Định kỳ 6 tháng, năm trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng đều có xác định rõ chỉ tiêu đào tạo nghề; Hội đồng nhân dân huyện có chương trình giám sát định kỳ 6 tháng, năm về việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề. Ủy ban nhân dân huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động theo chỉ tiêu tỉnh giao, thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho lao động tự tạo việc làm mới hoặc tạo thêm việc làm sau khi tốt nghiệp khóa học nghề.
Các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể quan tâm thực hiện công tác giáo dục, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động với nhiều hình thức và nội dung phong phú, đa dạng như: Tổ chức hội nghị quán triệt trong lực lượng cán bộ, cốt cán; lồng ghép vào các buổi sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt các chi, tổ hội ở thôn, khu phố; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ, hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; phát tờ rơi; phát miễn phí tài liệu về công tác khuyến nông, khuyến ngư; tổ chức các buổi nói chuyện, đối thoại trực tiếp giữa chính quyền, doanh nghiệp và người lao động, hướng nghiệp cho học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông; tuyên truyền qua hệ thống phát thanh của địa phương..., đã góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh và các tầng lớp nhân dân đối với công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho người lao động.
Căn cứ Kế hoạch đạo tạo nghề hằng năm của huyện, UBND các xã, thị trấn đã tổ chức thông tin tuyên tuyền trên hệ thống truyền thanh; các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thông báo chiêu sinh tại đơn vị và phối hợp thông báo chiêu sinh trên hệ thống truyền thông các xã thị, trấn và huyện. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở phối hợp cung cấp thông tin học nghề và cơ hội việc làm đến các hội viên, đoàn viên với số lượng tờ rơi hơn 13.000 tờ. Trung tâm Văn hóa thể thao và Truyền thanh truyền hình huyện đã xây dựng nội dung và thực hiện 09 lượt phỏng vấn trực tiếp hỏi - đáp về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm của Nhà nước cho lao động nông thôn; ghi hình và đưa tin 05 phóng sự về mô hình dạy nghề đạt hiệu quả trong chương trình nông nghiệp nông thôn... truyền phát trên hệ thống truyền thanh-truyền hình huyện.
UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban có liên quan và 02 cơ sở dạy nghề chủ động phối hợp với Huyện đoàn, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Xí nghiệp may Tuy Phong, Công ty muối Vĩnh Hảo, UBND các xã, thị trấn tổ chức các buổi tọa đàm, khảo sát nhu cầu lao động học nghề, tư vấn giải quyết việc làm; số buổi tư vấn, tuyên truyền trong giai đoạn 2010-2020 là 85 buổi, thu hút khoảng 7.525 lao động địa phương tham dự.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 02 cơ sở dạy nghề, gồm Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện (công lập) thành lập và hoạt động năm 2002 và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bắc Phong (ngoài công lập) thành lập và hoạt động vào tháng 10/2010. Cán bộ kỹ thuật thực hiện công tác chuyên môn cũng đã chủ động trang bị, bồi dưỡng kỹ năng sư phạm để tham gia giảng dạy. Các lớp đào tạo nghề được mở ngay tại địa bàn dân cư, thời gian tổ chức lớp học theo yêu cầu của học viên, nhất là thời gian tham gia học lý thuyết, tạo điều kiện cho học viên tham gia đầy đủ chương trình khóa học, đảm bảo đủ điều kiện tốt nghiệp khóa đào tạo nghề, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ giáo viên tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng đủ các ngành nghề đào tạo; việc huy động số cán bộ kỹ thuật, kỹ sư có tay nghề tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm còn chưa nhiều; nhiều ngành nghề chưa có giáo viên cơ hữu phụ trách đứng lớp nên cơ sở đào tạo phải hợp đồng thỉnh giảng.
Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành chức năng, cơ sở dạy nghề, UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động ở các địa bàn dân cư; trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch và đăng ký chỉ tiêu, kinh phí tổ chức đào tạo nghề cho tỉnh trong năm tiếp theo. Nhờ đó, công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề ngày càng đi vào chiều sâu, sát thực tế, việc chiêu sinh các lớp đào tạo nghề hàng năm đạt chỉ tiêu với nhu cầu đăng ký của người lao động. Từ năm 2010 đến năm 2019, huyện đã tổ chức 472 lớp nghề, với 13.973 người/7.405 nữ). Trong tổng số lao động nông thôn học nghề đã học xong 13.973, số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề là 11.642; trong đó, được doanh nghiệp tuyển dụng: 4.095 lao động và tự tạo việc làm 7.547 lao động. Người lao động học nghề hưởng chính sách trợ cấp; kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp được trang bị cho học viên ứng dụng vào thực tiễn lao động sản xuất; lao động học nghề phi nông nghiệp như : may, vận tải, xây dựng dân dụng được doanh nghiệp tuyển dụng làm việc; đối với người học nghề nông nghiệp đã áp dụng các kiến thức, kỹ năng nghề vào mảnh đất, đồng ruộng, vật nuôi cây trồng làm tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống.
Việc triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” được cấp ủy, chính quyền, ban ngành, Mặt trận, đoàn thể và các địa phương tích cực xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện mang lại hiệu quả tích cực. Các Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015” và Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015” cũng đã được Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện triển khai đến các hội cơ sở; phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt... phấn đấu hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đào tạo nghề gắn tạo việc làm của từng Đề án đã đề ra. Các chỉ tiêu đào tạo hằng năm, đối tượng học nghề luôn được Mặt trận huyện quan tâm giám sát chặt chẽ, nhất là chính sách hỗ trợ cho người học.
Từ đó, đã xuất hiện một số mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả: 02 cơ sở Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn huyện đã liên kết với Xí nghiệp may Tuy Phong tổ chức đào tạo trên 3.850 học viên; sau khi hoàn thành, 100% học viên được Xí nghiệp bố trí việc làm, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động tại địa phương. Một số mô hình thuộc lĩnh vực nghề nông nghiệp như: trồng cây lương thực (xã Phong Phú), chăn nuôi gia cầm (xã Hòa Minh), trồng và chăm sóc cây Thanh Long, trồng rau an toàn (xã Phước Thể) cũng mang lại hiệu quả; người học xong đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi làm tăng năng suất, tăng thu nhập góp phần cải thiện đời sống gia đình./.