Tuy nhiên, những tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế; những tiêu cực xã hội, tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống; sự chống phá ngày càng tinh vi, thâm độc của các thế lực thù địch; sự thâm nhập của các loại văn hóa phẩm độc hại từ bên ngoài vào bằng nhiều con đường khác nhau, nhất là các trang mạng xã hội đã ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một số thanh thiếu niên; làm xói mòn những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Thực trạng đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 46-CT/TW, ngày 27/7/2010 về Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội; Ban Thường vụ Huyện ủy, Uỷ ban nhân dân huyện đã chỉ đạo cấp ủy các chi bộ, đảng bộ cơ sở; các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận đoàn thể; Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn căn cứ tình hình thực tế xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức quán triệt sâu kỹ các nội dung công việc theo tinh thần của Chỉ thị 46-CT/TW, trong quá trình triển khai kết hợp lồng ghép những nội trọng tâm của các Chỉ thị, Nghị quyết khác của Trung ương và của tỉnh có liên quan.
Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo chặt chẽ các ngành, các địa phương thông qua công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng, đặc biệt bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc đang được bảo tồn và phát triển đưa văn hóa từng bước trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, yếu tố tự giác trong hoạt động của mỗi người.
Ngoài việc tổ chức quán triệt đến các cán bộ, công chức, các cơ quan đoàn thể, các chi bộ thôn, khu phố tại địa phương, công tác tuyên truyền Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư và các văn bản liên quan được triển khai rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân qua nhiều kênh thông tin với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Tuyên truyền trực quan, phát thanh trên hệ thống Đài truyền thanh, đăng tải các tin, bài trên Trang thông tin điện tử và Tờ tin Tuy Phong, Nhóm Facebook Quê hương Tuy Phong, Fanpage Tuyên giáo Tuy Phong, các hội thi, hội diễn.... các cơ quan tuyên truyền của huyện đã treo hơn 3.000 băng vượt đường, hơn 200 khẩu hiệu tường, hơn 40.000 cờ các loại, tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng hơn 24.000 lượt, tuyên truyền bằng xe thông tin lưu động được 100 buổi; làm mới 300 pa nô cỡ lớn, nhỏ, 680 tranh cổ động, áp phích; tổ chức 365 buổi truyền thông qua hội nghị với nội dung tuyên truyền về thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tuyên truyền đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc trên Internet, phòng chống các sản phẩm văn hóa độc hại... Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình huyện chủ động, kịp thời phát các tin, bài liên quan trên hệ thống loa truyền thanh, biểu dương gương người tốt, việc tốt trong giữ gìn đạo đức, thuần phong mỹ tục, xây dựng gia đình văn hóa.
Hàng năm, Ủy ban nhân dân huyện ban hành Kế hoạch kiểm tra các dịch vụ kinh doanh văn hóa, thông tin và truyền thông trên địa bàn huyện; chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin và Trung tâm Văn hóa - Thể thao và truyền thanh - Truyền hình huyện giám sát chặt chẽ các chương trình biểu diễn nghệ thuật về biểu diễn trên địa bàn huyện theo Nghị định số 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về “Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu” và thực hiện nghiêm túc theo nội dung thông báo tiếp nhận của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhận thức đúng về tác hại của các sản phẩm văn hóa độc hại, công tác quản lý nhà nước về văn hóa. Theo đó, các ngành chức năng duy trì, phối hợp tiến hành công tác kiểm tra, chấn chỉnh các điểm kinh doanh dịch vụ văn hóa phẩm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn; kiên quyết chống thương mại hóa các hoạt động văn hóa, ngăn chặn các hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng, phổ biến văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy. Trong 10 năm qua, Đội kiểm tra Liên ngành văn hóa xã hội huyện tiến hành thanh tra, kiểm tra 44 lượt /235 cơ sở kinh doanh văn hóa phẩm và kinh doanh băng đĩa, hoạt động karaoke, hoạt động quảng cáo, internet, trò chơi điện tử công cộng... Qua đó, xử phạt hành chính đối với 31 trường hợp vi phạm với số tiền trên 116. 850.000 đồng; đồng thời, tăng cường giáo dục pháp luật giúp người dân nhận thức được định hướng đúng về đường lối văn hóa của Đảng và Nhà nước.
Phong trào văn hóa văn nghệ trên địa bàn huyện được quan tâm phát triển mạnh mẽ. Các hoạt động bề nổi được tổ chức thường xuyên góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo khí thế sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, đáp ứng kịp thời nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân. Thực hiện tốt việc đưa các hoạt động văn hóa, luân chuyển sách báo về cơ sở, chú ý ưu tiên những vùng khó khăn, vùng căn cứ kháng chiến, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bãi ngang ven biển. Ngoài ra, Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh Truyền hình thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí, tạo sân chơi lành mạnh cho người dân, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho nhân dân.
Các hoạt động văn hóa, thể thao, câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa, câu lạc bộ hát với nhau được duy trì. Từ đó, dấy lên phong trào văn nghệ - thể thao lành mạnh trong nhân dân. Hoạt động thư viện huyện thường xuyên duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động, giới thiệu các đầu sách mới phục vụ cho độc giả, nhất là các độc giả thanh, thiếu nhi. Vào Ngày sách Việt Nam (21/4) hàng năm, thư viện huyện, thư viện cấp xã, 47 thư viện nhà trường đã quan tâm, lựa chọn các đầu sách, các tác phẩm văn học, các tập thơ để trưng bày, triển lãm, giới thiệu đến các độc giả, học sinh và các tầng lớp nhân dân trong huyện, qua đó đã thu hút hàng nghìn người tham gia tìm hiểu và nghiên cứu. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hoá và kỹ năng sống, kỹ năng tiếp nhận có chọn lọc các giá trị văn hoá của thế giới cho thanh thiếu niên, học sinh được phối hợp tổ chức nghiêm túc gắn các hoạt động văn hoá, văn nghệ với phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” góp phần xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh và bài trừ các sản phẩm văn hoá độc hại xâm nhập vào nhà trường và thế hệ trẻ.
Song song với việc triển khai thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW của Ban Bí thư, đồng thời tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Hoạt động của Chi hội Văn học nghệ thuật Tuy Phong trong 10 năm qua được đẩy mạnh, tham gia các cuộc thi viết, nhiếp ảnh trong nước và quốc tế; đã xuất bản các tuyển tập Văn nghệ Xuân Tuy Phong; các tác phẩm văn học, nghệ thuật đã đi sâu hơn và phản ánh khá sinh động cuộc sống, con người Tuy Phong, nhất là các đề tài có thế mạnh về biển đảo, công nghiệp, nông nghiệp, bảo vệ rừng, du lịch, văn hóa truyền thống... góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương; đồng thời phản bác, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch. Đặc biệt thời gian qua, Uỷ ban nhân dân huyện đã mời nhiều nghệ sĩ, ca sĩ về sáng tác và biểu diễn những ca khúc ca ngợi về quê hương, con người Tuy Phong. Trong đó, có một số tác phẩm đạt giải thưởng ở các hội thi, hội diễn cấp tỉnh. Qua đó, tôn vinh những tác phẩm có giá trị, những tác giả tâm huyết với văn học nghệ thuật chân chính, miệt mài lao động sáng tạo, đồng thời tham gia đấu tranh lên án cái xấu, cái ác và sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, lối sống, đạo đức trong một bộ phận xã hội.
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X), các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn huyện đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, nâng cao năng lực và trình độ nhận biết, tẩy chay các sản phẩm văn hoá độc hại với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân được thể hiện rõ nét trong việc tích cực tham gia các phong trào tại cơ quan, đơn vị, địa phương như: Toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hóa; Xây dựng cơ quan văn hóa, Xây dựng xã, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội...; vận động người thân nâng cao ý thức tự giác loại bỏ các sản phẩm văn hóa độc hại. Trách nhiệm quản lý của các ngành, các cấp, của từng cơ quan, đơn vị được tăng cường, góp phần tích cực trong việc đấu tranh phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại./.