* Luân chuyển cán bộ là để đào tạo và rèn luyện.
Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25/01/2002 của Bộ Chính trị (khóa IX) về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và Kết luận số 24-KL/TW, ngày 05/6/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Ban Thường vụ Huyện ủy coi trọng công tác luân chuyển cán bộ, xem đây là một chủ trương quan trọng trong công tác cán bộ, giúp cán bộ được luân chuyển có được môi trường để cọ sát, rèn luyện bản lĩnh, nâng cao năng lực điều hành, đã quyết định luân chuyển 56 đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó luân chuyển từ huyện xuống cơ sở là 13 đồng chí, từ cơ sở về huyện là 17 đồng chí, còn lại là luân chuyển từ khối Đảng, đoàn thể sang khối Nhà nước và ngược lại, phòng, ban này sang phòng, ban khác. Trong 13 đồng chí cán bộ luân chuyển xuống cơ sở đều đảm bảo trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, có trong nguồn quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy và các chức danh cán bộ chủ chốt huyện.
Sau thời gian luân chuyển về cơ sở các đồng chí được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần khắc phục được những hạn chế, khó khăn, những biểu hiện mất đoàn kết nội bộ tại địa phương; khi hết thời gian luân chuyển, các đồng chí được Ban Thường vụ Huyện ủy điều động về lại huyện, bố trí giữ các chức vụ hầu hết là trưởng ban, ngành, bầu vào Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy và giữ các chức danh chủ chốt huyện (06 đồng chí là lãnh đạo chủ chốt HĐND, UBND huyện nhiệm kỳ 2016-2021, trong đó có 05 đồng chí đã thực hiện luân chuyển xuống cơ sở; 09 đồng chí được bầu vào Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; 06 đồng chí được bầu vào Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, nhiệm kỳ 2015-2020).
* Kết quả đạt được trong công tác luân chuyển cán bộ.
- Tạo điều kiện để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng; giúp cán bộ luân chuyển thể hiện được bản lĩnh chính trị, phát huy năng lực công tác, trưởng thành nhiều mặt, nhất là năng lực điều hành, tổ chức thực hiện, góp phần tích cực giúp cấp ủy, chính quyền địa phương ổn định tổ chức bộ máy, khắc phục những yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
- Từng bước điều chỉnh việc bố trí cán bộ hợp lý hơn; tăng cường được cán bộ cho những địa phương còn khó khăn về công tác nhân sự; xóa bỏ những quan điểm, khuynh hướng cục bộ, khép kín, tâm lý thỏa mãn không chịu học tập, phấn đấu nâng cao trình độ và hiệu quả công tác.
- Đóng góp tích cực trong chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng bộ và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp.
* Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế.
- Chưa mạnh dạn chọn những cán bộ nữ, cán bộ trẻ dưới 30 tuổi, có triển vọng, nằm trong quy hoạch, đã tốt nghiệp đại học chính quy luân chuyển về cơ sở để giữ các chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã.
- Có cán bộ luân chuyển, nhất là cán bộ luân chuyển xuống những địa bàn khó khăn, phức tạp, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn lo lắng về việc bố trí, sắp xếp sau thời gian luân chuyển.
- Một số cán bộ tư tưởng làm việc còn cầm chừng, chờ đến hết thời hạn luân chuyển để điều động về lại huyện; chưa thể hiện hết tinh thần trách nhiệm, chưa coi việc luân chuyển xuống cơ sở là chủ trương quan trọng trong công tác cán bộ và là môi trường để cán bộ thể hiện năng lực, bản lĩnh của mình.
* Nguyên nhân những hạn chế.
- Việc lựa chọn địa bàn, chức danh luân chuyển có trường hợp chưa hợp lý, trái ngành nghề đào tạo, vừa không đáp ứng được yêu cầu, vừa hạn chế sự đóng góp của cán bộ.
- Chưa chuẩn bị kỹ phương án luân chuyển cán bộ cho nơi đi và nơi bố trí cán bộ khi hết thời gian luân chuyển; không giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ luân chuyển, không tổ chức rút kinh nghiệm, đánh giá cán bộ sau thời hạn luân chuyển.
- Chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển chưa thỏa đáng, thống nhất nên chưa tạo sự an tâm cho cán bộ, nhất là những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn về điều kiện sinh hoạt.
* Một số bài học kinh nghiệm.
Một là, coi thực hiện luân chuyển cán bộ là nhằm rèn luyện, nâng cao nhận thức, năng lực điều hành của cán bộ; giúp địa phương khắc phục những hạn chế, khó khăn, yếu kém trong lãnh đạo, điều hành, đoàn kết nội bộ.
Hai là, thường xuyên rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ, kịp thời phát hiện, lựa chọn, điều chỉnh, bổ sung nhân tố mới, có triển vọng phát triển để đưa vào quy hoạch, nhất là trong việc đánh giá cán bộ trẻ.
Ba là, đổi mới nhận thức của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nơi cán bộ luân chuyển đến; làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ được luân chuyển; kết hợp chặt chẽ công tác tổ chức cán bộ để tạo sự thống nhất trong đội ngũ cán bộ luân chuyển và cấp ủy, chính quyền địa phương nơi cán bộ đến.
Bốn là, căn cứ vào năng lực, sở trường của từng cán bộ và yêu cầu nhiệm vụ của địa phương nơi cán bộ luân chuyển đến để thực hiện việc luân chuyển, điều động cho phù hợp./.