Hàng năm, gắn với việc ban hành Nghị quyết lãnh đạo về lĩnh vực văn hóa - xã hội, Ban Thường vụ Huyện ủy giao Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình huyện tham mưu triển khai thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn huyện phù hợp với văn hóa truyền thống và xu thế phát triển của thời đại; phối hợp với các cơ quan liên ngành tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các địa phương, đơn vị, các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quản lý, tổ chức và tham gia lễ hội.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, huyện các chi bộ, đảng bộ cơ sở, chính quyền, các cơ quan, ban ngành, Mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quản lý và tổ chức lễ hội bằng nhiều hình thức phù hợp như: tổ chức hội nghị học tập, lồng ghép phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của Đảng và của cơ quan, đơn vị; thông qua các buổi họp chi bộ, cơ quan, các ngành, đoàn thể thôn, khu phố,… Từ đó, trang bị hiểu biết cơ bản cho các tầng lớp nhân dân về di sản văn hóa, tạo điều kiện để công tác quản lý nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa được thuận lợi; cán bộ, đảng viên nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, góp phần giữ gìn, bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trong huyện.
Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo cấp ủy các xã, thị trấn đưa công tác quản lý và tổ chức lễ hội vào Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương để triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp truyền thống của dân tộc, có ý nghĩa giáo dục cao, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần lành mạnh của nhân dân. Đồng thời, giao cho Ủy ban nhân dân huyện triển khai thực hiện nhiều biện pháp trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội của huyện đạt được những kết quả tích cực.
Với mục đích, ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, nhân dân no ấm, tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền hiền, hậu hiền, các anh hùng liệt sĩ, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” các hoạt động lễ hội được diễn ra với cách thức tổ chức chặt chẽ, an toàn tiết kiệm, đảm bảo đúng nghi thức, phong tục truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, bói toán và các tệ nạn xã hội khác trong hoạt động lễ hội được bài trừ tạo thêm nhiều sắc thái cho lễ hội, khẳng định giá trị nhân văn, là nơi sinh hoạt lành mạnh cho cộng đồng dân cư; nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa, tinh thần cho người dân trong huyện, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị của các di tích, cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo của địa phương. Theo đó, các hoạt động lễ hội truyền thống tại địa phương như: Lễ hội giỗ Tổ các vua Hùng tại đền thờ Hùng Vương, thị trấn Phan Rí Cửa (qui mô cấp tỉnh); Lễ hội Kỳ Yên (03 năm tổ chức một lần) và các lễ hội truyền thống hàng năm của nhân dân trong huyện (đêm hội trăng rằm, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11, lễ thắp nến tri ân nhân ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 và một số trọng lễ của các tổ chức tôn giáo,…) được đông đảo quần chúng nhân dân và du khách phương xa hưởng ứng tích cực.
Bên cạnh việc chấp hành các quy định chung của pháp luật, nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa; Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo quán triệt cán bộ, đảng viên, công chức phải gương mẫu chấp hành các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, nhất là thủ trưởng các cơ quan, đơn vị không được sử dụng ngân sách Nhà nước, thời gian làm việc, phương tiện xe công đi lễ hội, trừ trường hợp được phân công thực thi nhiệm vụ. Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội”, Tuy Phong không có trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm quy định về quản lý và tổ chức lễ hội bị xử lý, phê bình.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Tuy Phong có 04 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp Quốc gia, 10 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh và đã thành lập các Ban Quản lý, đã được Ủy ban nhân dân huyện ra quyết định công nhận theo Quyết định số 56 /2015/QĐ-UBND, ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về “Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”. Hằng năm, Ủy ban nhân dân huyện đều có văn bản chỉ đạo công tác bảo vệ và tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại các di tích và chủ động thay thế, sửa chữa hệ thống điện xuống cấp có nguy cơ cháy nổ. Công tác quản lý, bảo vệ tại di tích được giao cho Ban Quản lý di tích lịch sử - văn hóa trông coi, bảo quản cẩn thận. Hiện tại, chưa có trường hợp mất cắp, cháy nổ xảy ra. Các Ban Quản lý làm việc dựa trên sự tín nhiệm của nhân dân, chính quyền tại địa phương và thực hiện các nhiệm vụ theo Quy chế hoạt động do Ủy ban nhân dân huyện ban hành (không có tiền lương, chế độ bồi dưỡng nào khác).
Từ năm 2015 đến nay, được sự quan tâm của Ủy ban nhân dân tỉnh, trên địa bàn huyện Tuy Phong được trùng tu 04 di tích: đền Thờ Hùng Vương, Vạn Tả Tân (thị trấn Phan Rí Cửa) nhóm đền Tháp Pô Dam (xã Phú Lạc), đình Long Hương (thị trấn Liên Hương) với tổng kinh phí khoảng 26.700 triệu đồng. Riêng Vạn Tả Tân và đình Long Hương sẽ tiến hành trùng tu trong năm 2020. Được sự hướng dẫn, phối hợp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh, đến nay các di tích được đầu tư trùng tu khang trang, vững chắc góp phần vào việc bảo tồn, giữ gìn nét đẹp văn hóa đình làng, làm cho nhân dân trong huyện tự hào phấn khởi, từ đó nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của các di tích, giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống hiện nay.
Các lễ hội tín ngưỡng truyền thống mang tính đặc thù riêng của huyện được duy trì thường xuyên để thu hút đông đảo du khách đến tham quan, thăm viếng và tìm hiểu về nét văn hóa cổ truyền độc đáo của huyện như: các Lễ hội Xuân Thu nhị kỳ, Lễ hội Kỳ yên, Lễ hội Cầu Ngư… tại các đình làng, các hội Vạn lạch, Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại di tích Cát Bay, Lễ hội Ka tê, Lễ hội tháp Pô Dam, Lễ hội giỗ Tổ các vua Hùng (lễ hội cấp tỉnh) được tổ chức tại đền thờ Hùng Vương, thị trấn Phan Rí Cửa tổ chức vào ngày mùng 10/3 (âl) hàng năm.
Trong 5 năm qua, việc tuyên truyền lễ hội trên các phương tiện thông tin đại chúng được huyện quan tâm chỉ đạo cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, truyền hình nhiều tin, bài, phóng sự giới thiệu, quảng bá hình ảnh của Tuy phong qua các lễ hội truyền thống; các hoạt động thăm và tặng quà của chính quyền địa phương vào các dịp lễ hội tại các cơ sở thờ tự, tôn giáo. Ngoài tuyên truyên truyền trên hệ thống truyền thanh, truyền hình, các cơ quan, đoàn thể, địa phương còn lồng ghép tổ chức các cuộc thi, hội diễn, tuyên truyền tranh cổ động, panô, áp phích, khẩu hiệu; đưa việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và quy ước của khu dân cư; nêu gương người tốt, việc tốt…
Trong 5 năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp (nơi có tổ chức lễ hội) đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động lễ hội phát triển đúng hướng đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Hầu hết các lễ hội trong huyện đều tuân thủ đúng theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Phần lễ được tổ chức trang trọng, đúng quy định; phần hội tổ chức phong phú, phát huy được những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, địa phương theo hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm. Các phong tục văn hóa dân gian trong lễ hội được bảo tồn và phát huy; các sinh hoạt lễ hội truyền thống đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân, góp phần thực hiện tốt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tạo sự gắn kết trong cộng đồng. Thông qua tổ chức lễ hội, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích tại các địa phương gắn với tuyên truyền, quảng bá du lịch ngày càng được quan tâm hơn. Đặc biệt các lễ hội lịch sử cách mạng, các lễ hội dân gian, lễ hội dân tộc, tôn giáo và các lễ hội khác tại địa phương tổ chức trong năm được thực hiện đúng theo quy định tạo không khi phấn khởi, vui tươi trong cộng đồng dân cư, được đông đảo nhân dân hưởng ứng nhiệt tình, tín đồ các tôn giáo tham gia vào các lễ hội chấp hành tốt các quy định của Nhà nước và hướng dẫn của chính quyền địa phương. Không có tình trạng thương mại hóa và biến tướng thành các hiện tượng tiêu cực trong quá trình tổ chức lễ hội./.