Giữ mạch sống cho đời
Làng Thanh Tu ven tả ngạn, làng Hà Bớ bên hữu ngạn con sông Lũy. Dọc theo dòng sông này còn nhiều làng mạc yên bình với đôi bờ xanh ngăn ngắt cây cối, ruộng đồng…Thời kỳ Chúa Nguyễn, nền kinh tế hai bên con sông Lũy rất phồn thịnh, khá nổi tiếng phía bắc tỉnh Bình Thuận. Dọc theo phía tả ngạn con sông Lũy là những dãi đất cao ráo, được chọn làm nơi đóng quân trấn giữ phía nam Phủ Hòa Đa. Nơi đóng quân bên này sông đối diện Phủ Hòa Đa được gọi là Đồn Đất đỏ; xuôi xuống một đoạn có bến tàu vận lương, cung cấp lương thực cho quân lính, đồng thời cũng là nơi sửa chữa tàu thuyền của nhà Nguyễn bị hư hỏng khi đi qua tỉnh Bình Thuận. Rồi chiến tranh, dòng sông Lũy hiền hòa vẫn luôn chở che, nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh buất khuất, kiên cường của nhân dân. Con sông Lũy mềm như dãi lụa xanh vắt qua làng, trở thành biểu tượng đẹp trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm vùng đất Phan Rí Cửa.
Trong ký ức của ông Tư Thắng, 70 tuổi, khu phố Phú Hòa, thị trấn Phan Rí Cửa thì con sông Lũy đã “nuôi lớn” bao thế hệ, bởi cứ quăng lưới ra sông thế nào người dân cũng được mớ cá, tôm mang về ăn. Sông Lũy tuyệt nhất với bọn con nít trong làng có lẽ là vào mùa hè. Thời ấy làm gì có điện. Trăng lên vành vạnh cùng con nước mênh mang tràn bờ như dát bạc, làn gió mát như quạt thổi từ sông mơn man da thịt. Những đêm trăng như thế cứ ngồi mãi ngắm sông trăng, lắng nghe tiếng sóng nhè nhẹ vỗ bờ không biết chán. “Hồi đó, có những đám cưới, chú rể là người Phan Rí Cửa qua rước cô dâu bên Hòa Phú bằng ghe, vui lắm. Rồi mấy mùa Trung thu, đám trẻ con đùa nhau í ới nhảy lân quanh bên hai bờ sông dưới ánh trăng thanh bình. Con sông này gắn liền với đời sống của chúng tôi từ những ngày tháng giản dị mãi tới giờ nên ai cũng có ký ức, kỷ niệm với nó cả”- ông Thắng tỏ bày.
Sông Lũy là sông lớn thứ 2 của tỉnh Bình Thuận, dài hơn 98 km, khởi nguồn từ các suối ở sườn nam núi cao Gung Ré-Di Linh, đổ về cửa biển thị trấn Phan Rí Cửa. Đặc trưng dân cư sinh sống ven con sông Lũy, nghề đánh bắt hải sản là nghề truyền thống, với ngư trường lớn, nguồn thủy sản rất phong phú và đa dạng. Dòng sông Lũy luôn nhộn nhịp, từ lúc tia nắng đầu tiên còn chưa ló dạng cho tới khi những cánh chim hải âu cuối cùng bay về tổ. Sáng sớm tinh mơ, cửa biển đã tấp nập tàu thuyền xuôi ngược mang về bao mẻ cá tươi óng ánh bạc - thành quả sau chuyến vươn khơi của những ngư dân. Những buổi trời chiều chạng vạng tối, cảnh tượng cất vó cá trên sông mới nhộn nhịp làm sao. Đêm về, những ánh đèn soi cá vẫn sổ dài trên mặt sông, mang đến vẻ đẹp long lanh, huyền ảo. Đôi bờ con sông Lũy mọc lên nhiều cơ sở đóng, sửa tàu thuyền nổi tiếng một thời khắp dãi đất miền trung. Sông Lũy thông ra cửa biển Phan Rí Cửa rất rộng, thuận lợi cho tàu thuyền khắp nơi vào buôn bán, neo đậu. Khi Nhà nước xây dựng Cảng cá Phan Rí Cửa, xây cây cầu Hòa Phú bắt qua sông, mở đường giao thông Hòa Phú-Hòa Thắng đã tạo “cú hích” cho nơi này thêm nhộn nhịp ghe tàu, giao thương sầm uất. Rồi tàu thuyền công suất lớn, kỹ thuật đánh bắt hiện đại đã dần thay thế các loại ghe câu, ghe lưới nhỏ, phát triển nghề nuôi trồng, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá thì nghề biển càng trở nên cứng cỏi hơn trước sóng gió biển khơi. Người dân hai bên bờ cứ thế mà hưởng lợi.
Cảng cá Phan Rí Cửa
Giờ đây, xã Hòa Phú đã sáp nhập vào thị trấn Phan Rí Cửa. Diện mạo kinh tế-xã hội, đời sống của nhân dân phát triển khác xưa lắm. Nhiều ngôi nhà cao tầng soi bóng xuống dòng sông Lũy, sự kết nối vùng miền, giao thương kinh tế, văn hóa ngày càng mạnh mẽ. Và, dòng sông Lũy vẫn hồn nhiên uốn lượm giữa lòng đô thị, đẹp như một bức tranh thủy mặc được khắc họa dưới nét bút tuyệt vời của thiên nhiên, tạo ra cho nơi này một địa thế thủy văn vô cùng thuận lợi, rất hưng thịnh, điểm nhấn kiến trúc nổi bật của đô thị tương lai. Với phong thủy độc đáo và dáng vóc long phượng của dòng sông Lũy, Phan Rí Cửa sẽ tự tin trở thành đô thị xứng tầm nơi cửa ngõ phía bắc tỉnh Bình Thuận.
Nếu như con sông Lũy được mùa tôm cá thì con sông Lòng Sông lại chở nặng phù sa, bồi đắp đôi bờ trù phú, tốt tươi cây trái. Phát nguyên từ núi rừng Phan Dũng, dài hơn 40 km, sông chảy qua những cánh rừng cây ngát hương, uốn quanh núi non trùng điệp, ôm lấy những miền đất mới rồi mở lòng xuôi về miền hạ lưu, đổ ra cửa biển thị trấn Liên Hương. Những ký ức xưa về dòng sông Lòng Sông huyền bí luôn sục sôi, đầy nghiệt ngã, thách thức ý chí con người và cũng đẹp vô ngần luôn in sâu tâm khảm biết bao người.
Sông Lòng Sông
Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong tâm thức của người dân Tuy Phong luôn có hình ảnh sông Lòng Sông như một biểu tượng của văn hóa truyền thống. Bởi nơi ấy tình người hội tụ và lan tỏa cái tình làng nghĩa nước. Đó cũng là cái chất dân dã mộc mạc chân chất mà thắm thiết tình người Tuy Phong như vạn sự "tắt lửa tối đèn có nhau". Dòng sông từng chứng kiến bao "cuộc chia ly màu đỏ" giữa người ra đi và người ở lại của những đôi trai gái khi tiễn đưa người thân yêu ra trận trong những năm tháng kháng chiến cứu nước. Thượng nguồn con sông Lòng Sông là Chiến khu cách mạng. Sau ngày đất nước giải phóng, Nhà nước đã đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi quan trọng như hồ Phan Dũng, hồ sông Lòng Sông…giải “bài toán khát” cho vùng đất nắng gió, tạo điều kiện tốt nhất để đồng bào nơi chiến khu xưa làm ăn phát triển.
Có lần tôi thơ thẩn bên sông bắt gặp cảnh làng quê thanh bình mà đằm thắm, dù đời sống vật chất còn bộn bề gian khó mà những người nông dân vẫn ăm ắp tiếng cười và tình người đôn hậu. Ai cũng bảo, con sông Lòng Sông dường như có phép nhiệm màu, giữ nước giữ mạch sống cho đời. Bây giờ dòng sông Lòng Sông đã được ngăn cách bởi con đập hiên ngang chắn qua, tạo nên những thửa ruộng mảnh vườn màu xanh rì phía hạ lưu. Thượng lưu là hồ nước mênh mang, trùng điệp đầy mộng mơ. Sông không quá rộng, độ dốc lại cao nên ở quãng thượng nguồn sông có những đoạn chảy xiết. Đến vùng hạ lưu, qua các xã Phong Phú, Phú Lạc, Phước Thể sông chảy chậm, dường như thư giãn lấy lại sức cho chặng hành trình mới. Bắt đầu từ đây, dòng sông đã tắm mát cho hàng nghìn hec-ta lúa, thanh long, nho, táo và rau màu vươn sức sống, đem lại nguồn thu nhập khấm khá, tạo sức bật mới cho thế “tam nông”. Hóa ra dòng sông nào cũng có linh hồn thần thái riêng gắn bó với cuộc đời mỗi người. Điều hạnh phúc vô bờ là người dân được sống cả hai bên lở và bên bồi của con sông quê, sẻ chia bao hạnh ngộ buồn vui. Trước khi tan vào mênh mông của biển, sông còn gửi lại đôi bờ nhiều câu chuyện thú vị được mùa bội thu, kể mãi không bao giờ hết; xóa cảnh ly hương khắp chốn, những ánh mắt lo âu thẫn thờ trong cơn túng quẩn lúc giáp hạt thiếu ăn.
Bao dung như vạn thuở
Từ mạch nguồn qua năm tháng, sông Lũy và sông Lòng Sông đã chứng kiến biết bao kỳ tích, chiến công của quân và dân Tuy Phong. Sông lặng lẽ ôm vào mình nhiều kỷ niệm chẳng thể nào quên suốt một thời đạn bom, đi vào biết bao tác phẩm thơ ca, nhạc họa. Nếu sông Lũy được ví như tấm gương soi, nơi lưu giữ ký ức, tâm hồn tuổi thơ thì sông Lòng Sông là khúc hát ru êm đềm của một miền quê nghèo còn lắm nhọc nhằn nhưng nhiều khát vọng.
Dòng sông hùng vĩ, hào sảng đã trở thành nỗi niềm quyến luyến bước chân người trong mê mẩn khám phá "quà tặng" của thiên nhiên cho mảnh đất Tuy Phong. Ngược lên phía thượng nguồn sông Lòng Sông, có thác Yavly, Tân Cung, cây Dầu Ba, đập Phùm và tuyến đường trekking Tà Năng-Phan Dũng…đang khát khao đợi người. Khi xuôi dòng sông Lũy sẽ ra biển lớn mênh mông, chân trời rộng mở.
Trãi qua bao biến thiên của lịch sử, dòng sông cũng có những thay đổi như lẽ vô thường của đất trời. Thế nhưng hồn sông vẫn thế, vẫn miên man trôi chảy, vẫn rộng lượng bao dung như vạn thuở...