làm căn cứ chủ yếu để đánh giá.
Về phương pháp đánh giá, quy trình đánh giá được thực hiện chặt chẽ, dân chủ, khách quan, kết hợp đánh giá cán bộ, công chức với phân loại đảng viên. Ngoài ra, điểm đổi mới trong công tác đánh giá cán bộ của huyện là được Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng, ban hành nội dung, tiêu chí đánh giá cụ thể để đánh giá, phân loại đối với cán bộ một cách thực chất và hiệu quả. Kết quả đánh giá cán bộ là cơ sở để cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị nghiên cứu, xem xét, quyết định công tác cán bộ phù hợp, phát huy tối đa năng lực, sở trường của từng cán bộ; là căn cứ để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự ứng cử. Qua đánh giá, giúp cán bộ nhìn nhận được những ưu điểm, khuyết điểm của bản thân để từ đó có kế hoạch, biện phát khắc phục, sửa chữa; đồng thời giúp cán bộ phát huy những ưu điểm, trao dồi phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, nâng cao năng lực và trách nhiệm trong thực thi công vụ, nó đã được thể hiện qua kết quả đánh giá phân loại cán bộ hằng năm. Từ năm 2011-2015, số cán bộ được đánh giá, phân loại ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảm so với năm trước (năm 2011, có 84 đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 50 đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có trường hợp xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ; đến năm 2015, số này còn lại là 21 đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 92 đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ, có 02 đồng chí xếp loại là không hoàn thành nhiệm vụ. Qua đây, cho thấy công tác đánh giá cán bộ dần nâng cao chất lượng, thực chất hơn, đánh giá đúng cán bộ.
Tuy nhiên, việc nhận xét, đánh giá còn bộc lộ nhiều hạn chế, có thể kể một số hạn chế sau: (1) Một số cấp ủy, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa gắn việc phân công nhiệm vụ cá nhân, tập thể với kết quả thực hiện công việc được giao nên khi phân loại cán bộ, công chức chưa thật sự khách quan, công tâm, phản ánh chưa đúng với năng lực của cán bộ; (2) Công tác tổ chức triển khai các văn bản về đánh giá cán bộ đến tập thể cán bộ, công chức đôi khi còn chậm, chưa kịp thời, chưa đầy đủ, có trường hợp cá biệt là không triển khai để cán bộ, công chức biết, thực hiện; (3) Nội dung, tiêu chí đánh giá còn chung chung, định tính, chưa định lượng cụ thể; nội dung đánh giá còn áp dụng cho nhiều đối tượng, chưa phân rõ từng loại hình cơ quan, đơn vị, tính chất công việc phù hợp; (4) Một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa chú trọng công tác đánh giá trước khi giới thiệu nhân sự đưa vào quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo, quản lý; chưa kết hợp chặt chẽ giữa đánh giá nơi công tác và nơi cư trú.
Những hạn chế trên xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu sau:
- Tinh thần phê bình và tự phê bình chưa cao; người đứng đầu cơ quan, đơn vị ngại đưa ra chính kiến nhận xét, đánh giá của mình đối với cấp dưới, còn nể nang, ngại va chạm, sợ mất lòng, kể cả cán bộ, công chức chuyên môn khi nhận xét, góp ý kiến đối với cấp trên của mình.
- Bệnh thành tích vẫn còn tồn tại trong một số ít cơ quan, đơn vị, vì nếu đánh giá đúng cán bộ mà không đạt kết quả xếp loại cao thì sẽ làm ảnh hưởng đến tập thể, uy tín của thủ trưởng; phương pháp, quy trình đánh giá chưa khoa học, còn qua loa, chiếu lệ.
- Nội dung đánh giá còn chồng chéo, thiếu thống nhất; chưa có hướng dẫn cụ thể nên khi thực hiện còn lúng túng.
- Cơ quan tham mưu về công tác cán bộ và cấp có thẩm quyền đánh giá cán bộ còn thiếu kiên quyết, có biểu hiện sự nể nang, sợ mất lòng hoặc nắm không chắc cán bộ nên khi phân loại cán bộ còn thiếu công tâm, chưa khách quan.
Từ thực tế trên, để nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, cần thực hiện một số biện pháp sau:
Một là, cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải nắm vững căn cứ, nắm chắc tiêu chuẩn đánh giá. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm, ngay từ đầu năm, từng cơ quan, đơn vị yêu cầu cán bộ, công chức xây dựng kế hoạch các nhiệm vụ chính sẽ thực hiện; tiến hành phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, làm cơ sở quan trọng trong việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
Hai là, nội dung, tiêu chí đánh giá cần phải được thống nhất, cụ thể cho từng loại hình cơ quan, đơn vị; được lượng hóa bằng thang điểm để thuận lợi trong đánh giá phân loại, để thuận lợi trong công tác đánh giá phục vụ công tác cán bộ.
Ba là, cần khắc phục quan niệm đánh giá theo hình thức, giản đơn, qua loa, chiếu lệ; người đánh giá chỉ nêu ưu điểm, thành tích, né tránh khuyết điểm. Nâng cao tình thần phê bình và tự phê bình của mỗi cá nhân; cá nhân biết nhìn nhận vào khuyết điểm, hạn chế của bản thân mà có phương pháp, kế hoạch khắc phục những hạn chế ấy, chính điều đó làm cho cán bộ dần trưởng thành hơn.
Bốn là, duy trì việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý hằng năm theo Kế hoạch số 122-KH/HU, ngày 29/5/2013 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy và cán bộ lãnh đạo cơ quan Nhà nước; Hướng dẫn số 20-HD/HU, ngày 30/5/2013 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội huyện; Hướng dẫn số 19-HD/HU, ngày 30/5/2013 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy và cán bộ lãnh đạo xã, thị trấn; gắn việc lấy phiếu tín nhiệm với đánh giá cán bộ, kết hợp chặt chẽ giữa đánh giá nơi công tác và kết quả thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú.
Năm là, nâng cao năng lực cơ quan tham mưu về công tác cán bộ, đảm bảo việc đánh giá cán bộ phải thật sự công tâm, khách quan; phải am hiểu, nắm chắc cán bộ; cần mạnh mẽ, quyết liệt nếu cán bộ có từ 01 đến 02 năm (không liên tục) không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực thì cần thay thế, bố trí công việc khác phù hợp, không nhất thiết phải đợi hết nhiệm kỳ, thời hạn bổ nhiệm.
Sáu là, cần nghiên cứu, lồng ghép giữa nội dung, quy trình đánh giá cán bộ với đánh giá phân loại đảng viên cuối năm, vì hiện nay chỉ thực hiện đối với các đồng chí là Ban Thường vụ Huyện ủy cấp huyện hoặc tương đương, còn các đối tượng còn lại vẫn thực hiện ít nhất hai lượt đánh giá (đánh giá cán bộ, công chức trước, đánh giá đảng viên sau).