Qua đó giúp cho các cấp uỷ Đảng, cán bộ, đảng viên, công chức đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của công tác lịch sử Đảng trong thời kỳ mới; từ đó đề ra những biện pháp cụ thể trong việc nghiên cứu, biên soạn, từng bước tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương, góp phần phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Cấp huyện và đa số các xã, thị trấn có quan tâm và cố gắng trong việc bố trí kinh phí phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Văn phòng Huyện ủy bố trí kho lưu trữ với diện tích 50m2 và 06 giá, 05 tủ đựng hồ sơ, thực hiện tốt chế độ vệ sinh kho lưu trữ, sắp xếp ngăn nắp nên đảm bảo công tác lưu trữ hồ sơ tài liệu.Việc lưu trữ tài liệu phục vụ cho việc nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống thực hiện khá tốt; cơ sở dữ liệu Văn kiện đảng và Mục lục hồ sơ được xây dựng đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu.
Từ năm 2018 đế năm 2020, đã có 02 công trình lịch sử được xuất bản là: Lịch sử Đảng bộ xã Phú Lạc (1975-2015), xuất bản năm 2020 do Đảng bộ xã Phú Lạc chịu trách nhiệm xuất bản. Lịch sử Lực lượng vũ trang huyện Tuy Phong (1975-2015), xuất bản tháng 6 năm 2020 do Đảng ủy- Ban chỉ huy Quân sự huyện Tuy Phong chịu trách niệm xuất bản.
Nhìn chung, các quyển sách lịch sử đã xuất bản cơ bản đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, nội dung mang tính thống nhất chung với lịch sử Đảng bộ huyện, đồng thời, thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo riêng của đơn vị, địa phương góp phần làm rõ thêm lịch sử của Đảng bộ huyện. Nội dung các quyển sách đã xuất bản tái hiện lại lịch sử khá đầy đủ, chân thực và sinh động, khắc phục từng bước sự phản ánh xuôi chiều; có đánh giá tổng kết thực tiễn lịch sử và rút ra bài học kinh nghiệm.
Ban Thường vụ Huyện ủy còn thường xuyên chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân từ đó nhận thức về việc biên soạn lịch sử mang lại hiệu quả thiết thực. Việc tuyên truyền đã được cấp ủy các xã, thị trấn quan tâm thực hiện với nhiều hình thức phong phú như tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh địa phương hay lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của đoàn thể. Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện tăng cường công tác tuyên truyền lịch sử địa phương trên hệ thống truyền thanh, truyền hình nhân các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước và của địa phương. Lịch sử Đảng bộ địa phương được tổ chức giảng dạy cho học sinh ở các trường trung học cơ sở (lớp 6, lớp 8 có 01 tiết dạy vào cuối học kỳ II; lớp 7 dạy 01 tiết giữa học kỳ I và 02 tiết cuối năm; lớp 9 dạy 02 tiết vào học kỳ II) và trung học phổ thông (lớp 10 dạy 01 tiết, lớp 11 dạy 01 tiết, lớp 12 dạy 02 tiết vào học kỳ II) đồng thời lồng ghép trong các chương trình ngoại khóa, đạt kết quả khá tốt. Công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử truyền thống của địa phương đã góp phần giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào về truyền thống quê hương, cổ vũ các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của huyện đã đề ra./.